Bố mẹ còn sốt sắng hơn vì họ đâu phải thi, chỉ việc đổ ra nhiều tiền, chạy chọt, la hét mắng mỏ hay là nịnh nọt để con nó học, cuối cùng là để cho con nó sướng mà mình cũng sướng.
>>Xem lại Bài 1: Học sinh Việt Nam hãy bớt... giỏi đi!
Học giỏi để sướng
Đã lâu lắm rồi mới thấy có một chuyên đề bàn lại về một vấn đề mà ai cũng tưởng như không có gì cần để bàn thêm. Giỏi để làm gì? Vấn đề này rộng vô cùng, vậy xin được nói một chút chỉ về Học Giỏi trước đã.
Bây giờ người ta lại muốn bàn lại “Học Giỏi để làm gì?”
Bàn đến việc này bởi vì bây giờ người ta đã muốn nói thật hơn một chút, muốn nhìn lại các giáo điều mà mọi người vẫn luôn luôn nói và coi đó là chân lý. Nhưng nếu chỉ có hai người nói thẳng với nhau thì vấn đề thật đơn giản: Học Giỏi chỉ là để rồi sẽ Sướng, thế thôi!
Sung sướng tức là hạnh phúc mà Hạnh Phúc lại chính là quyền cơ bản của mỗi công dân. Điều này đã ghi rất rõ trong nhiều Hiến pháp của rất nhiều nước trên khắp thế giới. Cả nhân loại này, không trừ một ai đều luôn đi tìm sự Sung sướng hay là Hạnh phúc. Và đã có lúc người ta luôn hét thật to: “Hạnh phúc chỉ có ở trong Đấu tranh”. Bây giờ thì lại rất nhiều người thấy: “Hạnh phúc chỉ có nếu mà Học Giỏi”.
Nhưng thế nào là học giỏi? Có một “thước đo” khá phổ biến: Có bằng cấp cao tức là học giỏi. Cứ có bằng cấp thật cao thì có được việc lương cao. Thế là sẽ có nhà lầu ôtô, dễ có vợ đẹp con khôn. Được đi nước ngoài hội họp, du lịch khắp nơi chưa kể nếu muốn thì làm luôn hai hộ chiếu coi cả thế giới là nhà của mình.
Nếu mà linh hoạt có thể tự mở công ty, lập ra ngân hàng kiếm tiền rất nhanh. Gan lì hơn nữa, lựa lúc nhảy vào bộ máy công quyền thế là sẽ sướng như tiên. Phải là tiến sỹ, Giáo sư để còn chen nhau với những người khác.
Hạnh phúc chỉ có nếu học giỏi? Ảnh minh họa |
Học giỏi để làm quan
Từ ngàn năm xưa, ông cha ta đã biết rất rõ điều này. Học vẹt, cạo trọc bó gối ngồi học để mà đi thi. Thi đỗ thì ra làm quan, vinh thân phì gia hay là kinh bang tế thế. Chả phải chỉ ở Việt Nam mà rất nhiều nơi quanh ta cũng thấy học trò lao đầu vào học.
Bố mẹ còn sốt sắng hơn vì mình đâu có phải thi, chỉ việc đổ ra nhiều tiền, chạy chọt, la hét mắng mỏ hay là nịnh nọt để con nó học. Cuối cùng là để cho con nó sướng mà mình cũng sướng.
Trong bao nhiêu cách để tìm cái sướng, cách “cố mà học cho giỏi” là thấy được nhất, là dễ theo nhất và cũng được đảm bảo nhất, rất ít rủi ro. So với những người được sướng bằng những nghề như showbiz, bằng nghề viết văn hay bằng đá bóng thì thấy học chữ vẫn dễ hơn nhiều.
Ai ai cũng thấy học giỏi là dễ sướng nhất. Đứa bé vừa rời vú mẹ là đã tìm cách đẩy nó đi học. Nó phải cố sức mà học, cho đến khi nào không học được nữa thì mới tính đến cách khác. Nó đang học giỏi trường chuyên lớp chọn, đại học đắt giá thì không ai lại đồng ý khi thấy nó đi học hát, đi vẽ hay là viết văn, cùng lắm chỉ cho đi thi hoa hậu!
Nhưng rồi sau vài chục năm lại đây người ta lại đành phải thừa nhận: Không phải đứa trẻ nào cũng có thể học giỏi. Điều này thì ai cũng thấy rất rõ như là ban ngày.
Đa số các bậc phụ huynh ngày trẻ cũng đều học dốt nhưng mà hôm nay họ lại cứ bằng mọi giá muốn rằng con mình phải học thật giỏi. Thế là học ngày học đêm, học thêm, học kèm. Rồi sau bao năm đâm đầu vào đá rồi một ngày họ phải đối mặt với thực tế: Rất nhiều học sinh cố mãi cũng không bao giờ thi đỗ đại học. Không đỗ thì tìm cách “chạy chọt” lấy cái bằng dỏm. Đi làm phật phờ rồi kiếm cái bằng thạc sỹ, tiến sỹ về treo. Chen vào một chỗ rồi là vớ vẩn lúc nào lên đến giáo sư, hiệu trưởng như chơi.
Sống cứ như đùa, đùa mà ăn thật, đúng là hơn cả thần tiên.
Học giỏi để có bằng cấp cao
Người Việt Nam có một ông thành hoàng làng rất hay. Học thì vớ vẩn nhưng vẫn đỗ cao. Khi thi ông nhúng mười ngón tay vào trong nghiên mực thế là vẽ rất là nhanh, một phút được mười con giun, thế là đỗ liền.
Đỗ rồi các ông ấy lại cũng thích được vào cung vua phủ chúa, nhưng mà vẫn thích chọc đểu, bĩnh ra cả vườn rau nhà Chúa, nói theo ngôn ngữ bây giờ gọi là bất mãn.
Ông thành hoàng ấy, hơn mấy ngàn tiến sĩ bây giờ ai ai cũng biết, nhưng không ai nhận ông ấy chính là thành hoàng của “làng Tiến sỹ" hiện nay. Mấy chục ngàn tiến sỹ ngồi trong nhà hộp máy lạnh suốt mấy mươi năm mà không viết được cái gì ra hồn cho dân cho nước nhưng lương cao bổng hậu, bay đi bay về hội thảo khắp toàn cầu. Như thế câu trả lời đã rất rõ ràng: Học Giỏi tức là có Bằng Cấp cao, Học Giỏi để Sướng chứ để làm gì.
Thế rồi bây giờ người ta lại ồn ào lên với câu: Học để làm Người. Câu này không phải mới được phát minh mà nó xưa như trái đất. Từ thời Hypocrate hay thời của đức Khổng Tử, câu này đã được nói đi nói lại đến nhàm cả tai. Vậy mà lúc này người ta lại đổ xô vào túm lấy cái khẩu hiệu này như là nó chưa được biết bao giờ.
Nhưng người ta phải biết thế nào là Người trước đã; rồi lại phải thấy làm Người thì phải làm gì, cần có những gì thì mới thành Người, v.v...
Mà những vấn đề như thế thì rộng và khó vô cùng, trừu tượng và có rất nhiều tiêu chí thật giả lẫn lộn, sẽ bàn tới ở một đề tài khác.
Hoàng Đại Dương
* Bài viết thuộc bản quyền Chuyên trang Tuần Việt Nam, Báo VietNamNet, đề nghị các báo không sao chép.