Wind Catching Systems, công ty khởi nghiệp công nghệ năng lượng ngoài khơi của Na Uy, vừa công bố hệ thống điện gió ngoài khơi - Windcatche. Hệ thống này, đã được cơ quan kiểm định chấp thuận về mặt nguyên tắc.
Cụ thể, Windcatcher là hệ thống điện gió ngoài khơi với hàng trăm turbine nhỏ đặt cạnh nhau như một bức tường nổi, thay vì 1 turbine cỡ đại. Hệ thống này có 117 turbine gió, được gắn trên giàn thép khổng lồ có kích thước 300x350m đặt trên một bề mặt nổi, giữa biển khơi nơi có nhiều gió.
Mỗi turbine nhỏ có công suất 1 MW. Với sự cải tiến này, những turbine gió có thể thu được nhiều gấp 2,5 lần trên mỗi m2 luồng gió so với turbine 3 cánh quạt tiêu chuẩn.
Là hệ thống dạng module, Windcatcher có thể tăng hoặc giảm quy mô tùy theo nhu cầu năng lượng. Mỗi đơn vị được nối với một trạm biến áp trung tâm, sau đó truyền tải điện về đất liền.
Ngoài ra, Windcatcher được thiết kế để chống lại những cơn gió dữ dội ở vùng biển phía bắc châu Âu.
Công ty khởi nghiệp này cho rằng, hệ thống điện gió nhiều turbine nhỏ có thể sản xuất 40MW điện trong tương lai.
Windcatcher hứa hẹn sẽ giảm chi phí năng lượng gió nổi xuống còn 40-60 euro/MWh (48-72 USD/MWh). Mỗi Windcatcher được tính toán có khả năng tạo ra đủ năng lượng cho 80.000 hộ gia đình.
Theo đại diện công ty, Windcatcher đã đạt cột mốc quan trọng khi nhận được giấy phép từ DNV (tổ chức quốc tế về kiểm định và đánh giá). Điều này có nghĩa Windcatcher đạt khả thi về mặt kỹ thuật và chuyển sang các giai đoạn tiếp theo. Công ty sẽ tăng công suất thiết kế lên 126MW.
Công ty đang xin cấp phép thí điểm dự án tại vùng biển Oygarden, phía tây nam Na Uy.
Trước đó, Wind Catching Systems đã nhận được 9,3 triệu NKr (900.000 USD) từ quỹ Enova - khoản tài trợ do Bộ khí hậu và môi trường Na Uy bảo lãnh.
Điện gió ngoài khơi là một công nghệ đã được chứng minh và triển khai trên quy mô lớn ở nhiều quốc gia như: Trung Quốc, Đan Mạch, Đức, Hà Lan, Vương quốc Anh.
Đan Mạch có kế hoạch đạt mức tiêu thụ điện từ năng lượng gió ngoài khơi lên tới 50% vào năm 2030. Anh đã xây dựng thành công nhiều dự án điện gió ngoài khơi lớn nhất thế giới.
Theo tính toán của Hội đồng Năng lượng gió Toàn cầu (GWEC), để đạt được mục tiêu Net Zero vào năm 2050, thế giới cần bổ sung 86GW công suất điện gió hàng năm, tương đương 469GW trong vòng 5 năm tới. Dự kiến đến năm 2050, thế giới cần lắp đặt 2TW điện gió.
Tổ chức Năng lượng Quốc tế (IEA) dự báo, năm 2040 sẽ có 1.000 tỷ USD đầu tư vào điện gió ngoài khơi. Tuy nhiên, việc xây dựng các dự án điện gió ngoài khơi cũng gặp nhiều khó khăn và thách thức.