Để 1 dự án giao thông BOT ra đời, cần qua “cửa” của ít nhất 3 Bộ. Mỗi Bộ tiến hành 1 khâu khác nhau trong quá trình hình thành dự án BOT đường bộ.
Theo tìm hiểu của PV.VietNamNet, để 1 dự án giao thông BOT như BOT Cai Lậy ra đời, cần qua “cửa” của ít nhất 3 Bộ.
Dự án BOT ra đời cần sự phối hợp của nhiều bộ ngành, không riêng gì Bộ giao thông vận tải. |
Trách nhiệm trước hết trong việc ra đời của một dự án BOT là ở Bộ Giao thông vận tải. Theo đó, căn cứ Luật Giao thông đường bộ, căn cứ các Nghị định của Chính phủ về đầu tư kinh doanh các dự án theo hình thức BOT, PPP… Bộ GTVT lập phương án đầu tư của dự án (trong đó có mức thu phí, thời gian thu phí hoàn vốn, vị trí trạm thu phí…), xin ý kiến các bộ và địa phương liên quan, báo cáo Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.
Sau đó Bộ Giao thông vận tải tổ chức đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư theo quy định.
Nhà đầu tư lập hồ sơ trình Bộ Kế hoạch và Đầu tư thẩm định. Khi đã thẩm định xong, Bộ Kế hoạch và Đầu tư là đơn vị cấp Giấy chứng nhận đầu tư dự án.
Điều này có nghĩa, vai trò của Bộ Kế hoạch và Đầu tư trong việc cho ra đời các dự án BOT đường bộ là không nhỏ. Nhất là khâu thẩm định, quyết định cho thực thi dự án.
Sau đó Bộ Giao thông vận tải ký kết hợp đồng BOT chính thức (trong đó có mức thu phí, thời gian thu phí hoàn vốn, vị trí trạm thu phí…) và nhà đầu tư triển khai xây dựng dự án.
Sau khi hoàn thành dự án, căn cứ mức thu tại Hợp đồng BOT, nhà đầu tư có văn bản đề nghị Bộ Giao thông vận tải xem xét. Bộ Giao thông vận tải có văn bản đề nghị Bộ Tài chính ban hành Thông tư quy định thu phí hoàn vốn cho dự án.
Đây là bước liên quan đến trách nhiệm của Bộ Tài chính trực tiếp đến vấn đề mức thu phí.
Cụ thể, căn cứ đề xuất của Bộ Giao thông vận tải , Bộ Tài chính xây dựng và ban hành Thông tư quy định thu phí hoàn vốn dự án. Quá trình xây dựng thông tư thu phí tuân thủ theo đúng quy định của Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật. Cụ thể xin ý kiến bộ, ngành, UBND cấp tỉnh nơi đặt trạm thu phí, nơi quãng đường đi qua; đăng tải trên trang thông tin điện tử của Bộ Tài chính và Chính phủ để lấy ý kiến của mọi tổ chức, cá nhân).
Sau khi có ý kiến tham gia, Bộ Tài chính phối hợp với Bộ Giao thông vận tải nghiên cứu tiếp thu ý kiến tham gia hoàn thiện và ban hành thôn g tư.
Mức phí Bộ Tài chính ban hành là trên cơ sở mức phí thu hoàn vốn đã được Bộ Giao thông vận tải thống nhất với nhà đầu tư (trong hợp đồng BOT đã ký kết), Bộ Tài chính thẩm định và làm bước cuối cùng là ban hành Thông tư quy định mức thu phí.
Bộ nào giám sát việc thu phí BOT? Theo quy định của Luật phí và lệ phí, kể từ ngày 1/1/2017 phí sử dụng đường bộ hoàn vốn BOT chuyển sang thực hiện theo cơ chế giá. Tại Nghị định 149 ngày 11/11/2016, Chính phủ quy định: Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải quy định giá tối đa dịch vụ sử dụng đường bộ đối với dự án BOT do Bộ quản lý, bao gồm cả trường hợp miễn, giảm giá nếu có. UBND tỉnh quy định giá tối đa dịch vụ sử dụng đường bộ đối với dự án BOT do địa phương quản lý.
Tại các hợp đồng BOT mà Bộ Giao thông vận tải ký kết với nhà đầu tư đều quy định: Trách nhiệm của nhà đầu tư báo cáo doanh thu phí, lưu lượng phương tiện định kỳ; Bộ Giao thông vận tải có trách nhiệm kiểm tra, giám sát việc tổ chức và hoạt động của trạm thu phí theo quy định pháp luật.
Tại các thông tư thu phí các trạm đều quy định: Đơn vị được Bộ Giao thông vận tải giao nhiệm vụ tổ chức thu phí có trách nhiệm báo cáo kết quả thu phí định kỳ tháng, quý, năm theo quy định của Tổng cục Đường bộ Việt Nam và Bộ Giao thông vận tải .
Như vậy việc quản lý, giám sát hoạt động thu phí thuộc trách nhiệm của Bộ Giao thông vận tải .
L.Bằng