Đường cao tốc Biên Hòa-Vũng Tàu có ý nghĩa đặc biệt quan trọng trong việc nâng cao khả năng kết nối, rút ngắn thời gian vận chuyển hàng hóa từ các khu kinh tế công nghiệp lớn của vùng kinh tế trọng điểm phía Nam với cụm cảng biển Cái Mép-Thị Vải và tới đây là cảng hàng không quốc tế Long Thành.
Ngày 16/6, Quốc hội đã ban hành Nghị quyết số 59/2022/QH15 quyết định chủ trương đầu tư Dự án đầu tư xây dựng đường bộ cao tốc Biên Hòa-Vũng Tàu giai đoạn 1 chuyển đổi hình thức đầu tư sang đầu tư công để sớm đưa con đường đi vào hoạt động đã làm nức lòng người dân tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu, Đồng Nai nói riêng và cả vùng kinh tế trọng điểm phía Nam nói chung.
Ngay sau khi Quốc hội “bấm nút” thông qua dự án, tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu đã nhanh chóng tập trung lực lượng để triển khai dự án.
Ông Nguyễn Văn Thọ, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh, Trưởng Ban Chỉ đạo cho biết, dù rất khẩn trương và được người đồng tình dân ủng hộ nhưng đã yêu cầu Ủy ban Nhân dân thành phố Bà Rịa, Thị xã Phú Mỹ (địa phương có đường cao tốc đi qua) phải phối hợp chặt chẽ với Ban Quản lý dự án giao thông khu vực cảng Cái Mép-Thị Vải (chủ đầu tư dự án thành phần 3 đường cao tốc Biên Hòa-Vũng Tàu) và Sở Tài nguyên môi trường tiến hành đo vẽ, xác định ranh, mốc, kiểm kê đầy đủ, bố trí tái định cư và bồi thường thỏa đáng cho người dân bị thu hồi đất, không để người dân thiệt thòi, bức xúc, khiếu kiện sau này.
Đường cao tốc Biên Hòa-Vũng Tàu có tổng chiều dài 53,7km; trong đó, dự án thành phần 3 (đoạn qua địa phận tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu do Ban Quản lý dự án giao thông khu vực cảng Cái Mép-Thị Vải làm chủ đầu tư) dài 19,5km đi qua 6 xã của thị xã Phú Mỹ và thành phố Bà Rịa với tổng diện tích đất thu hồi khoảng 148ha với hơn 1.200 hộ dân bị ảnh hưởng.
Dự án thành phần 3 có tổng mức đầu tư giai đoạn 1 (4 làn xe) khoảng 5.190 tỷ đồng; trong đó, kinh phí bồi thường khoảng 1.333 tỷ đồng.
Song song với công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng, Chủ đầu tư dự án là Ban Quản lý dự án giao thông khu vực cảng Cái Mép-Thị Vải cũng đã phối hợp với các cơ quan liên quan triển khai hàng loạt các phần việc sẵn sàng cho giai đoạn xây dựng dự án.
Theo Ban Quản lý dự án, đến thời điểm này, Ban đã hoàn thành công tác phê duyệt đề cương, nhiệm vụ, lựa chọn nhà thầu tư vấn lập báo cáo nghiên cứu khả thi; thống nhất về tim tuyến, đường gom dân sinh, hầm chui và các nút giao trên tuyến; trình Bộ Giao thông vận tải thẩm định các hạng mục trạm thu phí, nhà điều hành và hệ thống giao thông thông minh ITS và báo cáo nghiên cứu khả thi dự án.
Hiện Ban đang tích cực phối hợp với đơn vị tư vấn thiết kế, tư vấn thẩm, Bộ Giao thông Vận tải hoàn thiện thẩm định Báo cáo nghiên cứu khả thi dự án trước 30/11/2022.
Ban cũng đã tham vấn địa phương và Bộ Tài nguyên môi trường hoàn thiện hồ sơ báo cáo đánh giá tác động môi trường dự án (hiện trạng đất rừng, bãi đổ thải và các đối tượng nhạy cảm khu vực dự án đi qua) trình Bộ Tài nguyên môi trường phê duyệt.
Đồng thời, phối hợp với Sở Tài nguyên môi trường tỉnh thỏa thuận các điểm mỏ khoáng sản trên địa bàn phục vụ cho xây dựng đường cao tốc và đề nghị Sở Xây dựng rà soát, ban hành thông báo giá vật liệu các mỏ đang khai thác phục vụ lập dự toán. Đến ngày 14/11, Ủy ban Nhân dân tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu đã có công văn thống nhất danh sách các mỏ, sẵn sàng cho dự án.
Trước đó, tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu cũng đã thống nhất trong năm 2022 bố trí 670 tỷ đồng vốn ngân sách địa phương để chi trả chi phí bồi thường giải phóng mặt bằng dự án đường cao tốc, đồng thời, thị xã Phú Mỹ đã có sẵn 327 lô đất tái định cư và đang xây dựng 416 lô khác.
Cùng với đó, thành phố Bà Rịa cũng chuẩn bị sẵn 639 lô đất tái định cư để phục vụ công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng.
Sự quyết tâm, quyết liệt vào cuộc của toàn hệ thống chính trị tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu và những cơ sở vững chắc trên đã củng cố mạnh mẽ niềm tin, dự án sẽ hoàn thành vào cuối năm 2025, phục vụ nhu cầu của nhân dân, thúc đẩy kinh tế xã hội toàn vùng phát triển.
Phú Mỹ