Người trẻ sống chậm nhờ... màu nước

Họa sĩ Nguyễn Bá Thanh sinh năm 1999, tại Thái Bình, tốt nghiệp trường Đại học Sư phạm nghệ thuật Trung ương. Hiện anh là họa sĩ tự do, thành viên của Câu lạc bộ màu nước Hà Nội. Bá Thanh đã từng tham gia nhiều triển lãm và cuộc thi về hội họa trong nước và quốc tế.

z4992506300634-3758d49f71379529d04ab44f6d1a20f7-1.jpg
Họa sĩ Bá Thanh chọn chất liệu màu nước để nuôi dưỡng ước mơ hội họa.

Ngay từ khi còn ngồi trên ghế giảng đường Đại học và cả sau này, họa sĩ trẻ đã bộc lộ niềm yêu thích và tự khám phá về thế giới tranh màu nước.

Trước khi chọn hướng đi cho tương lai, Bá Thanh đã trải nghiệm trên nhiều chất liệu khác nhau như sơn dầu, sơn mài, khắc gỗ… Với mỗi chất liệu anh đều nghiên cứu rất nghiêm túc và chỉn chu.

z4992386171970 0c5206c4e1c620c1579b3a26650b8b82.jpg
Cánh cổng chạm rồng Chùa Keo (Thái Bình) được thể hiện tỉ mẩn qua tác phẩm 'Bóng hình' của
Nguyễn Bá Thanh.

Họa sĩ trẻ chọn màu nước là “chất liệu” cho sự nghiệp hội họa của mình vì sự trong trẻo, phóng khoáng của nó. 

“Màu nước là chất liệu phù hợp nhất với tính cách của tôi, nhẹ nhàng mà trong veo, linh hoạt. Khi dùng màu nước, tôi thấy mình được sống chậm lại để lắng nghe nhịp điệu của màu. Với chất liệu này, người vẽ cũng thể hiện được sự phóng khoáng và độ chi tiết cho bức tranh một cách không giới hạn”, nghệ sĩ 9x chia sẻ.

z4992393080056 acde14d9786df080b2e0c171fdb3cf95.jpg
Chủ đề người họa sĩ trẻ thể hiện phần lớn là những hình ảnh thân thuộc của cuộc sống xung quanh.

Dấn thân vào con đường chuyên nghiệp, Bá Thanh theo đuổi trường phái hiện thực. Đề tài tranh của anh thường gần gũi, thân thuộc và sử dụng những gam màu tươi sáng,

Thuộc thế hệ nghệ sĩ trẻ nhưng Nguyễn Bá Thanh không chạy theo thị hiếu trong thực hành hội họa. Đặc biệt, anh nói “không” với việc nhái phong cách, tác phẩm mà luôn phát triển lối đi riêng, gắn liền với hơi thở đời sống.

“Có lẽ tôi đã định hình trước bản thân sẽ trở thành một người như thế nào, và cứ thế mà bước tiếp. Mặc dù khó khăn luôn tồn tại, song tôi đã chuẩn bị tinh thần và sẵn sàng tận hưởng vẻ đẹp mà nghệ thuật đem lại cho mình.

Và thật may mắn khi tranh của một người trẻ như tôi được cộng đồng ủng hộ và đón nhận”, Bá Thanh tâm sự.

Viễn cảnh ảm đạm về môi trường

Với niềm đam mê vẽ tranh màu nước chuyên nghiệp, sự nghiệp hội họa của Bá Thanh được “tô điểm” bởi ba lần giành giải thưởng trong ba cuộc thi mà anh tham gia. Đó là Giải triển vọng Việt Nam Hương - Vị - Sắc (2022), Giải nhất cuộc thi Rực rỡ Ba Lan do Đại sứ quán nước cộng hòa Ba Lan tại Hà Nội tổ chức (2023) và Giải Khuyến khích Cuộc thi và Triển lãm mỹ thuật Việt Nam (2023).

z4992535694991-69e1a542124070b6122db5b1a3d31edf-1.jpg
Tác phẩm ‘Hy vọng’ khổ 100x100cm của Nguyễn Bá Thanh đạt Giải khuyến khích Cuộc thi và Triển lãm mỹ thuật Việt Nam năm 2023.

Trao đổi với VietNamNet về tác phẩm Hy vọng, nghệ sĩ cho biết bức tranh tốn 20 ngày thực hiện, có những ngày anh phải cặm cụi ngồi vẽ đến khuya. Bên cạnh đó, chủ đề bức tranh được tác giả nhen nhóm trước cả khi Cuộc thi và Triển lãm mỹ thuật Toàn quốc được phát động.

Chia sẻ về lựa chọn trẻ em thay cho người lớn trong tác phẩm, Bá Thanh nói: “Khi nắm bắt được thông tin về cuộc thi, tôi đã có sẵn ý tưởng cho riêng mình. Hiện nay, môi trường chịu sự tàn phá nặng nề của chính con người dẫn đến những hậu quả khôn lường. Vì vậy, tôi nghĩ mình cẩn thể hiện góc nhìn và quan điểm về vấn đề này thông qua hội họa.

Đôi khi người lớn sẽ đi theo tiếng gọi của thành công, ước muốn mà quên đi những giá trị cơ bản của cuộc sống. Vì vậy, tôi muốn chủ thể trong bức tranh là đứa trẻ mang trong mình tâm hồn trong sáng để đại diện cho sự mong cầu của thế hệ tương lai”.

z4992393066748 756df35376c2d8c3127ba2e34bff4f14.jpg
Thông qua viễn cảnh ảm đạm của bức tranh, tác giả đã lồng ghép thông điệp về bảo vệ môi trường.

Chủ đề bức tranh thể hiện rõ mục đích khơi dậy nhận thức và thúc đẩy động lực cho người xem để bảo vệ môi trường. Nhưng theo người vẽ, sau khi hoàn thiện và trưng bày trong triển lãm, tác phẩm cũng để lại nhiều trăn trở, suy ngẫm cho đối tượng thưởng tranh.

“Một số người nghĩ bối cảnh bị tàn phá phía sau được tạo nên bởi chiến tranh giữa các nước. Điều đặc biệt là khi những người bạn của tôi bên Châu Âu giới thiệu tranh với người Pháp thì họ phản hồi rằng người Pháp không dám xem vì lo sợ trước hình ảnh con người bị dồn vào một tương lai bí bách, không lối thoát. Tuy nhiên, cũng có người nói rằng giống như cái tên, bức tranh đem đến hy vọng, sự chữa lành cho người thưởng thức”, Bá Thanh bày tỏ.

Anh cũng cho hay, trong thời gian tới sẽ tiếp tục khai thác về đề tài môi trường tạo thành một loạt tranh hoàn chỉnh, đa dạng về các chủ đề nóng như cháy rừng, ô nhiễm nước thải biển…

Nhận xét về tranh của họa sĩ trẻ Nguyễn Bá Thanh, nhà văn, họa sĩ Trần Thị Trường cho rằng: “Màu sắc, hình họa lẫn cách diễn đạt của người vẽ chạm đến những tình cảm sâu lắng bên trong con người. Là một người trẻ giàu cảm xúc nhưng có nghề, Bá Thanh đã thành công trong việc sử dụng màu nước, thể hiện người vẽ không chỉ được đào tạo kỹ càng mà cũng rất tài hoa, không dựa vào tài năng sẵn có mà chịu khó học hỏi, từ năng khiếu phát triển thành tiềm năng dồi dào. Có thể thấy, Nguyễn Bá Thanh không chỉ nắm bắt được đối tượng miêu tả mà còn đưa vào đó những bút pháp riêng tư”.