- "Bố nhắm mắt và đặt tay đến nơi cất giữ trái tim để xem con gái bố ở nơi nào trong đó, để xem con lớn bằng từng nào mà hình ảnh con luôn ắp đầy trong bố ngay cả khi con ngồi ngay bên cạnh"...
Con yêu,
Khi con chưa tượng hình, có 1 ngày mẹ vu vơ hỏi nhỏ: "Nếu sinh con gái, anh đặt tên con là gì?". Lúc ấy trái tim bố khẽ rung nhẹ, rung nhẹ đủ để nhắc bố một cảm nhận là lạ mà yêu thương ngập tràn. Con sẽ là gì nhỉ... một đóa hoa hồng nhung kiêu sa hay một nhành mộc lan giản dị. Là yêu thương hay bình an, hạnh phúc của cả nhà...? Nhưng rồi, bố nghĩ, con nên là trái tim của bố.
"Ngày con đến là cái ngày cả nhà như chồi xuân bật dậy sau gần chục năm bố mẹ ngủ quên trong đông giá ưu phiền" |
Ngày con đến là cái ngày cả nhà như chồi xuân bật dậy sau gần chục năm bố mẹ ngủ quên trong đông giá ưu phiền. Bố vẫn nhớ như in cái ngày mẹ về nhà quăng túi ngồi bệt ở cửa. Bố nhìn mẹ thẫn thờ mà không biết con đã đến với mình bằng nhịp đập nào...
Rồi ngày con chào đời cũng đặc biệt như ngày con nảy mầm vậy... Bác sỹ đề nghị bố ký vào yêu cầu mổ đẻ sớm vì con đã bị suy hô hấp trong bụng mẹ. Khả năng cố cứu mẹ thôi vì huyết áp mẹ cao khủng khiếp rồi. Bố run rẩy ký giấy mà trái tim như ngừng đập. Bố nhìn mẹ nước mắt chảy dài mà cứ luôn miệng: "Con sẽ không sao đâu con gái, con sẽ bình yên và thật mạnh mẽ nghe con". Mẹ thì thầm nghẹn đặc: "Anh ký đi. Em và con sẽ khỏe thôi. Chờ hai mẹ con em nhé"...
"Nếu ngoài xa kia là một cánh đồng bát ngát vô tận kiến thức, bố luôn mong con gái hãy bước những bước chắc chắn trên cánh đồng đó". Ảnh: Nhân vật cung cấp
|
Chắc tại con được sinh ra từ một người phụ nữ đầy bản lĩnh và nghị lực nên con đã hồi sinh sau 18 ngày cấp cứu đặc biệt. 18 ngày thấp thỏm chờ con... 18 ngày cả nhà mình cùng leo núi. Vết mổ dài gần 2 chục phân không bắt mẹ con dừng lại. Mẹ chạy theo con suốt dọc hành lang bệnh viện để đến phòng chụp XQ. Ngày nào cũng 8 lần vắt sữa sang cho con bú. Nhìn đôi chân mẹ lê lết dọc hành lang, tim bố như có ai cào cấu...
Thương bố mẹ, con như bắp ngô, củ khoai thổi lớn. Con bầu bĩnh như cục đất, hòn bi. Con mềm mại hiền lành như đám cỏ. Vậy nên, Thảo Nguyên là mong ước một cuộc sống đủ đầy, an yên mà ngập tràn yêu thương bố mẹ dành cho con.
Con yêu của bố,
Con được thừa hưởng từ mẹ bản lĩnh và sự kiên cường đấy! Vậy nên chưa 1 mũi tiêm phòng nào làm con chảy nước mắt. Con sốt cao phải làm xét nghiệm, con hỏi bác sỹ lấy máu cho cháu ở chân cho đỡ buồn tay.
Ngày mẹ sinh em, con đòi bố đứng đợi mẹ và em trước phòng mổ. Con ngây ngô vẫy tay chào mẹ: "Mẹ ơi... cố lên. Em Bỉm cố lên..." mà nước mắt nhạt nhoà làm mấy cô y tá cũng phải mềm lòng cho con ôm thêm mẹ một lát. Bà ngoại và các cô chú bạn bố mẹ cũng chảy nước mắt theo con.
Con lỳ lắm, chắc cũng gen của mẹ. Mẹ sinh con, rồi sinh em mà bố chưa bao giờ được nghe mẹ than 1 tiếng đau. Vậy nên, Cái ngày con bị hôn mê vì ngộ độc nước quả con nhớ không? Bố mẹ và bác sỹ cuống quýt vì chỉ chậm vài giây nữa thôi... là thật khó rồi.
Vậy mà lúc con tỉnh dậy, chắc con đau lắm mỏi lắm, Bác sỹ quây xung quanh hỏi con có đau không, con cười gượng và kể vanh vách chuyện trước khi con cấp cứu. Con bảo phải nói cho bác sỹ biết con ăn gì mà bị ngộ độc chứ, bị ở đâu để biết còn không ai ăn phải... Con tròn 6 tuổi từ lúc ấy.
Thời gian đưa chân con vào lớp 1. Cái ngày bố đi họp phụ huynh, cô giáo nói nhỏ: "Con gái anh là hoa hậu thân thiện đấy". Con hiền hậu, sẻ chia, con vui vẻ hoà thuận với tất cả các bạn học. Con là cầu nối hàn gắn mâu thuẫn xung khắc, con luôn nhường nhịn và không biết đua ganh. Mẹ nhắc bố phải cho con thêm ý chí vươn lên, phải biết cạnh tranh, mẹ sợ con nhút nhát sẽ yếu thế.
Nhưng con yêu, bố hiểu con chứ nhỉ. Con chỉ cần sống đúng là con, biết yêu thương và luôn chăm chỉ, biết hoạch định công việc và cân bằng trong suy nghĩ, đủ ý chí, nghị lực và bản lĩnh trong cuộc đời.
Ngày con tự tin solo vũ điệu Latinh, bố không còn nhận ra cô bé có líu ríu của bố nữa. Con đã vượt qua sự sợ sệt, run rẩy trong những buổi tập, con đi qua cả những vết thương trầy xước. Con biến thành một công chúa nhanh nhẹn cuồng nhiệt trong giai điệu Chachacha, Rumba...
Con đi từ cuộc thi này đến cuộc thi khác chỉ để bố mẹ hiểu: Con đã lớn nhiều rồi, con có đủ tự tin và một chút dạn dày sân khấu. Đủ để bố mẹ yên tâm con không còn là hòn đất củ khoai bố mẹ ôm ấp ngày nào.
Bố biết, bố viết thư chắc chắn sẽ không hay bằng mẹ. Mẹ có hẳn một tập sách thư cho con. Mẹ có hẳn 1 loạt giải thưởng về thư và thơ. Mẹ có cả một kho tư liệu về con và em. Mẹ có cả một trời cảm xúc mộng mơ mà bố không theo được. Nhưng bố có trái tim của một người đàn ông mà mẹ không có... Nên bố yêu con, hiểu và dạy con theo cách của mình.
Nếu ngoài xa kia là một cánh đồng bát ngát vô tận kiến thức, bố luôn mong con gái hãy bước những bước chắc chắn trên cánh đồng đó. Con sẽ vững bước đi sâu và tìm tòi học hỏi. Không cần nhìn lại vì đằng sau con bố mẹ luôn hỗ trợ và thì thầm: Con yêu. Cố lên nhé. Hãy là một người thật tốt. Hãy tự tin để vượt qua chính mình. Hãy yêu thương thật nhiều, trao đi và không cần nhận lại.
Hãy mở rộng trái tim để đón nhận ánh sáng tri thức và ánh bình minh của tình người. Hãy là chính con một cánh đồng bao la bát ngát, trù phú, an lành. Một Thảo Nguyên trong lòng bố mẹ và mọi người con nhé.
Mời độc giả chia sẻ bức thư cảm động, ý nghĩa hoặc thú vị... mà bạn muốn nhắn nhủ tới gia đình, cha mẹ, con cái. Chia sẻ xin gửi về [email protected]. Những bức thư phù hợp sẽ được lựa chọn để đăng tải. Trân trọng cám ơn! |
Nhòa lệ đọc bức thư cậu bé 7 tuổi gửi bố đã mất
"Con mong bố đang hạnh phúc trên thiên đường. Nếu bố đang ổn thì hãy nói cho con biết nhé bố"...
Bức thư mẹ gửi con gái 15 tuổi khiến giới trẻ phục lăn
"3 năm nữa, mẹ có thể đuổi con ra khỏi nhà. Nghe phũ quá phải không nhưng hoàn toàn có thể xảy ra đấy"..., bà mẹ viết.
Bức thư đặc biệt nữ nhà báo gửi chồng tương lai
Lindsay Tigar, một tác giả, biên tập viên, blogger sống ở New York, Mỹ đã viết một bức thư cho chồng tương lai của mình nói về những thứ cô kỳ vọng ở người bạn đời.
Bố của Thảo Nguyên