Chính phủ vừa ban hành Nghị quyết số 37/NQ-CP về Kế hoạch thực hiện Quy hoạch không gian biển quốc gia thời kỳ 2021- 2030, tầm nhìn đến năm 2050.
Đây là bước ngoặt nhằm cụ thể hoá quan điểm, mục tiêu, nhiệm vụ trọng tâm, khâu đột phá, định hướng, giải pháp và các dự án quan trọng quốc gia đã được Quốc hội phê duyệt tại Nghị quyết số 139/2024/QH15 ngày 28/6/2024, triển khai hiệu quả Quy hoạch không gian biển quốc gia thời kỳ 2021- 2030, tầm nhìn đến năm 2050.
Cùng với đó, xác định được lộ trình và nguồn lực thực hiện các chương trình, dự án để thực hiện Quy hoạch không gian biển quốc gia thời kỳ 2021-- 2030, tầm nhìn đến năm 2050, giải quyết, xử lý các mâu thuẫn, chồng lấn về không gian trong khai thác, sử dụng tài nguyên biển; thúc đẩy phát triển các ngành kinh tế biển, kết cấu hạ tầng biển, ven biển...

Nhiệm vụ của Kế hoạch hướng tới xây dựng và hoàn thiện thể chế, chính sách. Cụ thể, rà soát, sửa đổi Luật Tài nguyên, môi trường biển và hải đảo, các luật và văn bản pháp luật có liên quan để đảm bảo đồng bộ và nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý, khai thác và sử dụng tài nguyên, bảo vệ môi trường biển và hải đảo.
Bên cạnh đó, Kế hoạch nhằm xây dựng và ban hành hướng dẫn, quy định triển khai phân vùng sử dụng không gian biển cấp địa phương; xây dựng và ban hành các chính sách phát triển năng lượng sạch, năng lượng tái tạo và kinh tế biển mới, gắn với triển khai thực hiện Chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam.
Phát triển đồng bộ hệ thống đường hàng không, đường sắt, đường bộ, đường biển, đường thủy nội địa và dịch vụ logistics gắn với phát triển ngành công nghiệp tàu thủy và vận tải biển.
Xây dựng hệ thống cơ sở hạ tầng ven biển, hải đảo đa mục tiêu, lưỡng dụng, đồng bộ, hiện đại, thích ứng với biến đổi khí hậu và nước biển dâng. Xây dựng các cơ sở dịch vụ hậu cần đa chức năng trên các đảo xa bờ theo mô hình dân - quân kết hợp trong phát triển kinh tế biển đảo, gắn với nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền quốc gia trên biển.
Chuyển đổi số, hoàn thiện hệ thống cơ sở dữ liệu, giám sát khai thác, sử dụng tài nguyên, môi trường biển và hải đảo quốc gia. Trước mắt, tập trung xây dựng và hoàn thiện Hệ thống kỹ thuật hỗ trợ hoạt động quản lý nhà nước về giao, sử dụng khu vực biển và giám sát nhận chìm ở biển đồng bộ, thống nhất.
Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ số, phát triển nguồn nhân lực biển
Song song với việc ban hành các chính sách xây dựng hạ tầng biển, kế hoạch cũng đề ra nhóm nhiệm vụ xây dựng, triển khai Đề án đào tạo và phát triển nguồn nhân lực biển quốc gia đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050. Trong đó, đặc biệt quan tâm đến các lĩnh vực du lịch và dịch vụ biển, kinh tế hàng hải, khai thác khoáng sản biển, thuỷ sản, công nghiệp ven biển, năng lượng tái tạo và các ngành kinh tế biển mới...
Nâng cao đời sống văn hoá, xã hội của cư dân vùng biển, đảo; bảo tồn và phát huy các giá trị tự nhiên, văn hoá, lịch sử, bản sắc dân tộc trên cơ sở Quy hoạch hệ thống du lịch thời kỳ 2021- 2030, tầm nhìn đến năm 2045 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 509/QĐ-TTg ngày 13/6/2024.
Triển khai có hiệu quả Đề án phát triển nuôi trồng thủy sản trên biển đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 1664/QĐ-TTg ngày 04/10/2021 theo hướng xanh, tuần hoàn, carbon thấp, chống chịu cao, gắn với bảo tồn biển và văn hoá biển, bảo đảm phù hợp với định hướng của Quy hoạch không gian biển quốc gia.
Cùng với đó, chú trọng phát triển khoa học, công nghệ, nguồn nhân lực và hợp tác quốc tế về biển, đảo bằng việc sẽ tăng cường nghiên cứu, phát triển các ngành kinh tế biển mới, nhiều tiềm năng (dược liệu biển, y học biển, hóa học biển, các vật liệu mới). Nghiên cứu phát triển ngành công nghiệp thu hồi và lưu trữ khí nhà kính ở các bể trầm tích và cấu trúc địa chất ngoài khơi.
Nghiên cứu, ứng dụng công nghệ thông tin, công nghệ số, trí tuệ nhân tạo trong các hoạt động phát triển cơ sở hạ tầng ven biển, biển và hải đảo; phát triển các ngành kinh tế biển mới...