Trong số những dấu ấn đậm nét về sự phát triển mạnh mẽ ở Cầu Giấy thời công nghệ số, cần ghi nhận mô hình thanh toán không dùng tiền mặt đang được thí điểm trên địa bàn - không chỉ được áp dụng trong các trung tâm thương mại, siêu thị, mà còn tại chợ dân sinh.
Đây chính là một trong những hoạt động thiết thực trong hành trình chuyển đổi số, phát triển thương mại điện tử và kinh tế số trên địa bàn, nhằm xây dựng Cầu Giấy trở thành quận văn minh, hiện đại.
Vừa nhanh vừa tiện
Năm 2024 là năm thứ tư thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm của quận Cầu Giấy, đồng thời cũng là năm tăng tốc, bứt phá, có ý nghĩa quan trọng để hoàn thành các mục tiêu, chỉ tiêu mà Nghị quyết Đại hội Đảng bộ quận lần thứ VI, các chương trình công tác của Quận ủy nhiệm kỳ 2020 - 2025 đề ra.
Để hoàn thành, hoàn thành vượt mức 21 chỉ tiêu về phát triển kinh tế - xã hội, quận Cầu Giấy xác định chuyển đổi số, phát triển thương mại điện tử và kinh tế số là một trong những nhiệm vụ trọng tâm trong chỉ đạo, điều hành, tạo tiền đề phấn đấu đến năm 2025, tỷ trọng kinh tế số trong GRDP chiếm hơn 50% (Thành phố Hà Nội phấn đấu đạt 30%).
Ghi nhận tại chợ Đồng Xa, phường Mai Dịch, từ ngày quận Cầu Giấy triển khai "chợ không dùng tiền mặt", phía trên nhiều quầy hàng đều được treo biển có ghi đầy đủ thông tin về mã QR kèm số tài khoản thanh toán.
Đa số người dân đồng tình ủng hộ bởi chỉ cần có điện thoại thông minh, khách hàng có thể trả tiền khi quét mã QR hoặc trả qua ví điện tử...
Về phía tiểu thương, không ai còn phải lo lắng về chuyện tiền giả len lỏi vào chợ, cũng không phải chuẩn bị tiền lẻ để trả lại tiền thừa cho khách.
Việc thu tiền qua tài khoản tạo thuận lợi cho việc trả tiền hàng với các mối giao buôn. Người đi chợ không cần phải mang theo nhiều tiền mặt, bảo đảm an toàn, vệ sinh...
Qua một thời gian thực hiện, với sự vào cuộc quyết liệt của Ban quản lý chợ Cầu Giấy và sự phối hợp, hỗ trợ tích cực của Viettel, đến nay, các hộ tiểu thương kinh doanh tại chợ Đồng Xa cơ bản đã đăng ký tài khoản thanh toán qua ngân hàng hoặc các nền tảng số, hoạt động thanh toán không dùng tiền mặt ngày càng tăng, thanh toán bằng tiền mặt ngày càng giảm.
Chị Nguyễn Thị Hoài (ở quận Cầu Giấy) cho hay: "Sau khi được hướng dẫn cách làm, tôi thanh toán khoảng 3 lần là thành thạo. Hình thức này khá đơn giản, bảo mật tốt, thuận tiện mua, bán và tránh được rủi ro, nhầm lẫn. Thậm chí bây giờ, đến cửa hàng nào mà không nhận chuyển khoản là tôi sang hàng khác để mua”.
Đặc biệt, tại chợ Đồng Xa hiện đã có một số hộ tiểu thương tiên phong sử dụng tem truy xuất nguồn gốc để quản lý sản phẩm mà mình bán ra thị trường.
Đây cũng là những người đi đầu trong xu hướng tiêu dùng thông minh, hiện đại tại các chợ truyền thống trên địa bàn quận Cầu Giấy.
Sẽ triển khai trên diện rộng
Dù đạt được hiệu quả song mô hình "chợ không dùng tiền mặt" vẫn còn một số bất cập khách quan và chính người bán hàng cũng thừa nhận điều này.
Theo chị Nguyễn Thị Ngân, bán hoa quả tại chợ, hệ thống nhận diện khuôn mặt khi thanh toán qua ứng dụng ngân hàng thỉnh thoảng vẫn bị lỗi, không nhận diện được hay bị treo khi thanh toán nên đôi khi việc mua bán còn chậm hơn khi thanh toán bằng tiền mặt.
Với việc thanh toán những khoản nhỏ như khi mua mớ rau, quả cà có giá dưới 10.000 đồng, không phải ngân hàng nào cũng hỗ trợ thanh toán.
Mô hình thanh toán mới mẻ cũng khiến một số trường hợp không có tài khoản hoặc ứng dụng thanh toán trực tuyến, như học sinh, người già..., gặp khó khăn.
Về vấn đề nói trên, theo lãnh đạo quận Cầu Giấy thì trên cơ sở triển khai thí điểm, UBND quận sẽ đánh giá, rút kinh nghiệm để triển khai mô hình này trên phạm vi toàn quận.
Trong công tác điều hành, quận sẽ góp ý với nhà cung cấp dịch vụ để cải tiến về công nghệ cho phù hợp hơn. Tạo thói quen đi chợ không dùng tiền mặt thì cần có thời gian và nỗ lực tuyên truyền để mọi người đều hiểu.
Quan điểm chung là lấy người dân làm trung tâm của chuyển đổi số, thiết bị di động thông minh là phương tiện chính của người dân trong thế giới số.
Hiện chỉ có một số người, đặc biệt là người lớn tuổi, có tâm lý e ngại khi sử dụng công nghệ mới, do đó, quận sẽ tập trung làm tốt công tác tuyên truyền.
Mục tiêu là tạo sự chuyển biến mạnh mẽ về nhận thức của các cơ quan, đơn vị và người dân trong thực hiện chuyển đổi số, mà trước hết là thanh toán không dùng tiền mặt.
Ở cấp cơ sở, Ban quản lý các chợ cũng tích cực ứng dụng chuyển đổi số trong hoạt động quản lý chợ, như xây dựng trang fanpage tại chợ nhằm kịp thời đưa các thông tin về hoạt động của chợ lên diễn đàn công khai, tăng cường kiểm tra và công bố công khai chất lượng thực phẩm đảm bảo an toàn vệ sinh để người dân biết và tin tưởng mua sắm hàng hóa...
Cùng với đó, Quận đã và đang huy động đoàn viên, thanh niên, cán bộ phụ nữ - lực lượng tiên phong trong chuyển đổi số làm nòng cốt hỗ trợ, hướng dẫn các tầng lớp nhân dân cài đặt, sử dụng các ứng dụng trên nền tảng số, như VNeID; tạo mã QR; Sổ sức khỏe điện tử; tài khoản Mobile Money; các ứng dụng thanh toán không dùng tiền mặt...
Thông qua những hành động, việc làm cụ thể, thiết thực, hiệu quả đó, thông điệp “chuyển đổi số” sẽ thấm sâu trong mọi hoạt động, tạo đà phát triển kinh tế số.
Mô hình này được kỳ vọng là bước đi chiến lược trên con đường xây dựng, phát triển xã hội số và kinh tế số, góp phần xây dựng quận Cầu Giấy ngày càng văn minh, hiện đại.
Theo Hà Phong (Báo Hà nội mới)