- Những mâu thuẫn đang xảy ra ở các trạm thu phí BOT trong quan hệ với người tham gia giao thông đã ở mức độ đáng báo động và câu chuyện thu phí thực sự là bài toán nan giải.
Có lẽ nên khái lược lại hình thức giao thông BOT một chút để mọi người có một cái nhìn chia sẻ. BOT là sự huy động tiềm lực của nhiều thành phần xã hội đầu tư vào giao thông. Chính phủ kêu gọi các công ty đầu tư làm đường giao thông và được hạn định thời gian khai thác vận hành thu phí hoàn vốn cộng sinh lời sau đó chuyển giao lại cho Nhà nước. Rất đúng đắn và hài hòa lợi ích. Đã có nhiều công trình giao thông được làm theo hình thức này và tất nhiên sự thu phí là điều hợp lẽ.
Không ít trường hợp người tham gia giao thông không sử dụng mét đường BOT nào vẫn phải đóng phí khiến người dân bức xúc. |
Thế nhưng đã có không ít rắc rối ở chuyện thu phí này. Mới nhất tại trạm thu phí cầu Bến Thủy 1 là cây cầu trên quốc lộ 1A nối Nghệ An- Hà Tĩnh đã xảy ra những rắc rối nghiêm trọng. Người dân địa phương của hai tỉnh đã phản ứng cách áp dụng thu phí BOT. Nguyên do là cách đấy gần cây số có một cây cầu khác, Bến Thủy 2 song song với cầu Bến Thủy 1 nối đoạn đường tránh qua thành phố Vinh (dài 25km) do công ty Cienco 4 làm chủ đầu tư. Công ty này còn là chủ đầu tư dự án mở rộng quốc lộ 1A đoạn nam Bến Thủy tránh thành phố Hà Tĩnh (dài 35km). Chủ đầu tư Cienco 4 đã mở hai trạm thu phí BOT ở hai cây cầu Bến Thủy 1 và 2 trên đất Nghệ An. Điều này gây ra sự bức xúc cho người dân địa phương khi họ đi trên quốc lộ 1A lại phải nộp phí trong khi không đi một mét đường BOT nào. Sự việc diễn ra dài ngày và đỉnh điểm là nhiều phương tiện của người dân khi đi qua cầu đã dùng tiền lẻ để nộp phí dẫn đến giao thông bị tắc nghẽn nghiêm trọng.
Trước tình hình đó ngày 11/4 Bộ GTVT đã cùng với chính quyền địa phương họp bàn biện pháp tháo gỡ. Kết quả là chủ đầu tư Cienco 4 buộc phải miễn phí toàn bộ cho các phương tiện trong phạm vi lân cận của 2 tỉnh Nghệ An và Hà Tĩnh là những phương tiện lưu thông trên quốc lộ 1A.
Kết quả này hoàn toàn không bất ngờ bởi chủ đầu tư có lẽ chẳng thể có biện pháp nào khả dĩ hơn. Điều mà người dân bức xúc ngoài chuyện thu phí vô lý còn là những thắc mắc khi chính một lãnh đạo tỉnh Nghệ An có vợ là cán bộ chủ chốt của công ty Cienco 4. Nếu không ở vị thế này liệu Cienco 4 có đủ “lực” để dựng cánh cổng BOT chặn quốc lộ 1A của người dân trong khu vực để thu phí không, dù rằng với những phương tiện đi ở đoạn nam Bến Thủy tránh thành phố Hà Tĩnh phải nộp phí là đương nhiên. Tại sao không di dời trạm thu phí Bến Thủy 1 về đầu đường tránh đó. Câu trả lời quá rõ ràng với chủ đầu tư Cienco 4, họ sẽ không lợi nhuận bằng thu phí ở đầu cầu Bến Thủy 1.
Trước Bến Thủy 1 đã có không ít những vụ việc người dân phong tỏa quốc lộ vì phản đối thu phí. Chiều 5/8/2016 trạm thu phí BOT Thiên Tân đoạn qua xã Nghĩa Phương, huyện Tư Nghĩa, Quảng Ngãi bị người dân chặn phương tiện trong hơn hai giờ đồng hồ khiến con đường huyết mạch quốc lộ 1A bị tê liệt ùn ứ hàng chục cây số. Trùng thời điểm đó ngày 7/8/2016, người dân khu vực thị trấn Lương Sơn, Hòa Bình phong tỏa trạm thu phí Xuân Mai khiến quốc lộ 6 đi Tây Bắc kẹt cứng phương tiện, giao thông bị tê liệt trong nhiều giờ. Đáng lưu ý kể từ khi trạm thu phí Xuân Mai của công ty TNHH BOT Quốc lộ 6- Hòa Lạc- Hòa Bình đi vào vận hành (20/10/2015) không chỉ một lần người dân khu vực thị trấn Lương Sơn đã chặn, dừng phương tiện để phản đối gây rất nhiều khó khăn cho đơn vị quản lý và gây ùn tắc thiệt hại nhiều mặt. Tại Phú Thọ tình hình cũng rất phức tạp khi công ty cổ phần BOT cầu Việt Trì lắp đặt ụ bê tông ngăn cản phương tiện đi qua cầu Việt Trì để buộc các phương tiện phải đi qua cây cầu mới Hạc Trì nhằm thu phí. Dù việc lắp đặt ụ này được Bộ GTVT và Bộ Tài chính đồng ý nhưng vẫn vấp phải sự phản ứng quyết liệt của người dân sở tại.
Dẫn các trường hợp trên để thấy những mâu thuẫn đang xảy ra ở các trạm thu phí BOT trong quan hệ với người dân tham gia giao thông đã ở mức độ đáng báo động và câu chuyện thu phí thực sự là bài toán nan giải. Đâu là nguyên nhân?
Trước thời điểm thu phí bảo trì đường bộ (1/1/2013) trên hệ thống quốc lộ toàn quốc có 57 trạm thu phí, trong đó có 23 trạm thu phí Nhà nước quản lý. Khi tiến hành thu phí bảo trì đường bộ, Bộ GTVT đã thực hiện xóa dừng 19 trạm thu phí Nhà nước và thanh lý 1 trạm BOT hết hiệu lực khai thác. Xóa bỏ được 19 trạm thu phí Nhà nước nhưng trạm BOT lại mọc lên như nấm. Đến thời điểm hiện nay con số trạm thu phí trên quốc lộ và cao tốc đã là hàng trăm trạm. Người dân bức xúc và phản ứng trong một số trường hợp là vì họ bị chịu phí vô lý. Không ít đoạn quốc lộ được giao cho doanh nghiệp làm BOT thực chất chỉ là sang sửa, thảm nhựa nhưng lại thu phí cao như làm mới. Không thể không nhắc đến nhà đầu tư BOT đoạn quốc lộ Hà Nội - Bắc Giang, trước đây tham gia giao thông người thu phí chỉ phải đóng 10.000 đồng lượt, khi bắt đầu thu phí đường bộ, trạm thu phí này nhanh chóng bị dẹp. Rồi BOT dựng lên, nhưng giá bây giờ đã là 35.000 đồng/lượt. Vấn đề là trạm này thu theo dạng mở, nên không ít người tham gia lưu thông chỉ một cây số qua trạm vẫn phải đóng đủ phí.
Cần một giải pháp tổng thể hơn cho vấn đề phí BOT chứ không chỉ là việc miễn một phần phí cho một số người dân sở tại. |
Việc thu phí BOT rõ ràng là nan giải. Dư luận đặt câu hỏi liệu có một liên minh quyền lực từ Bộ GTVT băm quốc lộ để thu phí hưởng lợi hay không? Liệu những cá nhân như vị lãnh đạo tỉnh Nghệ An có thao túng để thân hữu của mình dựng ba ri e BOT bất hợp lý để thu về lợi nhuận hay không? Tôi nghĩ trả lời được những câu hỏi này một cách sòng phẳng mình bạch thì bức xúc của người dân trước hiệu quả của các dự án BOT sẽ vơi giảm thậm chí là không còn.
Hà Nội 11/4/2017
- Nhà văn Phạm Ngọc Tiến