Những ngày cuối năm, dân tại nhiều khu đô thị xuống đường căng băng rôn, biểu ngữ phản đối chủ đầu tư. Tại một số chung cư cao cấp ở Hà Nội, cư dân còn treo băng rôn đỏ khắp các ban công khắp vài chục tầng nhà nhằm phơi bày sự thật bức bối, bất an bấy nay, khiến hình ảnh các tòa nhà, chủ đầu tư trở nên xấu xí trong mắt mọi người.

Băng rôn đỏ phủ các ban công

Nếu như trước đây, người dân ở rất nhiều chung cư cảm thấy bị chủ đầu tư lừa, làm không đúng hợp đồng, chèn ép cư dân, quảng cáo sai sự thật chỉ căng băng rôn dưới mặt đất, tụ tập đông người để phản đối thì nay họ căng băng rôn ngay tại căn hộ của mình từ tầng 1 đến 40.

Dự án chung cư cao cấp Goldmark City có địa chỉ tại 136, Hồ Tùng Mậu, quận Bắc Từ Liêm, Hà Nội, do một công ty chuyên quảng cáo nhảy sang kinh doanh địa ốc (Công ty Cổ phần Thương mại- Quảng cáo- Xây dựng Địa ốc Việt Hân) làm chủ đầu tư. Theo phản ánh của cư dân dự án này, giao nhà từ đầu năm 2017 nhưng đến nay chủ đầu tư là Công ty Việt Hân (gọi tắt) vẫn không thực hiện lời cam kết xây tường rào bao quanh dự án như đã hứa. Cụ thể theo cư dân, tại Công văn 129/2016/CV-VH ký ngày 30/6/2016, chủ đầu tư khẳng định: “Dự án có hàng rào ngăn cách với khu dân cư bên ngoài, dự kiến cao khoảng 4 - 5 mét”. “Chính lời khẳng định của chủ đầu tư, đa số người mua nhà mới bỏ tiền tỷ để được hưởng trọn không gian như tuyên bố. Nay không có tường rào ngăn cách không khác gì mình bị lừa”, cư dân tại đây cho biết.Ngày 15/9/2017, tại cuộc họp với cư dân ngay tại khu chung cư, bà Lưu Huyền Trang được giới thiệu là Giám đốc ban quản lý Công ty Việt Hân tiếp tục khẳng định với cư dân hàng rào có phê duyệt nhưng chủ đầu tư chưa xây được.

{keywords}
 Dân treo băng rôn khắp toà nhà khu đô thị Goldmark city phản đối chủ đầu tư lừa dối.

“Đến nay, dù cư dân đã yêu cầu rất nhiều lần nhưng chủ đầu tư vẫn không xây dựng. Việc không xây tường rào như cam kết ảnh hưởng nghiêm trọng tới an ninh trật tự trong khu dân cư. Điển hình là, rất nhiều cư dân không thuộc dự án thường xuyên ra vào, sử dụng chung tiện ích tại quảng trường khiến cư dân và con em không có chỗ chơi”, cư dân phản ánh trong văn bản gửi đến chúng tôi. Ngoài ra, dân ở xung quanh dự án liên tục phá rào tôn để trổ cửa ra mặt đường dự án vừa làm. Tranh cãi lớn tiếng diễn ra nhiều mà bảo vệ của dự án không thể ngăn cản.

Một cư dân từng dự nhiều cuộc họp với chủ đầu tư bức xúc: Chúng tôi đã bỏ ra số tiền rất lớn để mua căn hộ giá đắt chỉ vì tin chủ đầu tư khẳng định: Khu chung cư tầm cỡ tương đương Singapore, có tường rào, an ninh (hàng rào mềm) thắt chặt 3 vòng; mật độ xây dựng thấp nhất Hà Nội; trường học tiện nghi, khu thương mại tách hẳn ngoài khu ở với chiều cao 5 tầng, để đảm bảo không dồn nén dân cư…Thế nhưng bây giờ, chẳng có cái gì làm đúng. Chủ đầu tư ngang ngược tuyên bố: Khu trung tâm thương mại sẽ thành toà nhà thứ 10 với chiều cao cũng 40 tầng mà thành phố Hà Nội đã phê duyệt (?!).

Các cư dân tại đây cho biết, chủ đầu tư đang có dấu hiệu lén lút xây dựng sai phép tại khu C. Cụ thể, theo các tài liệu cư dân cung cấp khi bán các căn hộ vào thời điểm năm 2015, chủ đầu tư quảng cáo Khu C – tòa trung tâm thương mại, văn phòng và dịch vụ (Gọi tắt là TTTM) sẽ được xây dựng tổng chiều cao không quá 5 tầng. Tuy nhiên, Công ty Việt Hân đang xây dựng Khu C với chiều cao 40 tầng.

Đại diện Việt Hân nói ráo hoảnh với cư dân rằng, quảng cáo chỉ là quảng cáo. Khu nhà ở, văn phòng và dịch vụ khu C, tại dự án TNR Goldmark City được quy hoạch số tầng Khu C cao 40 tầng được thể hiện tại các văn bản: Quyết định của UBND thành phố Hà Nội số 2106/QĐ-UBND ngày 15/11/2010 về việc phê duyệt quy hoạch chi tiết tỷ lệ 1/500 dự án; Văn bản của Sở QHKT Hà Nội số 2706/QHKT-P1 ngày 23/8/2010 chấp thuận phương án kiến trúc sơ bộ; Văn bản của Sở Quy hoạch Kiến trúc số 5638/QHKT-PAKT- P8 ngày 01/12/2015 về việc chấp thuận phương án kiến trúc điều chỉnh cơ cấu căn hộ dự án; Quyết định của UBND thành phố Hà Nội số 412/QĐ-UBND ngày 25/1/2016 về việc phê duyệt cho phép điều chỉnh cơ cấu căn hộ tại dự án.

Cư dân tại đây nhiều lần ngỡ ngàng trước các tuyên bố thay đổi liên tục của Cty Việt Hân. Những cư dân ở đây cho biết, lúc bán hàng nhìn trên sa bàn được giới thiệu là trung tâm thương mại, cao không quá 5 tầng nhưng sau đó được điều chỉnh thành chung cư với hàng trăm căn hộ là ảnh hưởng đến những người mua trước đó. Chủ đầu tư chỉ quan tâm đến việc bán hàng với những lời quảng cáo trên mây còn thực tế người dân khi về sống chịu hàng loạt tổn thất liên quan đến điều chỉnh.

Sau nhiều lần kiến nghị với chủ đầu tư nhưng không có kết quả, bắt đầu từ ngày 18/12 đến nay nhiều cư dân Goldmark City đã căng băng rôn trên khắp căn hộ của các tòa nhà R3, R4 từ tầng 40 trở xuống. Tất cả những dòng chữ thể hiện sự tức tối, uất ức vì bị bội tín được căng ra như “Chủ đầu tư TNR Goldmark City lừa dối khách hàng” để thúc ép chủ đầu tư thực hiện lời hứa.

Tối 24/12, khi Cty Việt Hân tổ chức hội nghị khách hàng, đêm nhạc tại khu saphire, người dân còn kéo đến biểu tình ôn hoà. Có người thẳng thắn: Ngay cả những người nổi tiếng như ca sỹ Mỹ Linh cũng không nên hát để ủng hộ doanh nghiệp làm ăn gian dối, chỉ quảng cáo lừa khách hàng. Ngay cả đo lại diện tích để làm sổ đỏ cho dân, họ cũng không chịu làm, sao nói là kinh doanh tử tế!

Trả lời cư dân bằng văn bản ngày 21/12, ông Bùi Quang Tuấn, Tổng giám đốc Công ty Việt Hân, chủ đầu tư Goldmark City lại tiếp tục rằng, chủ đầu tư luôn mong muốn và nỗ lực xây tường rào xung quanh dự án nhằm đảm bảo an ninh trật tự, mỹ quan chung cho khu đô thị. Chủ đầu tư đã nhiều lần gửi văn bản cho UBND quận Bắc Từ Liêm, UBND phường về vấn đề này. Tuy nhiên, đến thời điểm hiện tại, UBND quận chỉ đạo không cho phép xây tường rào kiên cố.

{keywords}
 Mô hình (đã được làm thành sa bàn quảng cáo trên VTV và quảng cáo bán hàng của Công ty Việt Hân khẳng định chỉ xây trung tâm thương mại (dấu x) 5 tầng , thực tế đang xây 40 tầng. Ảnh: Như Ý.

Khu Ngoại giao đoàn “điểm nóng” phản đối xây bệnh viện

Cũng những ngày cuối năm, hàng trăm hộ dân mua căn hộ tại Khu đô thị Ngoại giao đoàn (Xuân Đỉnh, Bắc Từ Liêm, Hà Nội) lại tiếp tục căng băng rôn phản đối chủ đầu tư. Lý do là chủ đầu tư thay đổi quy hoạch theo hướng chuyển lô đất đầu mối kỹ thuật (xây dựng trạm biến thế) sang đất xây bệnh viện tư nhân có tên Bệnh viện Ung bướu Quốc tế Việt - Nhật. Theo phê duyệt, bệnh viện sẽ có chiều cao 12 tầng và 2 tầng hầm với mật độ xây dựng 40%. Đây là một trong những hạng mục được điều chỉnh theo quy hoạch mới của dự án được UBND TP Hà Nội quyết định phê duyệt hồi tháng 5. Tuy nhiên, đại diện cư dân cho biết, quyết định thay đổi mục đích sử dụng của lô đất được ký ban hành và có hiệu lực từ ngày 22/5/2017 nhưng thực tế, bệnh viện tư nhân có quy mô trên 100 giường này đã được khởi công xây dựng từ đầu tháng 3/2017.

“Việc khởi công xây dựng bệnh viện trước khi có quyết định phê duyệt quy hoạch gần 3 tháng cho thấy chủ đầu tư có biểu hiện vi phạm pháp luật”, vị đại diện cư dân nói. Mặt khác, cư dân này cũng chỉ ra: Theo quy định các dự án bệnh viện, cơ sở y tế có quy mô từ 60 giường trở lên phải được đánh giá tác động môi trường và chủ đầu tư dự án, chính quyền địa phương phải lấy ý kiến cộng đồng dân cư chịu tác động trực tiếp. Tuy nhiên, trên thực tế, không có cư dân nào sinh sống trong dự án Khu đô thị Ngoại giao đoàn được tham gia các cuộc họp cộng đồng để lấy ý kiến về nội dung trên.

“Chủ đầu tư bệnh viện đã tiến hành thi công hạng mục cọc móng mà chưa cung cấp cho cư dân bất cứ thông tin nào liên quan đến việc đánh giá tác động môi trường của dự án một bệnh viện chuyên khoa tiềm ẩn nhiều rủi ro về an toàn vệ sinh môi trường, đặc biệt là an toàn phóng xạ. Xây bệnh viện trong khu đô thị kéo theo các dịch vụ đi kèm như xe ôm, hàng quán sẽ phá vỡ không gian sống của chính cư dân tại đây”, đại diện cư dân bày tỏ lo ngại.

Theo vị này, cư dân Khu đô thị Ngoại giao đoàn rất bất an khi bệnh viện ung bướu được đặt ngay trong lòng một khu đô thị hàng chục nghìn người sinh sống. Ngay khu xử lý nước thải cho toàn bộ dự án, tiềm ẩn các nguy cơ mất an toàn, vệ sinh cho chính bệnh viện cũng như nguồn nước sau xử lý của toàn khu. Điều này có thể gây ra nguy cơ lây nhiễm chéo giữa bệnh viện, nguồn nước ngầm của toàn thành phố, hệ thống hồ điều hòa của dự án.

Trả lời vấn đề này, ông Bùi Xuân Dũng, Chủ tịch Hội đồng thành viên Tổng Cty Xây dựng Hà Nội (Hancorp) - chủ đầu tư dự án cho hay, đã nhận được kiến nghị của cư dân liên quan đến việc điều chỉnh quy hoạch lô đất thành bệnh viện. Ông Dũng thừa nhận việc điều chỉnh do Hancorp đề xuất, song vẫn nhấn mạnh việc này đã được cơ quan quản lý phê duyệt.

Với câu trả lời của các chủ đầu tư tương đối giống nhau rằng, cơ quan chức năng của Hà Nội cho phép, phê duyệt…, Cty Việt Hân, Hancorp và nhiều chủ đầu tư khác đã chuyền “quả bóng trách nhiệm” sang chính quyền Hà Nội? Tất nhiên, dân thì chưa được chính quyền trả lời trực tiếp vì sao họ cứ điều chỉnh quy hoạch, nhà thấp tầng thành cao tầng!

Có thể khởi kiện người ký quyết định điều chỉnh quy hoạch?

Luật sư Bùi Sinh Quyền, Trưởng Văn phòng Luật sư Phúc Thọ phân tích, rất nhiều điều chỉnh quy hoạch khi thực hiện gây ra hàng loạt hệ lụy nhưng người dân hoàn toàn không được biết. Trong trường hợp người dân phải chịu tác động tiêu cực do điều chỉnh quy hoạch gây ra thì hoàn toàn có thể khởi kiện chính người ký quyết định điều chỉnh quy hoạch.

Cụ thể, người dân phải xem xét các khía cạnh sau: Vậy việc điều chỉnh có được phép? Nếu được phép sửa đổi quy hoạch thì phải tuân thủ những điều kiện nào? Phải hiểu, nhiều khi quy hoạch không đáp ứng được thực tiễn, vì vậy phải điều chỉnh. Tuy nhiên, việc điều chỉnh này phải tuân thủ nguyên tắc thông báo rộng rãi cho người dân khu vực có điều chỉnh quy hoạch được biết và phải lấy ý kiến người dân về sự điều chỉnh này. Mặt khác, khi điều chỉnh phải bảo đảm nguyên tắc không được làm tăng mật độ xây dựng, mật độ dân cư so với quy hoạch đã được phê duyệt trước đó. Nếu việc điều chỉnh này gây ra những hệ lụy ảnh hưởng tới cuộc sống người dân như lâu nay dư luận nhắc đến (tắc đường, thiếu trường, không gian công cộng) thì ai chịu trách nhiệm?

Theo Luật Quy hoạch thì cấp nào phê duyệt quy hoạch thì cấp đó phải có trách nhiệm giám sát quy hoạch và chịu trách nhiệm. Trong luật không quy định rõ trách nhiệm cá nhân khi ký quyết định quy hoạch, điều chỉnh quy hoạch. Đây cũng là bất cập cần sửa đổi. Vậy trong trường hợp người dân trong vùng điều chỉnh quy hoạch khi phát hiện ra những điều chỉnh quy hoạch sai quy định phải làm thế nào?

“Theo tôi, người dân nên nêu ý kiến bị ảnh hưởng bởi điều chỉnh quy hoạch tới các cơ quan giám sát như Hội đồng Nhân dân cấp tỉnh, Quốc hội. Trong trường hợp chứng minh được rõ ràng việc lập quy hoạch sai quy định gây tác động xấu tới đời sống sinh hoạt, người dân hoàn toàn có thể khởi kiện người ký quyết định quy hoạch ra toà hành chính”, Luật sư Quyền nói.

Từ chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ: Hà Nội, TPHCM vẫn chưa báo cáo theo yêu cầu

Trao đổi với PV Tiền Phong ngày 5/1, ông Nguyễn Trọng Ninh, Cục trưởng Cục Quản lý nhà và Thị trường Bất động sản (Bộ Xây dựng) cho biết, sau khi có chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Bộ Xây dựng vừa có văn bản đề nghị UBND TP Hà Nội và TP HCM báo cáo về tình trạng dân cư khiếu nại và phản đối chủ đầu tư tại các dự án bất động sản trước 30/11 để cơ quan này tổng hợp, báo cáo Thủ tướng. Việc báo cáo này xuất phát từ thực trạng gần đây tình trạng tranh chấp trong các khu chung cư gia tăng tại các thành phố trên. Theo ý kiến của cơ quan chức năng, nếu không có giải pháp hợp tình, hợp lý, tranh chấp ngày càng phức tạp và khó giải quyết. Tuy nhiên, ông Ninh cho rằng, đến thời điểm hiện tại 2 thành phố lớn vẫn chưa có báo cáo về Bộ Xây dựng.

Theo ông Ninh, các mâu thuẫn này nguyên nhân ở đâu thì pháp luật xử lý đến đó. Trên cơ sở đề nghị chính quyền địa phương thì bộ sẽ có văn bản báo cáo Thủ tướng. “Chắc câu hỏi khó quá địa phương chưa trả lời được và cần phải có thời gian”, ông Ninh nói.

Theo thống kê của Bộ Xây dựng, chỉ riêng năm 2017 đến nay, tình trạng tranh chấp chung cư diễn ra trên diện rộng tại Hà Nội và TPHCM, từ những khu chung cư giá rẻ cho đến các dự án chung cư cao cấp. Các vấn đề tranh chấp, dân phản đối tập trung vào những nội dung như: Bàn giao không đúng tiến độ, tổ chức hội nghị nhà chung cư, bầu ban quản trị, phần diện tích chung – riêng, cách tính diện tích căn hộ, phí dịch vụ, phí bảo trì, chất lượng xây dựng, cơi nới trái phép, vấn đề PCCC, quảng cáo lừa dối…

TS Phạm Sỹ Liêm: Phải có luật để chủ đầu tư không cò quay

TS Phạm Sỹ Liêm - Phó Chủ tịch Tổng hội Xây dựng Việt Nam cho biết, cần có luật quy định những vấn đề liên quan đến tranh chấp chung cư để giải quyết được tận gốc vấn đề. Bởi thực tế, không ít chủ đầu tư thường tìm các lỗ hổng về pháp lý để lách luật, “cò quay” và không giải quyết dứt điểm quyền lợi chính đáng của cư dân. Thực tế có một số chủ đầu tư còn thách thức khách hàng kiện ra tòa vì cho rằng, một vụ kiện thường kéo dài, tốn kém, người mua nhà không đủ nhân lực và tài chính để theo đuổi đến cùng. Một lãnh đạo Sở Xây dựng lại biện luận rằng, tình trạng tranh chấp, căng thẳng nhà chung cư ở nước ta hiện nay ngày càng nhiều, khó giải quyết thỏa đáng, nguyên nhân xuất phát từ nhiều phía khác nhau. Vì vậy, để đưa ra các giải pháp giải quyết triệt để vấn đề này tại thời điểm hiện tại là khá khó khăn, thách thức lớn cho các cơ quan quản lý.

(Theo Tiền phong)