Nếu như trước đây, muốn giải quyết TTHC, người dân, doanh nghiệp phải đến trực tiếp cơ quan Nhà nước để xử lý, thì từ khi sử dụng DVCTT, các tổ chức, cá nhân có thể thực hiện ngay tại nhà hoặc tại bất cứ đâu bằng máy tính hoặc điện thoại thông minh có kết nối Internet, đồng thời có thể theo dõi được tình trạng giải quyết hồ sơ của mình.
Qua đó, giúp tổ chức, cá nhân tiết kiệm được thời gian, công sức và cắt giảm được chi phí đi lại, nhất là đối với các huyện miền núi.
Trung tâm Phục vụ hành chính công tỉnh là đơn vị đi đầu trong việc cung cấp và giải quyết hồ sơ DVCTT. Năm 2024, trung tâm đã tiếp nhận và giải quyết 120.863 hồ sơ trực tuyến qua Cổng dịch vụ công quốc gia và Hệ thống thông tin giải quyết TTHC của tỉnh (chiếm tỷ lệ 69,34% tổng số hồ sơ tiếp nhận, giải quyết của toàn tỉnh), tăng 33,82% so với cùng kỳ năm 2023 (cùng kỳ năm 2023 có 90.316 hồ sơ nộp trực tuyến).
Để có được kết quả này, trung tâm đã đẩy mạnh công tác tuyên truyền trên các nền tảng mạng xã hội như Facebook, Zalo, in tờ rơi, tờ gấp phát cho tổ chức, công dân khi đến giải quyết TTHC tại trung tâm và gửi cho bộ phận “một cửa” cấp huyện để hướng dẫn tuyên truyền.
Để tổ chức, cá nhân được thụ hưởng các dịch vụ công một cách tốt nhất trên nền tảng hạ tầng thông tin số rộng khắp, trung tâm luôn chú trọng phát triển các phần mềm ứng dụng đồng bộ và hiện đại đáp ứng yêu cầu giải quyết TTHC một cách nhanh chóng, chính xác.
Là đơn vị được giao quản trị, vận hành Hệ thống thông tin giải quyết TTHC của tỉnh, trung tâm đã thiết kế lại giao diện, trải nghiệm của người dùng với các DVCTT thiết yếu; đồng thời bổ sung hoàn thiện các giải pháp, cung cấp chức năng, tính năng thực hiện DVCTT, tích hợp chữ ký số và thanh toán trực tuyến trên ứng dụng di động.
Trung tâm cũng thường xuyên phối hợp với các sở, ngành kiểm tra, rà soát các DVCTT để kịp thời tháo gỡ, khắc phục trong quá trình tiếp nhận, giải quyết hồ sơ TTHC; tăng cường giám sát đối với hồ sơ TTHC nộp trực tuyến để nhắc nhở cán bộ, công chức trong việc hướng dẫn, hỗ trợ tổ chức, công dân thực hiện. Với nhiều giải pháp đồng bộ, việc tiếp nhận và giải quyết hồ sơ TTHC trực tuyến của trung tâm luôn chiếm tỷ lệ cao.
Anh Nguyễn Văn Trung ở phường Quảng Thành (TP Thanh Hóa) cho biết: “Tôi đến thực hiện thủ tục đổi giấy phép lái xe, được công chức Trung tâm Phục vụ hành chính công tỉnh hướng dẫn nộp hồ sơ trực tuyến trên điện thoại. Lần đầu thực hiện, tôi thấy cũng dễ dàng và nhanh chóng. Tôi đã được tạo tài khoản cá nhân nên lần sau không cần phải đến trung tâm nữa mà có thể thực hiện ngay tại nhà, rất tiện ích”.
Để tăng số lượng tổ chức, cá nhân sử dụng DVCTT, bộ phận “một cửa” cấp huyện, cấp xã trên địa bàn huyện Hoằng Hóa được đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị, phần mềm ứng dụng đạt chuẩn theo Nghị định số 61/2018/NĐ-CP của Chính phủ về thực hiện cơ chế “một cửa”, “một cửa” liên thông trong giải quyết TTHC.
Đặc biệt, để thúc đẩy thanh toán trực tuyến, huyện Hoằng Hóa đã triển khai thực hiện nghiêm Nghị quyết số 02/NQ-CP của Chính phủ về những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia năm 2024, trong đó có đẩy mạnh thanh toán trực tuyến đối với mỗi đơn vị là trên 45%.
Với sự nỗ lực của toàn huyện, năm 2024 thanh toán trực tuyến đối với cấp huyện ở Hoằng Hóa đạt 96%, cấp xã bình quân đạt 75,42% (trong đó xã cao nhất đạt 95,37%, xã thấp nhất đạt 45,91%), vượt chỉ tiêu Trung ương và tỉnh giao.
Cùng với đó, Hoằng Hóa đẩy mạnh thực hiện 2 nhóm dịch vụ công liên thông “khai sinh - khai tử”; đẩy mạnh chứng thực bản sao điện tử từ bản chính và cấp phiếu lý lịch tư pháp trên VNeID...
Nhờ đó, năm 2024, bộ phận “một cửa” UBND huyện Hoằng Hóa tiếp nhận 3.211 hồ sơ, trong đó hồ sơ trực tuyến chiếm tới 3.088 hồ sơ; bộ phận “một cửa” UBND các xã, thị trấn tiếp nhận 26.508 hồ sơ trực tuyến, vượt chỉ tiêu tỉnh giao.
Hiện nay, Hệ thống thông tin giải quyết TTHC của tỉnh cung cấp thông tin 1.980 TTHC, trong đó có 1.710 TTHC thực hiện trực tuyến một phần và trực tuyến toàn trình, đạt 86,4%.
Nhằm nâng cao chất lượng cung cấp dịch vụ công, ngày 3/4/2024 Chủ tịch UBND tỉnh đã ban hành công văn yêu cầu giám đốc các sở, thủ trưởng các ban, ngành cấp tỉnh, chủ tịch UBND các huyện, thị xã, thành phố tiếp tục chỉ đạo đẩy mạnh công tác tuyên truyền, hướng dẫn, khuyến khích người dân, doanh nghiệp chủ động sử dụng DVCTT.
Thực hiện chỉ đạo của Chủ tịch UBND tỉnh, các sở, ngành, địa phương đã triển khai đồng bộ các giải pháp nâng cao hiệu quả khai thác, sử dụng DVCTT, tỷ lệ thanh toán trực tuyến, tỷ lệ số hóa hồ sơ... bảo đảm hoàn thành chỉ tiêu của Chính phủ và UBND tỉnh giao.
Với nhiều nỗ lực trong thực hiện, năm 2024, toàn tỉnh đã tiếp nhận 684.354 hồ sơ DVCTT một phần và toàn trình (đạt 93,13%), vượt chỉ tiêu đề ra.
Trong đó, khối sở, ban, ngành cấp tỉnh tiếp nhận 179.628 hồ sơ hồ sơ DVCTT một phần, 133.424 hồ sơ DVCTT toàn trình; tỷ lệ hồ sơ nộp trực tuyến đạt 86,85%.
UBND cấp huyện tiếp nhận 25.738 hồ sơ DVCTT một phần, 40.873 hồ sơ DVCTT toàn trình; tỷ lệ hồ sơ nộp trực tuyến đạt 99,71%. UBND cấp xã tiếp nhận 188.487 hồ sơ DVCTT một phần, 116.204 hồ sơ DVCTT toàn trình; tỷ lệ hồ sơ nộp trực tuyến đạt 99,05%.
Việc tiếp nhận và giải quyết TTHC trực tuyến không chỉ giảm chi phí và giảm thời gian đi lại cho công dân, mà còn giảm áp lực cho công chức làm việc tại bộ phận “một cửa” các cấp.
Vì vậy, ngoài sự nỗ lực từ các địa phương, cơ quan, đơn vị, rất cần sự tham gia tích cực từ phía người dân để thay đổi thói quen, từng bước tiến tới sử dụng internet là kênh cung cấp dịch vụ chính đối với người dân.
Theo THU VUI (Báo Thanh Hóa)