Bữa ăn tạm bợ nơi gầm cầu
Những ngày cuối tuần, tiết trời Đà Nẵng trở nên nắng nóng gay gắt. Đường phố vì dịch Covid-19 mà cũng thưa vắng người xe. Dưới gầm cầu sông Hàn, vài ba công nhân lặng lẽ với bữa trưa tạm bợ. Ngoài trời nắng như "đổ lửa", chỗ ngồi ngay trên mặt đất cũng nóng ran.
Siết chặt biện pháp phòng chống dịch, các hàng quán trên địa bàn TP Đà Nẵng không được phục vụ khách ăn, uống tại chỗ; chỉ được bán cho khách mang đi. Họ chỉ có thể mua ổ bánh mì hay hộp cơm rồi tìm một bóng mát nào đó, ngồi bệt xuống đất ăn tạm giữa buổi, nghỉ ngơi một chút rồi lại đội nắng vất vả mưu sinh nơi công trường.
Gần 2 tuần trước, những bữa ăn trưa "vội vàng" của anh Nguyễn Điều (29 tuổi, công nhân xây dựng) là ở quán cơm bụi quen thuộc gần công trường, sau đó là những phút giây nghỉ ngơi trong một quán cà phê bình dân trước khi vào giờ làm buổi chiều. Nhưng giờ đây, để có chỗ ngồi ăn uống tạm tử tế như thế với anh Điều thật là "xa xỉ", vì không hàng quán nào phục vụ thực khách tại chỗ giữa mùa dịch đang hoành hành khắp thành phố.
"Vì tính chất công việc, chúng tôi chỉ được nghỉ trưa khoảng hơn một giờ đồng hồ. Lúc trước tôi thường ăn cơm ở quán gần công trường, rồi nghỉ ngơi luôn tại đó. Thế nhưng, từ khi có lệnh cấm thì đành ra gầm cầu tìm chỗ mát mà ngồi ăn rồi tranh thủ nằm một tí", anh Điều tâm sự.
Ngồi phía đối diện đồng nghiệp, anh Quang Phú (quê ở Quảng Bình) nở nụ cười gượng nói: "Còn có nơi để ngồi, có miếng cơm ăn tạm thế này thôi cũng ráng chấp nhận, quý hơn cả đợt dịch năm ngoái, hàng quán nghỉ bán cả".
Anh Phú xa quê đến TP Đà Nẵng mưu sinh đã hơn 2 năm nay. Anh là trụ cột chính trong gia đình, vợ lại vừa sinh con nhỏ, nên gánh nặng mưu sinh đè nặng trên đôi vai của người đàn ông có nước da đen sạm vì nắng rát nơi công trường này.
Anh Phú lấy chiếc điện thoại của mình ra cho chúng tôi xem, nụ cười của anh bỗng chốc rạng rỡ khi anh chỉ tay vào màn hình có hình ảnh hai con thơ nơi quê nhà. Dường như đó là động lực to lớn khiến anh Phú cật lực mưu sinh, không quản vất vả, nhọc nhằn.
Giấc ngủ "3 không"
Trên những con phố của Đà Nẵng trong thời gian này, dễ dàng bắt gặp hình ảnh những người lao động ngủ vội trên lưng chiếc xe ôm, ghế đá hay ngay trên vỉa hè của gầm cầu.
Những người lao động này không được làm việc trong văn phòng có quạt, có điều hòa. Họ phải làm việc dưới cái nắng nóng chói chang như bỏng rát da thịt, nhọc nhằn kiếm cơm qua ngày trong mùa dịch. Giấc nghỉ trưa của họ là cái ngả lưng tạm dựa vào lan can gầm cầu sông Hàn, hay nằm dài ra nền đất.
Không giường, không quạt, không yên tĩnh, họ cố vỗ giấc ngủ chập chờn để lấy lại sức lực rồi tiếp tục công việc mưu sinh trong buổi chiều.
Ghé vào gầm cầu sông Hàn vào lúc hơn 12h trưa, chúng tôi thấy một nhóm công nhân đang say sưa nằm ngủ nơi góc vỉa hè. Một anh công nhân bất giác giật mình, nhìn chúng tôi hỏi: "Có chuyện gì vậy?".
Chúng tôi hỏi thăm, anh Khuê, một công nhân trong nhóm, nói: "Giờ nghỉ trưa ngắn mà đường về nhà trọ xa lắm, nên ngủ tạm đây rồi vào làm việc tiếp. Ngủ dưới gầm cầu, tuy ồn ào một chút nhưng không khí thoáng mát… Vất vả cũng phải làm, chứ thấy khó mình bỏ việc biết lấy gì gửi về quê lo cho gia đình", anh Khuê chia sẻ.
Chúng tôi rời đi, lòng vẫn nặng trĩu trước hình ảnh những người công nhân nằm ngả lưng ngủ ngay trên vỉa hè. Cuộc mưu sinh vốn đã nhọc nhằn, dịch dã còn khiến họ có ít sự lựa chọn hơn về những giấc ngủ và bữa ăn ngon lành lấy sức giữa hai buổi sáng, chiều vất vả làm lụng nơi công trường.
Theo Dân Trí
Nhà trai đi đón dâu phải quay xe, không thể vào Quảng Ninh vì dịch Covid-19
Vào 13h chiều nay (28/1), một đoàn xe ô tô từ TP. Hải Phòng sang Quảng Ninh đón dâu, tới trạm thu phí đã quay về sau khi địa phương này ghi nhận 11 ca nhiễm mới.