- Sau khi "Ký sự Syria: Góc nhìn từ phía trong cuộc chiến" phần 1 được phát sóng, cư dân mạng 'gây bão' cho rằng ký sự này làm chưa đúng bản chất cuộc chiến, quá tập trung vào thể hiện cảm xúc của nhân vật chính là nhà báo Lê Bình…
Để trả lời mọi thắc mắc xung quanh câu chuyện này cùng những câu chuyện khoắc khoải cho đam mê nghề báo, nhà báo Lê Bình đã dành cho chuyên mục Hotface một cuộc trò chuyện riêng.
Clip 2 BTV Lê Bình với những khắc khoải cho đam mê nghề báo.
Xem toàn bộ phần trò chuyện với nhà báo Lê Bình.
Nhà báo Hà Sơn: Chị Lê Bình thân mến, chị đang trở thành nhân vật được cộng đồng mạng bình luận và chia sẻ rất nhiều thông qua ký sự Syria thực hiện cùng với ê kíp của mình. Chị chia sẻ gì trước những luồng ý kiến khen chê đối với sản phẩm báo chí của mình?
Nhà báo Lê Bình: Tôi lắng nghe tất cả những lời bình luận về sản phẩm của mình và cảm ơn những lời khen và cả những lời chê rất chân thành, chê đúng còn tôi bỏ qua những lời chửi bới. Cảm xúc của tôi lẫn lộn lúc vui, lúc buồn. Đọc những comment người ta đánh giá mình tốt thấy vui, những cái chê đúng mình phải rút kinh nghiệm, còn những lúc người ta hiểu hoàn toàn sai về mình, thậm chí có những xúc phạm nặng nề có chút buồn sau đó lại qua ngay bởi chúng tôi làm không phải vì những lời chê, lời khen mà vì chúng tôi là những nhà báo muốn làm những sản phẩm để mang góc nhìn đến cho người dân Việt Nam, thậm chí chúng tôi còn có ý định dịch ra Tiếng Anh.
Nhà báo Hà Sơn: Chắc chị đã đọc rất nhiều những chia sẻ trên mạng xung quanh Ký sự Syria. Nhiều người nói về lỗi trang phục về cái tôi (diễn và kịch) của chị trong trong sản phẩm báo chí này, chị nói gì trước những ý kiến như thế?
Nhà báo Lê Bình: Chương trình này ở thể dạng "Ký sự truyền hình" mà đã là ký sự truyền hình góc nhìn của tác giả đi đến đâu, nhìn thấy gì, như thế nào thậm chí đưa cả cảm xúc, bình luận của mình vào nữa, đó là một thể dạng truyền hình. Cái tôi của thể loại ký sự truyền hình nổi hơn tất cả các báo chí khác. Những người có hiểu biết về ký sự truyền hình họ không nói gì còn với những người hơi có một chút ác cảm với tôi nghĩ rằng sao tôi lại xuất hiện nhiều thế, sao cảm xúc của tôi nhiều thế thì tôi có thể lý giải rằng nó là một loại ký sự nên tôi tuân thủ đúng theo nguyên tắc và làm thôi. CNN, BBC người ta cũng đều làm rất nhiều rồi, ở Việt Nam khán giả đón nhận theo cách như vậy có lẽ tôi cũng nên rút kinh nghiệm ở chỗ đó.
Nhà báo Hà Sơn: Nhớ lại hành trình 13 ngày để thực hiện ký sự này chi tiết nào chị ám ảnh nhất và điều chị ân hận nhất trong kí sự này?
Nhà báo Lê Bình: Chi tiết làm tôi ám ảnh nhất và bị sốc không thở được nên phải chạy ra ngoài. Đó là câu chuyện người dân địa phương kể những người phụ nữ đã bị hành hạ như thế nào. Họ bắt người phụ nữ trần truồng đi trên đường, tôi có thể mường tượng ra cảnh đó. Rồi cảnh họ đã dùng con dao to để rạch bụng một người phụ nữ đang có bầu moi đứa trẻ. Lúc đó chân tôi như quỵ xuống và Vân Anh (đồng nghiệp đi cùng - PV) nhìn thấy chạy ra đỡ. Tôi bám vào bạn ấy như một điểm tựa để có thể đứng được.
Những giây phút chạy trong đường hầm cũng không đủ ám ảnh bằng chi tiết trên bởi lúc đó sợ quá chúng tôi cứ thế chạy không biết trời đất là gì, nhưng vừa chạy vừa nghĩ mình phải có một hình ảnh nào đấy chứ không phí và nếu có chuyện gì xảy ra ít nhất còn tí hình ảnh gửi về nên vừa chạy, vừa dẫn nói lắp ba lắp bắp.
Còn ân hận ư?, tôi không ân hận. Tôi chỉ nghĩ rằng mình nên rút kinh nghiệm, lần sau đi phải chuẩn bị kĩ lưỡng hơn và chắc cũng không còn lần sau vì tôi sợ quá rồi. Khi thoát chết trở về mọi người hay nói bản lĩnh và dũng cảm nhưng cả bốn phóng viên chúng tôi đều nói về sự sợ hãi chứ không hề nói về sự dũng cảm ở đấy cả vì thực sự nếu chúng tôi bị mất mạng ở đó sẽ liên lụy đến nhiều người, cơ quan bị liên lụy, đương nhiên tôi cũng để lại nỗi đau không thể chấp nhận cho gia đình của mình. Tôi nghĩ rằng tôi sẽ không bao giờ quay trở lại nữa nếu vùng đất ấy còn chiến tranh.
Nhà báo Hà Sơn: Khi thực hiện chuyến đi này những gì chị mường tượng, những gì chứng kiến thực sự lột tả hết chưa hay còn những câu chuyện, góc khuất khác phải cân nhắc đưa hay không trong ký sự lần này?
Nhà báo Lê Bình: Thực ra để lột tả nỗi sợ hãi của chúng tôi thì chưa vì lúc đó sợ vô cùng, chỉ cầu nguyện duy nhất được trở về. Với những hình ảnh vừa chạy, vừa quay không được nuột nà không chuyển tải hết cảm xúc, tôi nói run như thế lúc đấy trong đầu u mê đi. Lúc đó cảm xúc như thế nào nó là như thế, hình ảnh như nào là như thế, tất cả mọi hình ảnh đều được thực hiện một cách nguyên vẹn và trung thực. Nếu bảo để chuyển tải hết nỗi sợ hãi của chúng tôi chưa thì chưa nhưng tôi hài lòng với hình ảnh đó bởi chúng tôi đã làm hết sức trong tâm trạng ấy, trong bối cảnh khủng khiếp.
Nhà báo Hà Sơn: Ê kíp của chị đi chỉ có 4 người, trong đó 3 nữ phóng viên. Tại sao chị không dùng êkíp nhiều nam hơn để đỡ vất vả và sản phẩm biết đâu đầy đủ hơn?
Nhà báo Lê Bình: Chúng tôi đã xác định đi vào vùng đất ấy rủi ro rất cao nên tôi không ép buộc ai. Tôi lấy trên tinh thần tự nguyện, bạn nào thực sự muốn đi cùng sẽ đi. Có vẻ như phụ nữ Việt Nam rất mạnh mẽ nên 2 người đầu tiên xung phong đi cùng với tôi là Vân Anh và My. Tôi nghĩ rằng khi người ta thực sự muốn, thực sự yêu mới truyền tải tất cả thông điệp ấy đến với khán giả truyền hình nên tôi chọn 2 bạn nữ ấy với một nam quay phim vì lí do như thế.
Nhà báo Hà Sơn: Chị là nhà báo dày dặn kinh nghiệm cũng đang là "sếp" của nhiều nhân viên, vậy tại sao chị lại cứ phải dấn thân thực hiện những phóng sự truyền hình mà không giao cho nhân viên, những người đi sau mình làm?
Nhà báo Lê Bình: Bạn cũng biết làm báo có một sức mê hoặc kinh khủng. Tôi hiện tại đang là lãnh đạo nhưng cũng khao khát được làm nghề bởi muốn trở thành một nhà báo thực sự chứ không chỉ là chỉ đạo các nhà báo đi làm cái này, cái kia. Chính vì những ham muốn đó nên tôi vẫn muốn làm những nơi thực sự khó khăn, những nơi các phóng viên của chúng tôi thực sự làm được chắc tôi cũng nhường các bạn ấy làm nhưng những chỗ thực sự khó khăn, vất vả, cũng có rủi ro, mạo hiểm và làm báo bao giờ cũng thế, rất muốn làm được sản phẩm có những góc nhìn thực sự sâu sắc tạo ra những sản phẩm làm cho người ta nhớ chính vì những ham muốn đó nên tôi quyết định đi làm những sản phẩm cụ thể chứ không phải ngồi nhà rồi chỉ đạo các bạn đi làm.
Nhà báo Hà Sơn: Ngoài việc chị được hậu thuẫn từ những lãnh đạo Đài, sự ủng hộ từ nhiều nhân viên, nhiều bạn trẻ để làm những sản phẩm cho VTV, muốn làm những sản phẩm để đời cho chính mình thì còn những thuận lợi hay tác động nào khác không?
Nhà báo Lê Bình: Tôi rất tâm đắc với một câu: "Con ạ, khi con sinh ra trên đời này chỉ mình con khóc, tất cả mọi người cùng cười. Hãy sống sao cho đến khi nhắm mắt xuôi tay, con thì nằm cười còn mọi người rơi nước mắt.
Tôi quan niệm nếu không làm việc hoặc bỏ phí thời gian mình có lỗi với chính mình trước, với con mình, bởi vì mình có làm gì cũng để lại cho nó. Chúng ta có làm bất cứ điều gì cuối cùng cũng là một trong những hạt muối hay hạt đường để lại cho xã hội này. Nếu chúng ta làm điều tử tế sẽ để lại hạt đường cho cốc nước của xã hội ngọt hơn và nếu chúng ta làm điều tồi tệ sẽ để lại hạt muối làm cho xã hội này tồi tệ hơn một chút. Và chính con cái chúng ta, con cháu chúng ta sẽ là những người hưởng thụ điều này, không ai khác cả. Với quan niệm đó thực sự tôi cũng là người tham việc, muốn được làm việc. Tôi vui khi công việc của tôi được sự hậu thuẫn rất mạnh mẽ của những người đồng nghiệp ở VTV24, những bạn trẻ đã đi cùng tôi, chúng tôi đi đang cùng nhau để xây dựng những điều chúng tôi cho rằng đúng, đấy là những điều tử tế cần phải làm.
Phần 2: BTV Lê Bình: Lời thề và câu hỏi nhói tim của con trai
Sơn Hà - Đức Yên - Xuân Phúc