Thị trường sôi động
Số liệu từ các doanh nghiệp ô tô cho biết, năm 2020, tổng doanh số bán toàn thị trường đạt khoảng 420.000 xe các loại. Trong đó, ô tô từ 16 chỗ trở xuống đạt khoảng 400.000 xe. Con số này tương đương với doanh số bán năm 2019. Thị trường ô tô Việt Nam 2020 không tăng trưởng nhưng cũng không bị suy giảm tới 15% như dự báo của Hiệp hội các nhà sản xuất ô tô Việt Nam (VAMA) hồi đầu năm.
Doanh số bán ô tô giảm mạnh nhất vào nửa đầu năm 2020 khi dịch Covid bùng phát. Tuy nhiên, nửa cuối năm với việc kiểm soát tốt dịch bệnh và ban hành chính sách hỗ trợ giảm 50% lệ phí trước bạ, cùng với giá xe giảm mạnh nên thị trường hồi phục mạnh mẽ.
Việt Nam mới đạt tỷ lệ 34 xe/1.000 người. |
Trong khi một số doanh nghiệp phải chịu mức tăng trưởng âm thì ngược lại vẫn có không ít doanh nghiệp đạt tăng trưởng dương. Đặc biệt, tân binh Vinfast với doanh số bán gần 30.000 xe trong năm 2020 đã lấy bớt thị phần của các doanh nghiệp khác.
Theo Công ty chứng khoán SSI, năm 2021 ước tính thị trường ô tô sẽ tăng trưởng 16,3% do nhu cầu tiếp tục duy trì ở mức cao. Kết quả này sẽ cao hơn 3% nữa nếu dịch Covid-19 bị đẩy lùi.
Chính phủ đặt kế hoạch năm 2021 tăng trưởng GDP Việt Nam ở mức 6,5% và bình quân thu nhập đầu người đạt 3.700 USD. Với mức thu nhập từ 3.000 USD/người /năm trở lên, Việt Nam sẽ bước vào giai đoạn bùng nổ về tiêu dùng ô tô.
Trong khi đó, theo số liệu từ Cục Đăng kiểm, hiện tại Việt Nam mới đạt tỷ lệ 34 xe/1.000 người. Con số này khá thấp so với các nước trong khu vực và thế giới. Với thu nhập ngày càng tăng, ô tô sẽ chuyển từ mặt hàng xa xỉ, thành mặt hàng tiêu dùng phổ biến, tỷ lệ sở hữu tăng cao. Quy mô thị trường ngày càng lớn, sẽ là cơ hội để ngành công nghiệp ô tô phát triển.
Theo các doanh nghiệp, trong bối cảnh này, những mẫu xe thuộc phân khúc sedan hạng B sẽ trở thành trụ cột, thúc đẩy sự phát triển của ngành công nghiệp ô tô Việt Nam. Doanh số bán của phân khúc sedan hạng B nhiều năm qua luôn dẫn đầu thị trường và năm 2020 vượt ngưỡng 60.000 xe.
Mặc dù gặp khó khăn trong năm 2020 do đại dịch Covid gây ra, phân khúc này vẫn có tăng trưởng. Trong đó, mẫu Vios của Toyota Việt Nam đạt hơn 30.000 xe, tăng hơn 3.000 xe so với 2019; tiếp đến là Hyundai Accent hơn 20.000 xe, tăng gần 2.000 xe so với 2019. Phân khúc sedan hạng B luôn có doanh số bán cao hơn phân khúc xe hạng A, cho dù giá cao hơn.
Điểm đặc biệt của dòng xe này là có thiết kế trẻ trung, hiện đại, được trang bị khá đầy đủ những tính năng an toàn mà phân khúc xe hạng A không có. Nội thất cũng rộng rãi, tiện nghi, động cơ mạnh mẽ hơn và khả năng linh hoạt trong đô thị. Với số tiền từ 600 triệu đồng trở xuống, khách hàng có nhiều sự lựa chọn. Đây vẫn là phân khúc có doanh số tăng trưởng cao và đứng vị trí dẫn đầu thị trường trong thời gian tới. Trong đó 3 sản phẩm chính là Toyota Vios, Hyundai Accent và Honda City chiếm doanh số lớn.
Giá ngày càng giảm
Đến nay, doanh số bán Vios ngày càng tăng và chưa bị đối thủ nào soán ngôi đầu. Đây là mẫu xe được nhiều người tiêu dùng Việt Nam lựa chọn nhất từ trước đến nay. Vios vẫn sẽ là sản phẩm chủ lực của Toyota tại Việt Nam trong nhiều năm tới. Doanh số càng cao, sẽ càng có điều kiện tăng tỷ lệ nội địa hóa và giảm giá thành.
Năm 2021 phiên bản Vios mới lắp ráp trong nước ra mắt, được tích hợp thêm nhiều tính năng hiện đại, thiết kế thay đổi trẻ trung và ấn tượng hơn sẽ trở nên hấp dẫn hơn với khách hàng.
Phân khúc sedan hạng B có doanh số bán dẫn đầu thị trường. |
Hyundai Accent đã ra mắt phiên bản mới cuối năm 2020. Đây cũng là mẫu xe có doanh số bán cao nhất của TC Motor nhiều năm qua. Với những cách tân ấn tượng, Hyundai Accent đang có đà tăng trưởng tốt và tỷ lệ nội địa hóa ngày càng được nâng lên, trong khi giá thành giảm.
Honda City vừa ra mắt phiên bản mới, thêm những tính năng, công nghệ mới. Doanh số đang tăng nhanh và mẫu xe này hứa hẹn có đột phá, trở thành sản phẩm sản xuất lắp ráp trong nước đạt sản lượng lớn, tỷ lệ nội địa hóa cao.
Ngoài phân khúc sedan hạng B, phân khúc SUV đô thị và phân khúc xe hạng A cũng được đẩy mạnh sản xuất lắp ráp tại Việt Nam từ 2021. Bởi quy mô thị trường tăng, giúp tăng sản lượng.
Đáng chú ý, sự nổi lên của cái tên mới trong phân khúc A như Fadil trong năm 2020 cũng đang nhăm nhe đe doạ thị phần của phân khúc B và mang đến thêm nhiều lựa chọn cho khách hàng. Chỉ mới ra mắt, nhưng VinFast Fadil đã tăng trưởng ấn tượng với 18.106 xe trong năm 2020, dẫn đầu phân khúc hạng A, báo hiệu sự tăng trưởng mạnh của dòng xe này trong tương lai.
Theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, ngành công nghiệp ô tô chỉ có thể phát triển khi có thị trường và cơ hội thị trường đó phải dành cho các nhà sản xuất trong nước chứ không phải cho xe nhập khẩu. Vì vậy, giải pháp thực hiện là tập trung vào phát triển lành mạnh thị trường ô tô; duy trì và đẩy mạnh sản xuất, lắp ráp ô tô trong nước và phát triển công nghiệp hỗ trợ. Tạo ra thị trường đủ lớn cho các nhà sản xuất ô tô trong nước, đồng thời tăng cường phát triển hệ thống cơ sở hạ tầng nhằm đáp ứng nhu cầu sử dụng ô tô.
Hiện tại, các cơ quan chức năng đang thảo luận về khả năng ưu đãi thuế tiêu thụ đặc biệt với xe sản xuất lắp ráp trong nước. Nếu chính sách này được ban hành sẽ giúp thúc đẩy hơn nữa tiêu thụ ô tô nhờ giá giảm. Đặc biệt, các mẫu sedan hạng B càng có điều kiện giảm giá nhờ doanh số bán cao và tăng tỷ lệ nội địa hóa, trở thành trụ cột, thúc đẩy ngành công nghiệp ô tô Việt Nam phát triển.
Trần Thủy