Khi là một “teen” nữ, Jane đã đem lòng yêu Việt Nam và phản đối Mỹ xâm lược Việt Nam. Khi thành bác sĩ bà lại hết lòng vì trẻ em Việt Nam.
Xin giới thiệu phần lược dịch bài blog của Bác sĩ nhi khoa người Mỹ Jane Aronson – Tổng Giám đốc Quỹ Trẻ mồ côi Thế giới (Worldwide Orphans Foundation) nói về tình cảm và sự gắn bó của bà với đất nước Việt Nam nói chung và trẻ thơ Việt Nam nói riêng.
Ấn tượng về “Việt Cộng”
Tôi phản đối Chiến tranh Việt Nam (do chính phủ Mỹ phát động) khi tôi còn là một cô gái tuổi teen ở đảo Long Island, bang New York, nước Mỹ. Tôi đã năng nổ “hoạt động chính trị” từ khi lên lớp 7 (hồi năm 1963) nhưng cái “hoạt động chính trị” thời đó chủ yếu là những thứ đại loại như phấn đấu làm cán bộ lớp, tham gia các vụ hát hò nhảy múa hay đấu tranh để bảo đảm mọi học sinh cuối cấp đều có một chú chó Snoopy – linh vật của khóa học 1969. Năm 1968 tôi bỏ lỡ cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ vì chưa đủ tuổi.
Bà Jane Aronson (tóc trắng, đeo kính). |
Tôi yêu một chàng trai nhà ở bên kia con phố. Anh ấy đi lính sang Việt Nam và cuối cùng bị thương, phải về điều trị trong bệnh viện ở Guam. Người sinh viên mà tôi hẹn hò ở đại học là một cựu chiến binh tham gia Chiến tranh Việt Nam và mắc rối loạn trầm cảm sau chấn thương. Tôi may không có bạn bè người thân nào bị chết [trong Chiến tranh Việt Nam]. Thế nhưng anh trai tôi ở vào diện phải đi lính nghĩa vụ hàng đầu. Anh ý cuối cùng phải tìm cách đi dạy và huấn luyện bóng bầu dục ở nội thành Memphis nhằm trốn quân dịch. Nhiều nam thanh niên đồng trang lứa với tôi bị gọi nhập ngũ. Một số bạn bè thời trung học được “hoãn” vì có vấn đề về tâm lý và sức khỏe.
Tối tối tôi theo dõi chiến sự ở Việt Nam qua chiếc TV đen trắng trong nhà bếp ngôi nhà của tôi ở Long Island. Tôi rất ấn tượng trước cảnh máy bay trực thăng và những tiếng hô “Việt Cộng”.
Tôi đọc nhiều về Hồ Chí Minh - còn gọi là “Bác Hồ” ở xứ của ông ấy. Tôi đã viết một bài tiểu luận dài 10 trang đánh máy về giải pháp Vịnh Bắc Bộ cho môn lịch sử Mỹ lớp 11 (năm 1968). Tôi vào thư viện sục sạo tài liệu về cuộc chiến tranh này và văn hóa Việt Nam. Lúc đọc tấm vi phim của New York Times, tôi có cảm giác như một phóng viên.
Tôi đã đem lòng yêu Việt Nam khi tôi mới 16 tuổi và tôi thừa nhận mình ngưỡng mộ Bác Hồ. Nhưng đồng thời tôi cũng yêu quý những người lính Mỹ vì lòng quả cảm và tinh thần ái quốc của họ.
Tôi đặc biệt thích việc Hồ Chí Minh từng sống ở Brooklyn (Mỹ) những năm 1920 vì tôi sinh ra ở Brooklyn. Nên không có gì ngạc nhiên khi tôi quyết định đi thăm lăng Hồ Chủ tịch ở Hà Nội trong một chuyến thăm Việt Nam vào thập kỷ trước.
Năm 1969 tôi tới Đài tượng niệm Washington ở thủ đô để tham gia cuộc tuần hành phản chiến. Tôi vẫn còn nhớ đã thấy các chính trị gia như Paul O'Dwyer và nghe Peter, Paul và Mary hát bài “Where have all the Flowers Gone?”.
Sang thăm Việt Nam
Với vai trò Tổng Giám đốc quỹ Worldwide Orphans (WWO), tôi đã sang Việt Nam nhiều lần trong các năm qua. Chuyến đi đầu tiên tới Việt Nam là vào tháng 8/2000, khi tôi nhận một đứa con nuôi mới 4 tháng tuổi. Cậu bé lúc đó sống tại một trung tâm nuôi dưỡng ở Cầu Giấy, Hà Nội.
Một thập kỷ trước tôi tới Ba Vì và khi đó tôi bắt đầu quý mến những em bé ở đây đang mang trong mình căn bệnh thế kỷ HIV/AIDS. Gương mặt các bé khắc sâu trong tâm trí tôi. Các bé đều gày gò, ốm yếu, người nhiều vết muỗi cắn và da có nhiều chỗ nhiễm khuẩn. Nhiều cháu bắt đầu có triệu chứng của giai đoạn AIDS. Rất may WWO đã đến kịp thời để hỗ trợ cho các bé bằng thuốc men. Sau này tôi đến thăm lại, tình hình các cháu khả quan hơn nhiều.
Trẻ em Việt Nam |
Gần đây, vào tháng Giêng 2016 tôi quay lại Việt Nam, tham gia các chương trình WWO cùng một nhóm người ủng hộ, tới các trại trẻ mồ côi ở đồng bằng Sông Cửu Long, thành phố Hồ Chí Minh và Hà Nội. Thành viên nhóm giúp đỡ đến từ LA, Singapore, Pleasantville, Orlando, Maplewood, New York và Chiang Mai.
Các bé rất khỏe đẹp. Những người chăm sóc rõ ràng là rất tận tụy, chẳng khác nào bậc cha mẹ. Ở Vĩnh Long chúng tôi xem các cô chăm sóc trẻ biểu diễn múa dân gian, sau đó chúng tôi chơi đùa với các bé. Chúng tôi dành nhiều giờ đồng hồ bên các trẻ mồ côi ở độ tuổi mẫu giáo khi các bé nghịch đồ chơi.
Ra Bắc, chúng tôi tới Ba Vì thăm một trung tâm phụ nữ từng hành nghề mại dâm và sinh ra những đứa trẻ nhiễm HIV.
Các bé mắc HIV đó lớn lên khỏe mạnh và vẫn đi học. Chúng biểu diễn các điệu múa và đọc thơ và thư thể hiện cuộc sống an toàn và khỏe mạnh của mình. Các bé làm những món quà mà tôi đã chụp ảnh được. Cuối buổi biểu diễn văn nghệ, các vị khách chúng tôi cùng múa với các bé theo một bài hát của Justin Bieber.
Một số trẻ em đã lớn đến tầm 17, 18 tuổi, thậm chí trên 20 tuổi. Các em ở lại và làm việc trong chính trại mồ côi.
Hiệu quả chương trình nhân đạo
Một sinh viên tuổi đôi mươi bị nhiễm HIV từng sống ở trại này giờ sống ở Hà Nội và mong muốn sang học và làm việc ở Thái Lan. Sắp tới em sẽ gặp gỡ một trong các vị khách của chúng tôi ở Chiang Mai (Thái Lan).
Nhân viên người Việt tại văn phòng WWO Việt Nam |
Điều đặc biệt về cô gái này và những đứa trẻ ở Ba Vì là họ không ngần ngại công khai tình trạng bệnh của mình. Đây cũng là mục tiêu chính trong chương trình hỗ trợ tâm lý của WWO dành cho các trẻ em nhiễm HIV ở Việt Nam, Ethiopia và Haiti.
Chúng tôi vừa cười vừa rơi lệ khi chứng kiến các bé biểu diễn văn nghệ. Sau đó chúng tôi ở bên các trẻ sơ sinh vừa thức giấc trong nhà trẻ. Ôi chao, các bé cứ như các thiên thần vậy. Đáng yêu và yên bình quá. Lại rất thơm tho nữa. Các bé mặc những bộ đồ nhỏ xinh mềm mại. Quần áo các bé để trong ngăn tủ phòng ngủ, khiến các cháu không khác nào đang ở nhà với bố mẹ mình vậy.
Nếu chúng tôi nâng bé không đúng cách, các cô bảo mẫu – những phụ nữ trẻ ăn mặc rất hợp mốt, lập tức tỏ ý không bằng lòng.
Thật khó rời xa khung cảnh này vì chúng tôi yêu các bé quá và chỉ muốn dành thêm thời gian ôm và nựng các cháu. Các vị khách gần như quên mất việc các cháu bé bị nhiễm HIV.
Quay trở lại văn phòng WWO ở thành phố Hồ Chí Minh, chúng tôi trang trí nón lá và chơi trò chơi ở Trung tâm Excellence. Các tình nguyện viên người địa phương hỗ trợ các trẻ em nhiễm HIV và gia đình các em. Nhiều gia đình rất nghèo, thậm chí vô gia cư. Họ được cấp thuốc và đã đưa con em tới vui chơi cũng như học tập ở trung tâm.
Tôi thăm một gia đình ở trung tâm này, tôi thấy người mẹ và cô con gái ăn vận gọn gàng, tham gia tích cực vào các hoạt động ở trung tâm, giao lưu với nhiều gia đình khác.
Chúng tôi đi thăm một trung tâm nữa ở Vĩnh Long. Ông Chi quản lý trung tâm này. Ông ấy yêu thương các nhân viên và đứa trẻ tại trung tâm đến mức khi ăn trưa ngoài trời, ông phải lấy giấy ăn để lau nước mắt vì tình cảm đối với họ.
Sự nhiệt tình của các nhân viên người Việt tại văn phòng WWO Việt Nam thật lớn. Họ hồ hởi đón chào chúng tôi, nói chuyện với chúng tôi dù chúng tôi không nói được một từ tiếng Việt nào. Tiếng Anh của họ chắc chắn là khá hơn tiếng Việt của chúng tôi.
Chúng tôi rất biết ơn chị Thuy, Giám đốc WWO ở Việt Nam cùng các nhân viên của chị về chuyến đi tới Việt Nam lần này.
“Chuyện tình” của tôi với Việt Nam vẫn tiếp diễn. Mặc dù đất nước này ngày càng hiện đại hơn, vẫn tồn tại ở đây một ý thức gìn giữ truyền thống. Những người nghèo vẫn tiếp tục nỗ lực vượt khó để có cuộc sống tốt đẹp hơn..
Theo VOV