Cũng có lúc bế tắc, stress
- ‘Tro tàn rực rỡ’ một lần nữa lại thắng lớn tại LHP Việt Nam 2023. Từng nhận các giải thưởng lớn quốc tế, lần này cảm xúc của anh có gì đặc biệt?
Mỗi giải thưởng mang lại cho tôi một cảm xúc khác nhau. Giải Bông Sen Vàng của LHP Việt Nam là giải cao quý nhất của điện ảnh nước nhà. Điều này là sự khích lệ rất lớn cho tôi thực hiện các bộ phim sau này.
Tôi vui mừng hơn cả là điện ảnh Việt Nam dần khôi phục với tín hiệu khả quan. Slogan của LHP năm nay là "Phát triển nền công nghiệp điện ảnh Việt Nam" - chứng tỏ điện ảnh đã được quan tâm khiến giới làm phim phấn khởi.
- 'Tro tàn rực rỡ' ra mắt và đã đi trọn vẹn hành trình của nó, điều đọng lại trong anh lúc này là gì?
Tôi làm phim về những phận người phụ nữ miền Tây. Trước biến cố cuộc đời, họ không kêu than, oán trách mà chấp nhận số phận sắp đặt. Tình yêu của mỗi cô gái thật đặc biệt và buồn qua ngòi bút của nhà văn Nguyễn Ngọc Tư.
Khi phim ra rạp, vai trò của đạo diễn cũng kết thúc vì nó thuộc về khán giả. Mỗi người xem có quan điểm và bình luận khác nhau, đó cũng là điều hay. Người làm phim như tôi sẽ lắng nghe những ý kiến riêng biệt để có sự chiêm nghiệm và điều chỉnh ở mức độ nào đó.
- Sự thật là phim của anh đoạt nhiều giải thưởng lớn từ quốc tế lẫn trong nước, được giới chuyên môn ghi nhận nhưng khi ra rạp lại có doanh thu khá thấp. Anh nhìn nhận vấn đề này thế nào?
Điều này tôi đã xác định từ đầu khi bắt tay thực hiện một dự án. Mình làm phim hướng tới ai, làm vì điều gì và thu được gì? Điện ảnh có nhiều mục tiêu ngoài chuyện tiền nong và không thể đánh giá một bộ phim chỉ qua doanh thu.
Khán giả ra rạp với mục đích giải trí thì tìm đến dòng phim thương mại. Bên cạnh đó còn có một lượng người xem vì yêu nghệ thuật, muốn làm giàu có vốn kiến thức, văn hóa… Tôi xác định làm phim cho nhóm đối tượng thứ 2.
Trong nghề chúng tôi hay ví von phim giải trí như một người mệt mỏi cần vào tiệm massage, đấm bóp xả stress; có người lại tìm đến câu lạc bộ yoga để thiền, đi trong rừng nhìn ngắm thiên nhiên… phim nghệ thuật sẽ hướng đến điều đó.
Ở đây không ai sai, cũng chẳng có gì buồn vì tất cả đều là sự lựa chọn. Thực tế rất hiếm có phim đạt được thành công ở cả hai mặt. Đó là sự thách thức lớn đối với ngành điện ảnh lúc này.
- Anh có quãng thời gian 10 năm vắng bóng với điện ảnh. Một đạo diễn giỏi và nhiều rung cảm thời cuộc như Bùi Thạc Chuyên đã làm gì khi không làm phim truyện nhựa?
Tôi quan niệm việc làm phim luôn đòi hỏi nguồn năng lượng rất lớn. Khi thực hiện một tác phẩm, người đạo diễn như rút cạn hết sức lực. 10 năm qua, tôi không làm được phim và thực sự thấy rất khó khăn.
Tôi là một người làm phim độc lập nên chặng hành trình đi cùng nghệ thuật đương đầu nhiều thách thức: tự tìm dự án, viết kịch bản, tìm nhà sản xuất đồng hành, kiếm tiền và ê-kíp, diễn viên… Một mình tôi không tránh khỏi lúc bế tắc, có khi chững lại, thậm chí stress.
Quãng thời gian 10 năm đó không uổng phí. Ngưng làm phim, tôi vẫn đi dạy, viết kịch bản và làm nhiều việc khác. Mỗi ngày, tôi thu nạp dữ kiện thông qua việc tìm tòi, khám phá cuộc sống.
Rồi tôi bắt gặp câu chuyện trong văn chương của Nguyễn Ngọc Tư, từ đó lấy lại cảm hứng và Tro tàn rực rỡ ra đời. Đôi khi một bộ phim đến như cái duyên, hoặc cũng có thể là phim chọn mình nữa.
- Có thể tạm gọi đây là giai đoạn anh sung sức và đang chạy đua với điện ảnh?
Tôi đang có nhiều cảm hứng làm việc nên cứ tạm cho như thế. Tôi mừng vì giờ phút này sự nhiệt huyết, năng lượng với điện ảnh vẫn còn đầy. Nó thôi thúc tôi làm việc, tiến về phía trước, quả thật là một may mắn của người đạo diễn ở tuổi này.
Tôi đón nhận sự khen, chê phim như một lẽ tất yếu
- Việc tán thưởng hay phê bình có tác động nhiều đến anh khi làm phim?
Chắc chắn có lúc bị tác động. Chẳng hạn khi có ai đó mắng chửi phim với những lời lẽ thô bạo, tôi cũng chạnh lòng đôi chút. Song suy nghĩ đó nhanh chóng lướt qua vì tôi là người làm phim chuyên nghiệp.
Với một dự án ra mắt, khen chê là điều tất yếu. Tôi chỉ lo phim ra rạp mọi người lặng thinh không ai nói cả, điều đó mới đáng sợ. Ý kiến trái chiều đôi khi có cái hay, chúng ta cứ bình tĩnh đón nhận thôi.
Mạng xã hội đôi lúc có trào lưu mang tính ác ý. Một số người chửi bới hay công kích thường ít chịu trách nhiệm nên vì thế không có điểm dừng. Tôi chỉ lắng nghe đóng góp thiện chí, mong muốn tốt hơn cho phim.
- Anh mong đợi điều gì vào điện ảnh Việt lúc này?
Tôi mừng vì vai trò của nhà sản xuất phim dần được đề cao những năm gần đây. Một nền điện ảnh mạnh cần đội ngũ có năng lực sản xuất tốt, bởi họ là đầu tàu có thể dẫn dắt các tác phẩm đi lên. Muốn làm được điều ấy cần có sự hỗ trợ, chia sẻ và thấu hiểu.
Tôi mong khán giả ủng hộ còn cơ quan quản lý phải quan tâm kịp thời. Mọi người cần ngồi với nhau, cùng hòa vào dòng chảy chung vì mục đích duy nhất là đưa điện ảnh hội nhập. Nếu vì rào cản hay định kiến mà vùi dập sẽ khó phát triển đồng bộ, cứ lay lắt rồi dẫn đến thụt lùi.
Tôi không phân biệt phim nghệ thuật hay thị trường, chỉ có “hay” hoặc “dở”
- Một đạo diễn từng chia sẻ: “Nhà làm phim Việt và khán giả đang tìm hiểu nhau”. Theo anh, đến lúc nào thì cả hai phía này mới thực sự thấu hiểu?
Phim thị trường hay nghệ thuật muốn phát triển phải đi theo con đường tự nhiên. Nếu nói bắt đầu hiểu nhau thì không hẳn vì thị trường điện ảnh có từ lâu. Thị hiếu khán giả trước nay luôn là ẩn số, gây khó với cả thị trường thế giới nói chung chứ không riêng Việt Nam.
Tôi nghĩ ở đây là câu chuyện về mối quan hệ 2 chiều. Khán giả muốn điện ảnh phát triển sẽ dành nhiều sự cảm thông hơn cho phim Việt. Bản thân người làm phim càng phải nỗ lực, tâm huyết và nâng cao chất lượng tay nghề. Tất nhiên phim dở sẽ khó được công chúng ủng hộ.
- Anh có xem và quan sát thị trường của dòng phim thương mại ngoài kia hay tác phẩm trăm tỷ của các đồng nghiệp chứ?
Tôi vẫn xem và học hỏi cái hay từ người khác. Thú thật tôi không phân biệt lắm phim thị trường hay nghệ thuật đâu, chỉ quan tâm phim hay hoặc dở thôi.
Khán giả Việt ngày càng tinh tế hơn khi ra rạp. Nói nôm na ở góc độ tiêu dùng họ ngày càng “thông thái” hơn. Gu thưởng thức phim được nâng cao dần bởi mọi người được xem nhiều phim trên các nền tảng.
Thực tế phim Việt Nam lúc này không như ngày xưa đâu. Bởi nếu theo hướng "mì ăn liền" đương nhiên không sống nổi và trụ ở rạp lâu dài. Còn việc chất lượng tới đâu và được mấy điểm sẽ do người xem nhận định.
- Kế hoạch tiếp theo của anh là gì?
Tôi đang triển khai một dự án điện ảnh khá đặc biệt. Một tác phẩm nói về đề tài cách mạng, về những con người đã dâng hiến cuộc đời cho ngày thống nhất đất nước. Một bộ phim hành động, một bộ phim có bối cảnh lớn và khốc liệt, giàu tính nhân văn và tôi hy vọng đây là bộ phim hay.
Tôi đã dành nhiều năm qua để đi thực tế, viết và sửa đi sửa lại kịch bản. Sau đó là kiếm kinh phí làm phim. Bạn biết đấy, phim về đề tài anh hùng cách mạng mà lại không dùng ngân sách, đó là hành trình cực nhọc.
Mọi thứ vẫn đang được tiến hành và tôi mong “đứa con” này sớm được thành hình, ra mắt với khán giả vào dịp 50 năm thống nhất đất nước.
Trailer phim 'Tro tàn rực rỡ'