Broadcom có thể hàn gắn quan hệ Apple với Qualcomm
Cuộc chiến pháp lý của Qualcomm lên đến đỉnh điểm trong năm 2017 khi đối mặt với án phạt tại Hàn Quốc và Đài Loan, vụ kiện đến từ Apple và từ Ủy ban Thương mại Mỹ. Apple đã tạm dừng việc thanh toán phí bản quyền cho đến khi tòa án đưa ra phán quyết về vụ kiện Qualcomm lợi dụng vị thế của mình để lấy thêm tiền của các nhà sản xuất phần cứng.
Và với tình huống như thế, thu nhập từ hoạt động của Qualcomm đã giảm 60% trong khi dòng tiền giảm 36% trong năm tài khóa 2017 so với năm trước. Tranh chấp pháp lý cũng khiến cổ phiểu Qualcomm giảm 19% kể từ đầu năm 2017 cho đến khi có dấu hiệu hồi phục trước nguồn tin cho biết Broadcom có ý định mua lại hãng sản xuất bán dẫn này.
Qualcomm đã cố gắng đạt thỏa thuận với Apple bằng nỗ lực yêu cầu tạm thời ngừng bán iPhone tại Mỹ và Trung Quốc nhưng thất bại.
Ban quản trị của Qualcomm, trong cuộc họp về tình hình thu nhập trong quý 4/2017, cho biết vụ kiện với Apple sẽ tiếp diễn trong năm 2018, nghĩa là có thể kéo theo một năm nữa với mức thu nhập ảm đạm.
Cuộc chiến pháp lý có thể buộc Qualcomm phải thay đổi thực tế cấp phép bản quyền. Công ty có thể buộc phải đưa ra mức giá cố định trên từng thiết bị, hoặc phải dựa vào tỷ lệ phí bản quyền trên giá thành của thành phần linh kiện. Trong cả hai trường hợp, thu nhập từ việc cấp phép bản quyền của Qualcomm đều bị tác động tiêu cực. Vì hơn 70% thu nhập hiện tại của công ty đến từ lợi nhuận của việc cấp phép này, nên lợi nhuận của công ty sẽ phải trải qua cú sốc lớn.
Điều này làm cho nền tảng tài chính của Qualcomm bị lung lay và công ty này trở thành mục tiêu dễ bị mua lại.
Nếu Broadcomm mua lại Qualcomm, lợi nhuận của công ty sau khi sáp nhập sẽ cao hơn vì biên lợi nhuận hoạt động khoảng 20% của Qualcomm sẽ được hỗ trợ bởi biên lợi nhuận khoảng 40% của Broadcom.
Để vững vàng trong cuộc chiến pháp lý với Qualcomm, Apple đang tìm kiếm một giải pháp thay thế cho các modem của Qualcomm bằng các tìm nguồn cung từ Intel và MediaTek hay thậm chí thiết kế chip riêng.
Một số báo cáo cho thấy Apple có thể sẽ loại bỏ hoàn toàn chip của Qualcomm khỏi loạt thiết bị trình làng năm 2018 của họ. Thậm chí ngay cả khi Apple hiện ngưng sử dụng modem của Qualcomm, thì họ gần như sẽ quay trở lại bàn đàm phán với Qualcomm về công nghệ 5G – thế mạnh gần như độc quyền mà hãng này đang nắm giữ.
Nên nếu Apple không đồng ý trả phí bản quyền bây giờ, thì điều đó sẽ chỉ làm giá tăng phí bản quyền mà họ phải trả cho Qualcomm trong tương lai, khi đối mặt với những yêu cầu bồi thường.
Apple có thể thử và chạy khỏi Qualcomm trong thời gian ngắn, nhưng họ không thể trốn tránh công ty bán dẫn hàng đầu này trong thời gian dài.
Những rắc rối về pháp lý có thể ảnh hưởng tiêu cực đến thu nhập của Qualcomm trong ngắn hạn, nhưng Broadcom tuyên bố rằng họ có thể góp phần giúp cuộc chiến pháp lý của Qualcomm dễ dàng hơn, dù họ chưa tiết lộ thực hiện điều đó bằng cách nào.
Có thể hiểu theo nghĩa rằng, nếu Broadcom mua thành công Qualcomm thì sẽ giúp cải thiện mối quan hệ giữa Qualcomm với Apple mà Broadcom đóng vai trò làm cầu nối dựa trên sự thân thiết lâu năm giữa hai công ty.
Qualcomm có thể là thương vụ béo bở trong các hoạt động sáp nhập của Broadcom
Khả năng Broadcom đưa ra đề nghị mua lại Qualcomm hoàn toàn có thể xảy ra bởi giám đốc điều hành Hock Tan của công ty này có bề dày kinh nghiệm thành công trong các thương vụ mua bán, sáp nhập những công ty công nghệ vốn là đối thủ.
Năm 2016, chính ông này vốn là người điều hành công ty Avago đã mua lại Broadcom và sử dụng tên Broadcom cho công ty sau khi sáp nhập thành công. Và gần như ngay sau đó, công ty này đã bán mảng kinh doanh IoT không dây cho Cypress.
Hiện tại, hãng đang tiến hành mua Brocade Communications Systems nhưng đang đối mặt với sự giám sát pháp lý. Dù vậy, thì hãng cũng đã đạt thỏa thuận bán các bộ phận kinh doanh router, switch, ICX Switch… của Brocade.
Hiện tại, Broadcom đã lên kế hoạch mua lại Qualcomm với giá khoảng 130 tỷ USD, và vừa rồi cũng có thông tin về việc Qualcomm từ chối thỏa thuận này. Nhưng câu hỏi đặt ra là Broadcom có hứng thú với mảng kinh doanh nào của Qualcomm.
Đặc biệt hơn cả, thương vụ mua lại Qualcomm nếu thành công sẽ đưa Broadcom lên vị trí dẫn đầu về WiFi, Bluetooh và công nghệ 3G/4G lẫn 5G LTE. Cũng theo Broadcom, hai công ty này là đối thủ của nhau, nhiều sản phẩm chồng chéo nhau sẽ có thể tạo ra sự hợp nhất chi phí 0,7 tỷ USD đến 1,3 tỷ USD.
Điều hiển nhiên là Broadcom hứng thú với các công nghệ không dây tiên tiến nhất của Qualcomm trên các vi xử lý dành cho smartphone và các modem mạng di động. Qualcomm cũng đã bỏ lại Intel ở phía sau để vươn lên dẫn đầu về công nghệ mạng 5G.
Nếu Broadcom có thể tiếp quản Qualcomm, thì công ty này sẽ đi đầu về công nghệ 5G được kỳ vọng bắt đầu vào năm 2019, cũng như sẽ nghiễm nhiên trở thành công ty sản xuất chip lớn thứ 3 thế giới.
Mặt khác, Broadcomm có thể không mấy ưa thích mảng kinh doanh vi xử lý dành cho máy tính và máy chủ của Qualcomm cũng như mảng kinh doanh phí bản quyền.
Trước mắt, sẽ cần thêm một thời gian để kết quả của thương vụ này trở nên rõ ràng hơn sau khi trải qua quá trình đàm phán, thống nhất về mặt giá cả hoặc thậm chí đã kết thúc theo lời từ chối từ phía Qualcomm.
Nhưng mọi ánh mắt, kể cả sự kiểm soát của luật pháp sẽ đổ dồn vào tâm điểm là thương vụ sáp nhập giữ 2 gã khổng lồ bán dẫn này cùng với mối quan tâm về quy mô kinh doanh lớn của công ty sau sáp nhập cũng như sự e ngại về nguy cơ độc quyền ở những mảng kinh doanh dẫn đầu của cả hai công ty.
Và hơn hết, vụ mua bán sáp nhập này cũng chỉ ra sự tàn nhẫn giữa các thương vụ trong thế giới công nghệ: đối tác trung thành có thể đưa nhau ra tòa vì lợi ích kinh tế hàng đầu, một công ty dẫn đầu về công nghệ có thể suy sụp bởi chính vì những công nghệ tiên phong mà mình sở hữu nếu không có chính sách đối ngoại hợp lý và đối thủ cạnh tranh hoàn toàn có thể bất kỳ lúc nào trở thành “ông chủ” chỉ vì một phút yếu lòng đồng ý bán mình.