Dưới đây là chia sẻ của anh Dương Tuấn Trương ở Hà Đông (Hà Nội) về phi vụ đi buôn lan dịp cận Tết năm ngoái. Thua lỗ nặng, anh tự nhủ từ nay sẽ không bao giờ buôn bán bất cứ mặt hàng gì nữa.
Tôi năm nay 28 tuổi, có công việc văn phòng ổn định với mức lương 12 triệu đồng/tháng. Vợ tôi thu nhập cũng tương đương, song công việc của cô ấy vất vả và bận rộn hơn tôi nhiều. Chúng tôi cưới nhau đã được 3 năm, mua được một căn chung cư nhỏ 65 mét vuông nhưng còn nợ tới hơn 400 triệu đồng.
Hiện vợ chồng tôi chưa có con, cũng không phải thuê nhà nên mỗi tháng chỉ tiêu hết khoảng 8 triệu đồng, còn lại đều tích cóp để trả nợ cho xong.
Tết năm ngoái, tôi thấy mọi người đổ xô đi buôn bán kiếm thêm thu nhập, có người kể kiếm được cả mấy chục triệu, thậm chí được cả trăm triệu đồng tiền lãi nhờ buôn hàng mùa Tết. Thế nên, tôi cũng muốn tìm mặt hàng gì đó tranh thủ bán dịp này hy vọng kiếm được chút ít lo cái Tết sung túc cho gia đình, tránh thâm hụt vào khoản tiền lương, thưởng Tết. Những khoản đó chúng tôi muốn dùng để trả nợ tiền vay mua nhà.
Buôn lan hồ điệp kiếm tiền tiêu Tết, nhưng chỉ sau mấy ngày anh Trương lỗ tới 26 triệu đồng |
Quyết định làm một phi vụ buôn bán dịp Tết, tôi được gợi ý đi buôn hoa lan hồ điệp bán. Loại hoa này khi hoa nở phải 1-1,5 tháng sau mới tàn, nhiều người mua về chưng Tết vì giá cả phù hợp, không quá đắt.
Thấy hay hay, tôi lên mạng tìm hiểu về loại hoa này, cách bày trí vào chậu sao cho đẹp. Tôi cảm nhận không quá khó để làm một chậu lan đẹp. Giá hoa lan rao sỉ cũng hợp lý nên tôi quyết định tranh thủ ngày nghỉ cuối tuần xuống tận vườn khảo sát hoa, giá cả.
Xuống đến vườn, lan hồ điệp có hàng chục loại, đang nở điểm 1-2 bông trên mỗi ngồng. Thấy ưng ý tôi về lập ngay kế hoạch bán lan dịp Tết.
Tôi tính, với giá lấy vào là 135.000 đồng/cây (giá này là giá lấy dưới 1.000 cây, các mối sỉ lấy nhiều sẽ có giá rẻ hơn) thì tôi bán ra khoảng 180.000 đồng/cây, tức lãi khoảng 45.000 đồng/cây. Chi phí làm chậu, tiền ship lan khách cũng chịu, coi như tôi chỉ bán lan. Tất cả số lan khách đặt chỉ giao trong vòng 3-4 ngày, trong đó có 2 ngày cuối tuần tôi được nghỉ, còn 2 ngày kia tôi xin cắt phép ở công ty.
Quyết đi buôn lan, tôi rao bán online để nhận đơn sau đó mới chốt số lượng lấy với nhà vườn. Kết quả, sau chưa đầy 5 ngày đơn hàng đã lên tới hơn 500 cây nên tôi quyết định dừng nhận vì sợ nhiều kham không nổi. Chốt đơn hàng, tôi nhẩm tính xong phi vụ này sẽ lãi khoảng 20 triệu đồng.
Chốt xong đơn khách, tôi cũng chốt số lượng lan cần lấy với nhà vườn, chuyển khoản đặt cọc một nửa tiền (khi nào lấy lan sẽ thanh toán nốt nửa tiền còn lại).
Theo đúng kế hoạch, trước Tết Nguyên đán năm ngoái nửa tháng, nhà vườn giao hoa lan đến tận nhà, tiền cước vận chuyển 700.000 đồng tôi phải thanh toán. Thế nhưng, trong quá trình làm hoa cho khách phát sinh đủ rắc rối.
Tôi phải thuê một người thợ chuyên xếp lan vào chậu sao cho đẹp với giá 400.000 đồng/ngày, còn tôi chỉ ngồi phụ, lên đơn, hẹn khách giờ nhận hàng, thuê shipper. Chưa kể, quá trình làm còn phải mua thêm thép tạo hình cho cành lan, mua kẹp nhựa, băng dính, kéo, ghim, bao giấy để bảo vệ hoa lúc đi đường,... tính ra cũng mất khoảng 5 triệu tổng tiền phát sinh tổng thể.
Thảm hoạ nhất là trong quá trình làm, tôi phải loại khá nhiều cành lan xấu, hoa không đều ngồng, không đều nụ (nhà vườn bán xô chứ không cho chọn). Mà cái này đúng là tôi chưa tính đến nên chỉ đặt dư so với số lượng khách đặt hàng vài cây. Rồi lúc làm lỡ tay ngồng hoa bị gãy, nụ hoa bị rụng.
Đến khi cho shipper giao hàng, mỗi lần shipper đi chỉ được 1-2 đơn. Cả ngày giao được 3-5 đơn hàng vì xếp nhiều sợ gãy.
Tôi bị vỡ kế hoạch, lan gãy hỏng mất khá nhiều. Đến ngày thứ 3 mà đơn hàng mới giao được 1/3, hoa thì không còn nhiều. Trong khi, cuối năm ở công ty việc nhiều, sếp giục đi làm, không thể xin nghỉ thêm để giao hết hoa cho khách.
Tôi ngồi giữa đống hoa lan mà khóc dở mếu dở. Cuối cùng, để không ảnh hưởng đến công việc ở cơ quan, tôi đành quyết định đem hết số lan còn lại bán thanh lý. Những khách chưa giao được lan thì ngồi gọi điện xin lỗi và mong họ thông cảm.
Thanh lý được hết chỗ lan, tôi nhẹ cả người. Song, ngồi tính toán lại thì tôi bị thâm hụt vốn khá nặng.
Cụ thể, tiền vốn lan tôi chi hết khoảng 67 triệu đồng, tiền phụ kiện phát sinh hết khoảng 5 triệu đồng, tiền mua chậu hoa hết khoảng 6,5 triệu đồng. Tính tổng cộng hết khoảng 78,5 triệu đồng.
Trong khi đó, số tiền hoa lan bán cho khách mới được 27 triệu đồng. Số lan hỏng mất gần 30 cành (tức mất trắng hơn 4 triệu đồng nếu tính giá gốc nhập vào), số còn lại đem đi thanh lý chỉ được 75.000 đồng/cành (thanh lý cho một hàng bán lẻ khác) tôi thu về được được 24 triệu đồng, tiền chậu hoa đem bán thanh lý được 1 triệu đồng nữa. Tổng thu về khoảng 52 triệu đồng.
Tính ra, 4 ngày ngồi làm lan bán Tết, tôi lỗ mất hơn 26 triệu đồng. Thế là, thay vì đi buôn với mục đích kiếm tiền tiêu Tết, năm ngoái tôi bị thua lỗ, coi như mất trắng khoản tiền thưởng Tết của cả hai vợ chồng.
Tết năm nay, có người rủ tôi buôn bán gì đơn giản hơn song tôi kiên quyết lắc đầu vì sợ lại thua lỗ như Tết năm ngoái.
Thế mới biết, buôn bán kiếm được đồng tiền cũng vất vả, nhiều rủi ro và quan trọng là không phải ai cũng làm được. Như tôi đây, do không tính toán kỹ nên chỉ mấy ngày mà lỗ mất 26 triệu đồng.
Dương Tuấn Trương
Thị trường Tết Kỷ Hợi 2019
Thị trường Tết Nguyên đán Kỷ Hợi đang ngày càng nhộn nhịp. Trong đó, các loại đặc sản có giá tiền triệu hay như hoa cảnh Tết có giá hàng trăm triệu, thậm chí hàng tỷ đồng được nhiều người săn mua.