Cầu Vĩnh Tuy thời gian gần đây luôn trở thành "điểm đen" ùn tắc giao thông, nhất là vào giờ cao điểm và khi thời tiết xấu. Ngoài sự gia tăng đột biến của các phương tiện thì một trong những lý do khiến nhiều người bức xúc đó là tình trạng rất nhiều ô tô ngang nhiên chen lấn vào làn dành cho xe máy.
Việc ô tô đi vào làn đường nhỏ hẹp này trên cầu Vĩnh Tuy không chỉ khiến tình trạng kẹt xe càng trầm trọng hơn mà còn khiến xe máy buộc phải chuyển sang làn bên ngoài (dành cho ô tô tải, ô tô khách), đối mặt với không ít hiểm nguy.
Theo quan sát, mỗi chiều của cầu Vĩnh Tuy hiện nay có 3 làn đường, bao gồm 2 làn dành cho ô tô và 1 làn cho xe máy, có phân cách bằng vạch sơn liền. Tuy vậy, một số tài xế cố tình ngó lơ, bỏ qua những quy định về phần đường, làn đường và sẵn sàng "điền vào chỗ trống", dù đó không phải là chỗ dành cho mình.
Hành vi ô tô đi vào làn đường xe máy trên cầu Vĩnh Tuy có thể bị phạt nặng về hành vi "đi sai làn".
Theo Điều 5, Nghị định 100/2019/NĐ-CP của Chính phủ, hành vi điều khiển ô tô đi sai làn có thể bị phạt tiền từ 3-5 triệu đồng, tước bằng lái xe từ 1-3 tháng. Trong trường hợp người điều khiển xe ô tô đi sai làn đường gây ra tai nạn giao thông còn bị phạt tiền từ 10-12 triệu đồng, tước bằng lái xe từ 2 - 4 tháng.
Dù có mức phạt được đánh giá là khá cao, tuy nhiên trên thực tế, việc các loại phương tiện ô tô chạy vào làn đường dành riêng cho xe máy xảy ra nhan nhản mà rất ít bị xử lý. Điều này khiến một bộ phận tài xế "nhờn luật" và coi như đi vào làn này mỗi khi đường đông như một lẽ đương nhiên.
Nhiều ý kiến cho rằng, lực lượng CSGT Hà Nội trong thời gian tới cần tăng cường kiểm soát thông qua hệ thống camera và xử phạt nghiêm đối với hành vi vi phạm này để đảm bảo tính nghiêm minh của pháp luật, đồng thời giải toả bức xúc cho người dân.
Hoàng Hiệp
Bạn có góc nhìn nào với hành vi trên? Hãy gửi ý kiến dưới phần bình luận của bài viết. Mọi câu hỏi tư vấn xin gửi tới Ban Ô tô xe máy theo email: [email protected]. Các nội dung phù hợp sẽ được đăng tải. Xin cảm ơn!