Bước đầu có hiệu quả

Bộ Công Thương vừa tiếp tục có báo cáo tổng kết, đánh giá tổng thể việc đầu tư thí điểm hai dự án bôxít Tân Rai và Nhân Cơ.

Theo đó, Dự án Tổ hợp bôxit - Nhôm Lâm Đồng (Dự án Tân Rai) sau 5 năm đi vào vận hành sản xuất (tháng 10/2013 đến hết năm 2018) đã có nhiều khởi sắc. Nếu như 3 năm đầu dự án bị lỗ, thì từ năm 2017 dự án bắt đầu có lãi với số lãi ngày càng tăng mạnh. 

Còn Nhà máy alumin Nhân Cơ, ngay năm đầu tiên đi vào sản xuất (năm 2017) đã có lãi ngay 35 tỷ đồng.

{keywords}
iBôxit thoát lỗ và có lãi

Tuy nhiên, hiện nay việc chế biến quặng bôxít mới thực hiện đến khâu tạo ra alumin, nguyên liệu làm nhôm. Còn Dự án nhà máy điện phân nhôm Đắk Nông của Công ty TNHH Luyện kim Trần Hồng Quân vẫn chưa đi vào vận hành. Hiện các hạng mục xây dựng dự án điện phân nhôm đã cơ bản hoàn thành và chờ lắp đặt thiết bị.

Tại báo cáo gửi Thủ tướng, Bộ Công Thương cũng đề cập đến tương  lai của ngành công nghiệp bôxít - nhôm của Việt Nam.

Dẫn số liệu Hiệp hội Nhôm thế giới, Bộ Công Thương cho biết sản lượng sản xuất nhôm từ năm 1974-2017 tăng đều qua các năm và tiếp tục gia tăng thời gian tới.

Đến năm 2030, lượng nhôm sản xuất sẽ vượt ngưỡng 100 triệu tấn, lượng alumin (chế biến từ quặng bô xít) tương ứng sẽ đạt gần 200 triệu tấn. Dự kiến sẽ thiếu hụt khoảng 70 tiệu tấn alumin so với hiện nay.

Năm 2017, toàn thế giới khai thác khoảng 300 triệu tấn quặng tinh bôxít. Trong đó Australia khai thác và xuất khẩu lớn nhất, tiếp đến là Trung Quốc, Brazil,...

Song Trung Quốc là nước có sản lượng alumin chế biến từ quặng bôxít lớn nhất. Trên thế giới có hơn 30 nước sản xuất alumin với sản lượng năm 2017 là 130 triệu tấn. Việt Nam tham gia chuỗi sản xuất và xuất khẩu alumin kể từ 2013 và đến năm 2018 đạt khoảng 1,3 triệu tấn. Con số này khá khiêm tốn so với các quốc gia dẫn đầu như Trung Quốc, Australia, Brazil, Ấn Độ,...

Trung Quốc là nước chiếm sản lượng nhôm lớn nhất toàn cầu với 54%, tiếp theo là Nga, Canada, Ấn Độ.

Những nhà sản xuất alumin hiện thiếu nguồn cung bôxít - đang phụ thuộc rất nhiều vào nguồn cung bô xít được vận chuyển bằng đường biển từ bên thứ ba.

“Tiềm năng quặng bôxít rất lớn và có chất lượng tốt của vùng Tây Nguyên là lợi thế rất lớn của Việt Nam trong việc tiếp tục phát triển mạnh công nghiêp khai thác, chế biến bôxít phục vụ nhu cầu trong nước và xuất khẩu”, Bộ Công Thương nhận xét. Thời gian qua nhiều nhà sản xuất nhôm lớn trên thế giới quan tâm và rất muốn tham gia vào lĩnh vực này như Alcoa, Chalco, Rio Tinto,...

Nút thắt giá điện cho công nghiệp luyện nhôm

Chế biến nhôm rất tốn điện. Trong bối cảnh Việt Nam đang thiếu điện, việc chế biến nhôm từ quặng bô xít là điều cần xem xét kỹ.

Chia sẻ với PV. VietNamNet, một chuyên gia khoáng sản có nhiều năm làm ở dự án bôxít Tây Nguyên cho hay: Sau khi khai thác boxit, trải qua nhiều quy trình phức tạp mới chế biến ra được oxit nhôm (alumin - nguyên liệu chính để luyện nhôm trong các lò điện phân), từ oxit nhôm ra được nhôm kim loại còn phải ra một quá trình điện phân. Điện phân ra được 1 tấn nhôm mất khoảng 12.000 kWh điện.

Cho nên, nhà máy điện phân nhôm của Công ty TNHH Luyện kim Trần Hồng Quân hiện Nhà nước phải có chính sách ưu đãi là giá điện.

Cụ thể, theo Bộ Công Thương, Dự án được áp dụng giá điện là 1.052 đồng/kWh (chưa bao gồm thuế giá trị gia tăng) trong 10 năm đầu kể từ thời điểm Nhà máy điện phân nhôm đưa vào hoạt động. giá bán điện được điều chỉnh theo biến động của tỷ giá đồng/USD. Sau giai đoạn trên, giá điện sẽ áp dụng theo nguyên tắc giá thị trường có tính đến đặc thù của công nghiệp điện phân nhôm, đảm bảo dự án thu hồi được chi phí và có mức lợi nhuận hợp lý.

Vị chuyên gia này chia sẻ: Giá điện chỉ có giá hơn 1.000 đồng/số (5 cent, trong 10 năm đầu, kể từ thời điểm nhà máy điện phân nhôm đưa vào hoạt động) họ mới làm được, giá điện đến hơn 1.800 đồng/số như bây giờ là lỗ ngay không làm được.

“Đất nước thiếu điện mà làm nhôm, luyện nhôm ra kim loại là cả vấn đề”, vị này chia sẻ. Những nước làm nhôm, sản xuất nhôm lớn đều là những nước có sử dụng năng lượng nguyên tử hoặc đất nước đó giá dầu, giá khí rất rẻ, cho nên điện cũng rẻ.

Bộ Công Thương kiến nghị chỉ xem xét định hướng phát triển đối với vùng bôxít tại Tây Nguyên. Các vùng khác như Lạng Sơn, Cao Bằng, Hà Giang có trữ lượng bô xít hạn chế, phân bổ phân tán; quặng thuộc loại diaspor khó chế biến, chi phí cao và gây ô nhiễm môi trường. Cho nên chỉ  nên khai thác chế biến với quy mô nhỏ, sản phẩm là tinh quặng bô xít hoặc các sản phẩm chế biến khác phục vụ trong nước hoặc xuất khẩu.

Lương Bằng