Sắp hết thời gian nghỉ hè mà vẫn chưa có dịp đưa con đi du lịch nên cuối tuần vừa rồi, tôi quyết định tổ chức cho cả nhà lên Hà Nội thăm lăng Bác, sau đó, đến khu vui chơi ở công viên nước Hồ Tây.

Phải nói rằng, mùa hè nắng nóng nên nhu cầu vui chơi với nước của người dân Thủ đô rất cao. Hơn nữa, hôm đó cũng là ngày nghỉ nên mới 8h30 phút sáng mà toàn bộ khu vui chơi đã đông nghịt người.

Tôi cho hai cháu nhỏ vui chơi ở hồ tạo sóng rồi sang khu vực cầu trượt dành cho trẻ con. Nhưng rất tiếc, khu vui chơi bên đó chỉ dành cho các cháu dưới 1,1m còn cả hai cháu nhà tôi đều đã trên 1,2m. Vì thế, dù 2 cháu rất thích, nhưng tôi vẫn phải kéo các cháu ra ngoài và giải thích cho các cháu hiểu về quy định của khu vui chơi.

Lúc đầu, nghe tôi nói, các cháu hiểu nên tự động lui lên góc bể để đứng nhìn các em khác nhỏ hơn vào chơi. Tuy nhiên, chỉ vài phút sau thì có vài mẹ khác, dẫn theo con lớn (cũng tầm độ cao như các cháu nhà tôi) vào chơi, rồi còn trực tiếp chơi cùng con ở đó, mặc kệ các anh cứu hộ phải phồng mang trợn mắt lên để thổi còi nhắc nhở.

Thấy vậy, các con nhà tôi cũng nằng nặc đòi vào theo, rồi bảo, các bác các anh kia vào được thì con cũng vào được. Sau đó, phải chứng kiến cảnh, mấy anh cứu hộ vào tận nơi nhắc nhở để mấy người lớn và các cháu lớn kia ra ngoài thì con tôi mới hiểu, quy định của bể bơi đã đặt ra thì tất cả mọi người nên tuân thủ.

Sau đó, tôi đưa các cháu lên khu vực trượt nước “mạo hiểm” dành cho người lớn và các cháu lớn.

{keywords}

Những hình ảnh xấu xí của các bậc phụ huynh vô tình đã dạy hư cho con trẻ. Ảnh minh họa. Nguồn Việt Báo

Những trò này được rất nhiều người yêu thích. Tuy nhiên, muốn tham gia được những trò chơi này thì phải leo lên đến tầng 3 của khu nhà. Rồi, mỗi cặp chơi lại phải mang theo 1 chiếc phao rộng, nên lối đi ở đây luôn trong tình trạng ùn tắc.

Tuy nhiên, nếu chỉ là ùn tắc do đông người tham gia thì sẽ không có gì đáng phải nói. Mà điều đáng nói ở đây đó là: ở đây phần đông là các con các cháu tham gia. Còn những người lớn có mặt thì chủ yếu cũng là các bậc phụ huynh hộ tống con em đi chơi. Vậy nhưng, thay vì làm gương cho con, cho cháu thì nhiều phụ huynh chỉ vì muốn con mình được chơi sớm hơn 5–10 giây đã không chịu xếp hàng mà chen lấn, xô đẩy với cả các cháu nhỏ khác.

Cá biệt, chỉ trong khoảng 5 phút đứng chờ đến lượt của các con mà tôi còn chứng kiến có phụ huynh, dẫn theo cô con gái chừng 4 tuổi, chen từ cuối hàng lên đến gần đầu hàng, mặc cho các phụ huynh và các cháu nhỏ khác thắc mắc. Đến khi, đến lượt chơi của người đứng đầu hàng, nhưng người này chưa kịp đưa phao của mình vào ống nước thì chị này lại lanh chanh đặt phao của mình.

Lúc đó, vị phụ huynh kia mới nóng mặt bảo “chị đưa con đi chơi mà không làm gương cho con lại đi chen lấn, tranh giành thế này thì còn dạy con kiểu gì?” Ấy thế mà, người mẹ ấy, vẫn không chịu rút lui, vẫn cứ cố ấn chiếc phao của mình vào vị trí trượt mặc cho những cái nhìn ái ngại của những người chơi khác và cả lời nhắc quay lại xếp hàng của anh cứu hộ.

Chứng kiến cảnh đó, bỗng dưng, tôi nghĩ đến việc chúng ta vẫn thường than phiền vì nhiều trẻ con thời nay sống vô cảm và ích kỷ nhưng chúng ta có hiểu rằng, mọi đứa trẻ sinh ra đều ngây thơ, trong sáng như nhau. Nhưng chính những người lớn, đã không biết làm gương, thể hiện tính xấu của mình ngay trước mặt con trẻ, nên các con đã học theo như một quy luật tất yếu.

Thanh Bình (Hà Nam)