- Có rất nhiều xúc cảm và cả những suy tư, thậm chí e dè nghi ngại, rằng điều gì sẽ đến với kinh tế Việt Nam sau thời khắc lịch sử Tổng thống Mỹ Bill Clinton tuyên bố dỡ bỏ lệnh cấm vận Việt Nam, 5h sáng ngày 4/2/1994 (theo giờ Việt Nam)?

LTS: Để chọn một điển hình hội nhập kinh tế của Việt Nam thì chắc chắn quan hệ giao thương Việt - Mỹ là một câu chuyện thành công. 

20 năm từ ngày Việt Nam - Hoa Kỳ bình thường hóa quan hệ, giao thương giữa hai nước từ gần như con số 0 thương mại hai chiều đã bùng nổ lên hơn 35 tỷ USD vào cuối 2014. Mỹ đã trở thành đối tác thương mại, nhà đầu tư hàng đầu của Việt Nam. Điều này phản ánh nét tiêu biểu nhất trong quan hệ kinh tế hai nước là: Bùng nổ về quy mô và gia tăng tốc độ mạnh mẽ.

Từ bình thường hóa quan hệ, tới Hiệp định thương mại Việt - Mỹ, rồi WTO và sắp tới có thể là TPP, mỗi bước tiến hội nhập chính là một nấc thang mới trong quan hệ kinh tế hai nước. 

Nhân dịp kỷ niệm 20 năm bình thường hóa quan hệ Việt Nam - Hoa Kỳ, VietNamNet xin giới thiệu với bạn đọc loạt bài: “20 năm giao thương Việt - Mỹ: Bùng nổ quy mô, gia tăng tốc độ” để góp cái nhìn tổng thể về quan hệ kinh tế Việt - Mỹ cũng như một góc nhìn về hội nhập kinh tế của Việt Nam.

Những bữa tiệc doanh nhân Việt - Mỹ

16 tháng sau, ngày 11/7/1995, Tổng thống Bill Clinton và Thủ tướng Võ Văn Kiệt tuyên bố bình thường hoá quan hệ ngoại giao.

"Lúc đó, tôi đang công tác ở TP.HCM. Đã có ngay một bữa tiệc, DN Việt và một số DN Mỹ cùng kéo đến một khách sạn để ăn mừng. Chúng tôi đã vô cùng hồ hởi và cùng gửi lời cảm ơn đầu tiên tới tổng thống Bill Clinton, tới các vị lãnh đạo hai nước,..." - chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan nhớ lại.

Bà kể: "Chúng tôi coi tuyên bố dỡ bỏ cấm vận của Tổng thống Bill Clinton như một món quà Tết đặc biệt ý nghĩa, bởi nó rơi đúng vào dịp Tết Quý Dậu của Việt Nam, ngày 4/2/1994".

{keywords}
Lễ ký Hiệp định thương mại Việt - Mỹ.

"Đến khi Mỹ tuyên bố bình thường hoá quan hệ ngoại giao, tôi cảm thấy rất sung sướng, vì nghĩ đây là một bước tiến cao hơn trước rất nhiều. Thực sự khi đó, tôi có một niềm tin mãnh liệt, từ đây, nước ta có thể bắt tay vào công cuộc phục hồi kinh tế một cách vững chắc hơn. Việt Nam sẽ bắt đầu một con đường phát triển mới, dù không dễ dàng gì", bà giãi bày.

Theo cựu Phó Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), "Việt Nam thực hiện Đổi mới nhưng tiến trình vẫn chưa được như mong muốn. Ngày đó, dù không nói ra, ai nấy đều đã nghĩ đến bước tiếp theo sẽ là bình thường hoá quan hệ kinh tế giữa hai bên".

Trong khi đó, ở Hà Nội, tại khách sạn Thắng Lợi, một gala lớn cũng được tổ chức, bởi một công ty của Mỹ.

"Họ mời tất cả những người Mỹ ở Việt Nam và bạn bè liên quan để ăn mừng và có mời cả tôi. Sau đó, bức ảnh chụp ảnh tôi và một người bạn Mỹ nâng ly rượu chúc mừng đã được đăng trên một tờ báo lớn của Mỹ với dòng chú thích "Người Mỹ và người Việt đón chào sự kiện hai nước bình thường hoá quan hệ", ông Nguyễn Đình Lương, nguyên trưởng Đoàn đàm phán hiệp định thương mại BTA chia sẻ.

Tuy nhiên, ông Lương giãi bày: "Doanh nghiệp cả nước đều phấn khởi nhưng nói thật, ở ta, nhiều nơi đón nhận tin ấy không có sự vồ vập một cách đặc biệt. Vì không ít người vẫn còn nặng nề lắm”.

Với nguyên Cục trưởng Cục Đầu tư nước ngoài, Bộ Kế hoạch và đầu tư, ông Phan Hữu Thắng, thời khắc mà Tổng thống Bill Clinton dỡ bỏ lệnh cấm vận và tuyên bố bình thường hoá quan hệ với Việt Nam mang đến cho ông một cảm xúc có phần điềm tĩnh hơn.

"Ngày ấy, ai ở Bộ KH-ĐT cũng đều theo rất sát sự kiện này, từ Bộ trưởng, các thứ trưởng đến các anh em chuyên viên. Từng giờ, từng phút, tiến trình ra sao, chúng tôi đều nắm được vì có tin nội bộ", ông Thắng nhớ lại.

Và ông giải thích: "Chính bởi thế, anh em chúng tôi cũng đều đã cảm nhận được, trong tiến trình vận động này, rồi sẽ đến thời điểm Mỹ tuyên bố như vậy. Nhưng khi diễn ra chính thức, ai cũng rất mừng".

Ông Thắng đánh giá: "Tuyên bố bình thường hoá quan hệ ngoại giao là mục tiêu mà nhân dân Việt Nam mong đợi. Hai bên xếp lại quá khứ để bước tới tương lại. Chúng tôi nghĩ rằng, đó là một kết thúc quan trọng, đặt ra một cơ sở phát triển lâu dài trong quan hệ kinh tế Việt - Mỹ nói chung, đặc biệt là đầu tư và thương mại".

Những dự cảm và bất ngờ 20 năm sau

Ông Nguyễn Đình Lương - khi đó là Vụ trưởng Vụ Âu Mỹ và các tổ chức quốc tế của Bộ Thương mại, thời kỳ Mỹ cấm vận đã không ít lần phải giải quyết tình huống phía Mỹ nhắc nhở khi phát hiện hàng Việt có mặt trên đất Mỹ.

Bình thường, hàng hoá Việt Nam không thể vào Mỹ mà hầu như, đều ẩn dưới bóng một thương hiệu, qua quốc gia thứ ba khác,... Chẳng hạn như áo sơ mi của ta rất rẻ, các nước mua về rồi xuất sang Mỹ, rồi cả cà phê của Việt Nam cũng được các nước mua về để xuất sang Mỹ.

Một hôm, đó là năm 1992, đại diện thương mại của Việt Nam ở Hồng Kông điện về thông báo, hải quan Mỹ đang xin vào Hà Nội để kiểm tra một số lô hàng may mặc đi từ Sài Gòn vào Mỹ nhưng dưới xuất xứ nước khác.

{keywords}
Thủy sản - mặt hàng chủ lực tăng trưởng mạnh mẽ xuất khẩu vào Mỹ.

Nghe vậy, ông Lương điện sang Mỹ, nói: "Việt Nam với Hoa Kỳ chưa có quan hệ ngoại giao. Do vậy, các ông không vào Việt Nam được. Chúng tôi đề nghị các ông cung cấp đầy đủ thông tin về lô hàng đó, để chúng tôi kiểm tra và khi có kết quả, sẽ báo lại".

"Sau đó, hải quan Mỹ không nói gì thêm nữa", ông Lương kể. Và ông hóm hỉnh cười: "Mỹ muốn bắt tận tay lô hàng để trừng phạt. Nhưng chưa bỏ lệnh cấm vận mà anh đã đòi vào là không được!".

Khi trả lời nước Mỹ như vậy, có lẽ, ông Lương cũng không thể ngờ rằng, 20 năm sau, hàng dệt may Việt Nam thẳng cánh vào Mỹ trung bình mỗi năm gần 10 tỷ USD, chiếm 50% tổng kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang Mỹ.

Bà Phạm Chi Lan bày tỏ: "Tôi đã hi vọng, các doanh nghiệp Việt Nam sẽ tìm được cơ hội của mình sang thị trường Mỹ nhưng lại e ngại về điều ấy khi doanh nghiệp của ta có một sự chênh lệch khá lớn về trình độ phát triển với doanh nghiệp Mỹ".

"Nhưng rồi, thật bất ngờ khi thấy, các doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam đã đi vào thị trường Mỹ rất tốt. Nhất là đối với nông sản, hàng Việt vẫn sang Mỹ với tốc độ tăng trưởng mạnh, trong khi xưa nay, Mỹ là nước có truyền thống bảo hộ nông sản", bà Lan chia sẻ.

Cũng là một chặng đường 20 năm, sau khi hai nước bình thường hoá quan hệ, quy mô thương mại giữa hai nước giờ đã chạm con số 35 tỷ USD. Mỹ trở thành thị trường xuất khẩu số 1 của Việt Nam và cũng là thị trường mà Việt Nam luôn xuất siêu kỷ lục. Năm 2014, Việt Nam đã xuất siêu tới 22,4 tỷ USD vào quốc gia này.

Đồng thời, vốn đầu tư của Mỹ đứng thứ 7 trong 101 quốc gia và vùng lãnh thổ có dự án đầu tư tại Việt Nam.

Trước khi BTA có hiệu lực, năm 2001, thương mại hai chiều hai nước chỉ vỏn vẹn có 1,5 tỷ USD.

"Ngày ấy, ngay cả những quan chức ở Bộ Thương mại chỉ nghĩ rằng, thương mại hai nước sẽ tăng lên khoảng 6-7 tỷ USD/năm mà thôi", bà Phạm Chi Lan cho biết.

Ông Nguyễn Đình Lương giãi bày: "Chúng tôi không hình dung được hết về tiềm năng quan hệ kinh tế với Mỹ, cũng như chưa hiểu hết được Mỹ có vị trí như thế nào trong nền kinh tế thế giới".

Nhưng phải nói rằng, chính vì sự e dè vẫn còn đó, 5 năm sau sự kiện tuyên bố bình thường hoá quan hệ hai nước, thương mại, đầu tư giữa hai nước vẫn là một nốt trầm.

Quan hệ kinh tế hai nước chỉ mới bùng nổ và thực sự chuyển động lớn sau khi BTA được ký kết ngày 13/7/2000 và sau khi Mỹ áp dụng Quy chế quan hệ thương mại bình thường và quy chế tối huệ quốc (MFN) đối với Việt Nam.

Phạm Huyền