- Ngoại trưởng Philippines Alan Peter Cayetano kể lại một cuộc gặp bên lề hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN lần thứ 50 (AMM 50) của ông.
Đó là cuộc gặp giữa ông và Ngoại trưởng các nước ASEAN.
"Cuộc gặp của chúng tôi kéo dài tới giữa đêm. Đó là một đêm tranh luận sôi nổi về lợi ích quốc gia, về những quan điểm riêng về việc ASEAN nên tiến triển như nào. Ngày hôm sau, chúng tôi ăn trưa với nhau, chỉ có các Ngoại trưởng, và chúng tôi đã tìm thấy phương cách ASEAN cùng với sự đồng thuận.
Trong suốt hai giờ đồng hồ, ông Cayetano và các đồng nhiệm đã thảo luận và quả quyết rằng, tham vấn sẽ dẫn tới đồng thuận và đồng thuận sẽ dẫn tới hợp tác. Đó là phương cách của ASEAN đã làm việc trong nhiều năm qua.
Các quan chức cấp cao ASEAN trong cuộc họp ngày 27/4. Ảnh: Bộ Ngoại giao. |
“Phương cách dựa trên những nguyên tắc đối thoại, tham vấn, hợp tác, không can thiệp vào công việc nội bộ của nước khác. Cam kết với những nguyên tắc này là nền tảng cho hòa bình, ổn định và chia sẻ thịnh vượng trong Cộng đồng của chúng tôi", ông Cayetano chia sẻ.
Biển Đông trên bàn nghị sự của ASEAN có những nguyên tắc đồng thuận. Ở AMM 50 lần này, các thành viên ASEAN đã cùng chia sẻ nhận thức chung về duy trì hòa bình, ổn định, an ninh, an toàn hàng hải và hàng không ở Biển Đông; nhấn mạnh tầm quan trọng của đoàn kết, thống nhất và vai trò trung tâm của ASEAN trong bối cảnh hiện nay, nhất là đề cao các nguyên tắc cơ bản của luật pháp quốc tế, trong đó có UNCLOS; các thành viên nhất trí cho rằng cần đóng góp hiệu quả và thiết thực duy trì hòa bình, ổn định, thông qua kiềm chế, xây dựng lòng tin và nhất là cần tránh các hành động có thể gây phương hại tới hoà bình, ổn định trong khu vực này, trong đó có bồi đắp, tôn tạo và quân sự hoá các thực thể trên biển...
Đây cũng chính là những thông điệp mà phía Việt Nam đã nhấn mạnh trong nhiều diễn đàn trong nước và quốc tế.
Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh tại AMM 50 đã nhấn mạnh việc Việt Nam luôn nỗ lực nêu cao tinh thần đoàn kết, đề cao lập trường và tiếng nói chung trong ASEAN, tránh để những quan điểm khác biệt ảnh hưởng đến không khí hợp tác cũng như kết quả của hội nghị, đồng thời kiên định bảo vệ lợi ích của Việt Nam.
Cùng với nhiều nước, Việt Nam nêu quan ngại về tình hình trên thực địa, bao gồm các hoạt động tôn tạo, xây dựng và quân sự hoá; đề nghị duy trì các nguyên tắc và lập trường đã có về vấn đề Biển Đông trong các văn kiện của ASEAN cũng như giữa ASEAN với các đối tác, nhất là giải quyết các tranh chấp bằng biện pháp hoà bình, không sử dụng vũ lực hoặc đe doạ sử dụng vũ lực, tôn trọng luật pháp quốc tế, Công ước Luật Biển 1982, các tiến trình ngoại giao và pháp lý; kêu gọi các nước đối tác và cộng đồng quốc tế tiếp tục ủng hộ nỗ lực của ASEAN và Trung Quốc, thực hiện đầy đủ và hiệu quả Tuyên bố DOC và thúc đẩy sớm đàm phán thực chất để xây dựng Bộ quy tắc COC hiệu quả và ràng buộc pháp lý.
Ngoại trưởng Philippines Alan Peter Cayetano phát biểu tại buổi bế mạc AMM 50 rằng, "trong phương cách đích thực của ASEAN, chúng ta có thể tranh luận về lợi ích quốc gia. Nhưng bên cạnh đó chúng ta, vẫn ưu tiên lợi ích khu vực và hành xử như những người bạn để tìm ra các giải pháp cho những vấn đề rất nhạy cảm".
Sau một thời gian giằng co tranh cãi, cũng tại Hội nghị này, ASEAN và Trung Quốc đã chính thức thông qua khung Bộ Quy tắc ứng xử ở Biển Đông (COC).
Các Bộ trưởng ASEAN đã hoan nghênh việc ASEAN và Trung Quốc thông qua khung Bộ quy tắc ứng xử ở Biển Đông (COC), xem đây bước khởi đầu tích cực để bắt đầu đàm phán một COC hiệu quả và thực chất.
Ngoại trưởng Cayetano cho rằng, bản dự thảo khung COC được coi như là một "phác thảo" định nghĩa bản chất của Bộ quy tắc ứng xử, nêu chi tiết cơ sở pháp lý cũng như "cách hành xử của các nước trong khu vực".
Để đạt được sự khởi đầu tích cực này, các thành viên ASEAN đã nỗ lực cùng vượt qua rất nhiều khác biệt, để chọn cách thức tiếp cận đồng thuận phù hợp nhất.
"Trong phương cách đích thực của ASEAN, chúng ta có thể tranh luận về lợi ích quốc gia nhưng cùng lúc đó, vẫn ưu tiên lợi ích khu vực và hành xử như những người bạn để tìm ra các giải pháp cho những vấn đề rất nhạy cảm", ông Alan Peter Cayetano đúc kết tại buổi bế mạc AMM hôm tuần trước.
Thành tựu lớn nhất của ASEAN trong nửa thế kỷ qua là duy trì được môi trường hòa bình, an ninh và ổn định để thúc đẩy phát triển và liên kết khu vực. Từ những bài học, trong bối cảnh thế giới và khu vực có nhiều bất ổn, trực tiếp hoặc gián tiếp ảnh hưởng đến an ninh và ổn định ở Đông Nam Á, một ASEAN liên kết chặt chẽ hơn, đoàn kết thống nhất và giữ vai trò trung tâm ở khu vực, một cộng đồng ASEAN vững mạnh, phồn vinh và vì người dân thì mới có thể góp phần bảo đảm những lợi ích lâu dài của các quốc gia thành viên cũng như toàn thể người dân trong khu vực.
Thanh Tâm