Đã có một cái giật mình “không hề nhẹ” của người Hà Nội nói riêng và người Việt nói chung, khi chứng kiến quán bún vừa bán vừa chửi ở phố Ngô Sĩ Liên (Hà Nội) được kênh CNN của Mỹ phát đi trong chương trình ẩm thực của nhà đẩu bếp nổi tiếng thế giới Anthony Bourdain.

Không biết từ lúc nào, người Hà Nội biết đến những cái tên như “Bún chửi”, “Cháo quát” hay “Ốc lắm mồm”… Dân mê ẩm thực đường phố của Hà Nội từ phương xa đến, cả Tây lẫn ta, nghe tiếng thường tìm mọi cách ghé qua “một lần cho biết”, coi như một trải nghiệm mới về Hà Nội.

Đặc điểm chung của các quán hàng này là thực khách khi vào thưởng thức món ăn, nếu chọn món lâu, ngồi ăn lâu hay có thắc mắc, chê bai, đòi hỏi về một điều gì đó dù rất nhỏ, như thêm gia vị, bớt đồ ăn chẳng hạn, sẽ bị bà chủ quát mắng hoặc xua đuổi, thậm chí văng tục vào mặt, nếu không chí ít cũng bị nghe vài câu mỉa mai, chì chiết. Nhân viên phục vụ của quán làm việc trong sự gầm ghè, quát tháo của chủ.

{keywords}

Người Hà Nội vốn ưa sự ý nhị, nhẹ nhàng, ban đầu rất ngạc nhiên, khó chịu thậm chí bất bình. Nhưng rồi vì món ăn ở đó ngon, vì quen tai, vì cái tặc lưỡi “thôi kệ, “việc” ai nấy “làm”…” người ăn cứ ăn, người chửi cứ chửi, lâu dần thành quen. Và rồi cái thứ văn hóa ứng xử dị hợm, phản cảm ấy cứ tồn tại. Khách thập phương cứ thay nhau mỗi người một lượt, đến ăn thì háo hức, ra về thì ngán ngẩm với những lời bình phẩm: “Thật kinh dị!”, “Thật ghê sợ!”

Vào “ngày đẹp trời”, một trong mấy thứ hàng quán này - quán Bún chửi - được người Mỹ coi như một phát hiện, nó được đưa vào thực đơn để Tổng thống Mỹ tham khảo (nhưng ông không chọn) khi tới thăm Việt Nam hồi tháng 5 và mới đây, kênh truyền hình CNN danh tiếng đưa lên sóng giới thiệu cho cả thế giới. Lúc này, người Hà Nội nói riêng và người Việt nói chung mới giật mình nhận ra hậu quả của thói dễ dãi của mình.

Trong sinh hoạt đời sống, người Việt thường không quá đề cao chuyện ăn uống với những quan niệm như: “Lời chào cao hơn mâm cỗ”, “Ăn không thèm no”, “Miếng ăn là miếng nhục”, “Trời đánh tránh miếng ăn”, “Ăn để sống chứ không phải sống để ăn” v.v. 

Chính vì thế, Người Việt rất coi trọng không khí bên bàn ăn. Đương nhiên hầu hết người Việt chúng ta đều dị ứng với lối hành xử vô lý ở các quán ăn này và chúng ta có trong tay cơ hội sửa sang, uốn nắn điều đó bằng cách tẩy chay, không đến ăn. Nhưng chúng ta đã tặc lưỡi, đã chịu đựng, đã bỏ qua… và thế là nó cứ thản nhiên tồn tại để rồi trở thành như một nét độc đáo của người Việt trong mắt người nước ngoài.

Với vai trò thông qua ẩm thực để giới thiệu những nét văn hóa lạ, đặc sắc của những miền đất khác nhau trên khắp thế giới, đầu bếp Anthony Bourdain đã giới thiệu “Bún chửi” như một nét văn hóa ẩm thực độc đáo của Việt Nam. Và ông đã làm cho người Hà Nội giật mình nhận ra hậu quả của thói dễ dãi, thái độ tiêu cực của mình trước những biểu hiện kém văn hóa trong đời sống xã hội.

Thứ “giao tiếp suồng sã” (cách nói của đầu bếp Anthony Bourdain) này có thể là điều thú vị với những người khách ngang qua muốn tìm kiếm những điều khác, lạ ở những miền đất mới. Nhưng với người Việt, nó không bao là một nét ứng xử đáng được tồn tại chứ đừng nói là cổ xúy. Cảm giác của nhiều Người Việt khi nhìn thấy “Bún chửi” trên CNN giống như nhìn thấy bộ ảnh “khỏa thân vì thiên nhiên” của một chân dài dạo nọ.

Cũng có một số bạn trẻ cho rằng, thứ giao tiếp này “ngồ ngộ”, “hay hay”, “vô hại”… thậm chí “khá thú vị trong tương quan với sự nhàm chán”, rằng được đưa lên CNN có nghĩa là nó cũng đặc sắc và hấp dẫn, tốt cho việc quảng bá du lịch v.v. Đây thực sự là một cách nghĩ hời hợt, thực dụng, thiếu trách nhiệm.

Việc quát tháo, la mắng, xua đuổi khách hay cảnh ăn uống trong bầu không khí thiếu tôn trọng là điều nên loại bỏ khỏi văn hóa ứng xử, xét cả về khía cạnh thẩm mỹ lẫn đạo đức.

Theo Dân trí