Những tuần gần đây, khi cái nóng bao trùm toàn quốc, đặc biệt là ở Thủ đô Hà Nội, lại có bao nhiêu lời ca thán, bất bình về hóa đơn tiền điện, về sự thiếu công khai, minh bạch trong cách tính tiền của EVN.

Hóa đơn cao ngất

Những bức xúc đó là có thể hiểu và chính đáng bởi lý do khách quan EVN đang độc quyền phân phối và truyền tải. EVN đang là doanh nghiệp nhà nước thay mặt Chính phủ cung cấp điện cho nhân dân.

Chỉ trong vòng vài tháng qua, VietNamNet nói riêng đã có hàng loạt bài về tình trạng này: Hàng tháng tiền điện chỉ vài trăm ngàn, bỗng tháng này “nhảy” lên gần 2 triệu đồng, nhiều hộ dân ở Hà Nội rất sốc khi nhận thông báo tiền điện từ các công ty điện lực; Hóa đơn điện tăng gấp 3 lần: Đến hẹn dân kêu, ấm ức chưa dứt; Khách hàng giật mình hóa đơn tiền điện tăng gấp đôi…

Trước thông tin về việc hóa đơn tiền điện của một số hộ dân tăng cao bất thường, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã yêu cầu EVN phải làm rõ với tinh thần phải bảo đảm không để xảy ra sai sót và ảnh hưởng đến quyền lợi của người sử dụng điện, nếu phát hiện vi phạm phải xử lý nghiêm.

Chỉ đạo rất kịp thời của người đứng đầu Chính phủ ngày 22/6 nhằm giải tỏa bức xúc của nhân dân, khi cái nóng đang hoành hành.

{keywords}
 

Ngay lập tức, sáng 23/6, công ty Điện lực Quảng Ninh cho biết, đơn vị này vừa ra quyết định tạm đình chỉ công tác trưởng phòng kinh doanh Điện lực Vân Đồn do liên quan đến hóa đơn tiền điện tháng 6 tăng cao đột biến của một hộ dân trên địa bàn. Hộ dân này phản ánh, sản lượng điện tiêu thụ tháng 6 tăng cao đột biến khoảng 27.000 số điện với số tiền lên tới gần 90 triệu đồng. Công ty Điện lực Quảng Ninh đã đi kiểm tra và chốt lại số điện hộ gia đình này sử dụng trong tháng 6 là 368.335 đồng, tương đương với 200 số điện.

Phản ứng này là rất nhanh nhạy và kịp thời của công ty Điện lực Quảng Ninh. Câu hỏi là, liệu các công ty điện lực thuộc tất cả các tỉnh thành nói chung có phản ứng được như trên? Làm sao người tiêu dùng có thể yên tâm vào công tơ, và khi có thắc mắc, người tiêu dùng biết tham vấn ở đâu?

Theo Nghị định 105 quy định về điều kiện hoạt động của tổ chức kiểm định, hiệu chuẩn, thử nghiệm phương tiện đo, chuẩn đo lường ban hành năm 2016, các tổ chức kiểm định phải đảm bảo tính “độc lập và khách quan”. Nói đơn giản, Nghị định 105 trước đây có quy định cấm các doanh nghiệp kiểm định các thiết bị để đo đếm hàng hoá của chính mình.

Trước đây, các công ty điện lực địa phương đều có trung tâm thí nghiệm điện, kiêm chức năng kiểm định công tơ và trả lời thắc mắc của khách hàng. Tuy nhiên, các trung tâm này không có tư cách pháp nhân nên cách đây khoảng gần chục năm, Bộ Khoa học Công nghệ không cấp phép cho các trung tâm này hoạt động, tham gia vào việc kiểm định vì lý do thiếu tính “khách quan và độc lập”. Vì lý do đó, các công ty điện lực nâng cấp các trung tâm này thành các công ty con để kiểm định công tơ.

Luật sư Nguyễn Minh Đức của VCCI phân tích, về mặt pháp lý, công ty con là pháp nhân độc lập với công ty mẹ nên được cấp phép kiểm định công tơ bên cạnh các doanh nghiệp khác được Bộ Khoa học và Tổng cục Đo lường cấp phép. Luật sư Đức phân tích: “Vấn đề là các công ty điện lực luôn ưu tiên “người nhà” khi sử dụng dịch vụ. Kể cả khi có tranh chấp với khách hàng và cần kiểm định lại thì các công ty thí nghiệm điện vẫn được chọn để thực hiện trước các công ty bên ngoài.”

Không thể khẳng định là các công ty “con” này thiếu năng lực, hay thiên vị công ty “mẹ” để “vùi dập” khách hàng, nhưng cơ chế này rõ ràng là chưa đáp ứng được tiêu chí “độc lập và khách quan” mà văn bản pháp luật trên của Chính phủ kỳ vọng.

Hôm qua, EVN đã gửi văn bản hỏa tốc chỉ đạo các tổng công ty điện lực nghiêm túc kiểm điểm và xử lý kỷ luật nghiêm giám đốc đơn vị và cá nhân liên quan việc ghi sai chỉ số công tơ mà không phát hiện được khi thực hiện công tác ghi, kiểm tra, phúc tra chỉ số; thực hiện nghiêm túc việc phúc tra 100% cho khách hàng có sản lượng tăng đột biến từ 1,3 lần so với tháng trước liền kề.

Nguy cơ thiếu điện trầm trọng

Phản ứng của EVN chỉ mang tính chất tình huống xử lý hóa đơn điện tăng đột biến chứ chưa mang tính chất tổng thể, giải quyết triệt để những vấn đề của ngành điện, trong đó, phát triển nguồn cung mang tính quyết định.

Theo Ngân hàng Thế giới, nhu cầu tăng của ngành điện có tốc độ tăng trưởng hàng năm là 13% kể từ năm 2000 và dự kiến sẽ tiếp tục tăng trưởng ở mức 8% cho đến năm 2030. Chính phủ ước tính công suất nguồn điện cần tăng từ 42 GW năm 2018 lên 60 GW năm 2020 và 100 GW vào năm 2030. Để đáp ứng mục tiêu này, mỗi năm Việt Nam cần phải lắp đặt 5 GW công suất mới trong giai đoạn từ 2018 đến 2030, điều này đặt ra rất nhiều thách thức về kỹ thuật, quản lý và tài chính. Từ nay đến năm 2030, mỗi năm ngành điện Việt Nam cần đầu tư mới khoảng 8-12 tỷ USD, cao hơn mức bình quân 8 tỷ USD/năm trong giai đoạn 2011-2015.

Nói như Ngân hàng Thế giới, mỗi năm chúng ta phải xây dựng ít nhất 4 nhà máy điện công suất trung bình 1.200 MW. Vậy mà nhiều năm nay, ngoại trừ năng lượng tái tạo, Việt Nam chưa phát triển được công trình điện nào đáng kể trong khi nhu cầu về điện không thể dừng. Riêng trong năm nay, dự kiến chỉ phát triển thêm được vỏn vẹn 300 MW nguồn điện, mức rất nhỏ bé so với 5 GW nhu cầu của Việt Nam, theo tính toán của Ngân hàng Thế giới.

Trách nhiệm của ai? Trong cuộc họp hôm qua, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh, Bộ Công thương phải chủ trì về việc phát triển điện. Bộ trưởng Công thương có trách nhiệm bảo đảm nguồn và lưới điện cho phát triển đất nước. Bộ Công thương phải chủ trì, lên phương án cụ thể và chịu trách nhiệm đến cùng trong chỉ đạo thực hiện. “Vai trò cá nhân trong chỉ đạo vấn đề này rất quan trọng, chứ không để thiếu điện rồi lúc đó mới xem trách nhiệm thuộc về ai”, ông nói.

Yêu cầu của Thủ tướng là rất rõ ràng và có địa chỉ. Giờ là lúc phải tổ chức thực hiện chứ không phải tránh né.

Một nhà phân tích nhận xét, “rất may” là do Covid-19 nên nhu cầu điện của Việt Nam không tăng như thông thường hàng năm. Tăng trưởng điện 5 tháng đầu năm chỉ 1,9%, thấp hơn nhiều so với mức tăng trưởng bình quân khoảng 9% so với cùng kỳ nhiều năm trước. Mấy hôm nay, khi nhiệt độ ngoài trời tăng cao kỷ lục, công suất cao nhất chưa tới 39.000 MW trong khi theo tính toán, đỉnh công suất phải là 41.000-42.000 MW. Nếu mức tăng trưởng tiêu dùng điện như tính toán thì không cách nào đáp ứng đủ điện cho sinh hoạt và sản xuất.

Số liệu của EVN cho thấy, trong tổng số 26 triệu khách hàng sử dụng điện có tới hơn 3,1 triệu có mức tiêu thụ điện của tháng 5 cao hơn 30% so với tháng 4/2020. Trong số này có tới gần 1 triệu khách hàng có mức tiêu thụ điện tăng 50%, có tới hơn 215 nghìn khách hàng có mức tiêu thụ điện tăng trên 300% so với tháng 4.

{keywords}
Năng lượng tái tạo mới chỉ đóng góp vỏn vẹn 5% công suất ở Việt Nam

Đến ngày 20/6/2020, đã có tới hơn 7,2 triệu khách hàng sinh hoạt (chiếm 28%) có mức tiêu thụ điện cao hơn 30% so với tháng 5/2020. Số khách hàng có mức tiêu thụ điện tăng trên 50% là hơn 4,4 triệu (gấp 4,4 lần so với tháng 5), có hơn 326.000 khách hàng có mức tiêu thụ điện tăng trên 300% so với tháng 5.

Dự kiến trong tháng 6 này, nhu cầu sử dụng điện còn tăng cao hơn do liên tiếp có các đợt nắng nóng gay gắt kéo dài, nhiều khách hàng sử dụng điện tăng mạnh.

Nghị quyết số 55 về định hướng Chiến lược phát triển năng lượng quốc gia của Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 được Bộ Chính trị ký ban hành đầy năm nay. Nghị quyết đó cần coi là “thượng phương bảo kiếm” để đốc thúc và giám sát việc phát triển điện. Nếu không làm thì phát triển điện ở Việt Nam không thể “đi trước một bước”, tạo điều kiện cho các ngành khác phát triển. Vì thế, chỉ đạo của Thủ tướng “áp dụng quy luật thị trường trong sản xuất điện, do đó, bảo đảm giá điện cạnh tranh rất quan trọng; cái gì có lợi cho người dân, cho người sản xuất để thu hút đầu tư thì nên làm” là tư duy rất quan trọng cho phát triển.

Tư duy thị trường đó sẽ giúp khắc phục tình trạng cứ mỗi khi hè với không khí nóng nực đều kèm theo nỗi bức xúc hầm hập và chính đáng của người dân.

Tư Giang

Tạo điều kiện cho dân có nhà ở hợp pháp, thay vì cắt điện nước

Tạo điều kiện cho dân có nhà ở hợp pháp, thay vì cắt điện nước

Nguyên nhân dẫn đến vi phạm xây dựng tràn lan đã được nhận diện, bên cạnh chấn chỉnh trật tự kỷ cương, cần giải pháp căn cơ là hãy tạo điều kiện cho người dân có nhà ở hợp pháp.