Cuộc chiến
Dù ra sức tìm cách lật ngược công trình tiên phong của Martland, nhưng các ông chủ ngành công nghiệp radium không thể ngăn cản sự dũng cảm và ngoan cường của các cô gái.
Những cô gái đó bắt đầu gắn kết với nhau để chống lại bất công. Và có một động lực cho cuộc chiến của họ - sau tất cả, những người sơn mặt đồng hồ vẫn tiếp tục được tuyển dụng trên khắp đất Mỹ.
Một nữ công nhân bị bệnh do phơi nhiễm radium. Ảnh chụp vào ngày 11/2/1938 - allthatsinteresting.com |
"Tôi không quan tâm đến bản thân mình" – Grace Fryer nói. "Tôi nghĩ nhiều hơn đến hàng trăm cô gái mà có thể lấy làm điển hình".
Chính Grace đã đi đầu cuộc chiến đấu, vẫn quyết tâm tìm một luật sư, dù bị quá nhiều luật sư từ chối bởi họ hoặc không tin vào lời của các cô gái, e sợ các tập đoàn radium đầy quyền lực hoặc chưa sẵn sàng cho một cuộc chiến pháp lý mà đòi hỏi phải lật ngược luật pháp hiện hành.
Vào thời điểm đó, nhiễm độc radium không phải là căn bệnh được bồi thường – nó thậm chí còn chưa được phát hiện cho đến khi các nữ lao động đổ bệnh – và các cô gái cũng bị cản trở bởi quy định những ca nhiễm độc phải đâm đơn kiện trong vòng 2 năm.
Nhiễm độc radium diễn ra âm thầm, vì vậy hầu hết các cô gái không đổ bệnh trong 5 năm đầu làm việc; họ bị kẹt trong một vòng tròn pháp lý luẩn quẩn dường như không thể kết thúc. Nhưng Grace là con gái của một đại diện nghiệp đoàn, và cô quyết tâm bắt một công ty phạm tội phải chịu trách nhiệm.
Cuối cùng, vào năm 1927, một luật sư trẻ thông minh tên Raymond Berry đã nhận vụ kiện, và Grace (cùng với bốn đồng nghiệp) thấy mình là trung tâm của một bộ phim trong phòng xử nổi tiếng toàn cầu. Tuy nhiên, đến khi đó, thời gian sắp hết: Các cô gái chỉ còn sống được 4 tháng và công ty dường như cố tình kéo dài các thủ tục tố tụng.
Kết quả là Grace và bạn bè của cô bị buộc phải dàn xếp ngoài tòa án – nhưng họ đã phơi ra hồ sơ ngộ độc radium như Grace dự tính. Vụ án của các cô gái radium lập tức xuất hiện trên trang nhất các tờ báo, và nó tạo ra những cơn chấn động rung chuyển khắp nước Mỹ.
Ở Ottawa, Illinois, một nhân công sơn mặt đồng hồ đã đọc tin với nỗi hoảng sợ tột độ. "Có những cuộc họp ở nhà máy của chúng tôi lên đến mức nổi loạn. Sự sợ hãi ớn lạnh đến mức chúng tôi không dám làm việc nữa" – cô gái này kể lại.
Tuy nhiên, hãng Radium Dial ở Illinois phủ nhận trách nhiệm. Mặc dù các xét nghiệm y tế chứng minh các cô gái ở Illinois có những triệu chứng ngộ độc radium, nhưng Radium Dial đã nói dối về kết quả này. Công ty thậm chí còn mua một quảng cáo toàn trang ở tờ báo địa phương: "Nếu chúng tôi có lý do để tin rằng bất kỳ điều kiện làm việc nào gây nguy hiểm cho sức khỏe cho nhân viên của mình, chúng tôi sẽ lập tức dừng hoạt động".
Hành động của hãng nhằm che giấu bê bối đã đi xa tới mức họ can thiệp vào các cuộc xét nghiệm tử thi khi nhân viên bắt đầu chết: Các quan chức của công ty lấy trộm xương nhiễm radium của nạn nhân để che giấu sự thật.
Làm nên lịch sử
Nếu cô gái nào chưa bị giết bởi những gì từng xảy ra với Mollie Maggia thì cuối cùng họ vẫn bị chứng sarcomas - khối u xương ung thư khổng lồ có thể phát triển ở bất cứ đâu trên cơ thể. Một nhân viên sơn mặt đồng hồ tên là Irene La Porte chết vì một khối u như vậy có kích cỡ to hơn hai quả bóng đá.
Năm 1938, Catherine Wolfe bị một khối u có kích thước bằng quả bưởi ở hông. Giống như Mollie Maggia, cô bị mất răng và phải nhặt những mảnh xương hàm ra khỏi miệng. Cô thường xuyên phải cầm một chiếc khăn tay để thấm mủ trên quai hàm. Và do chứng kiến các bạn mình lần lượt ra đi trước, tinh thần của người phụ nữ này đã đanh lại.
Khi Catherine bắt đầu đấu tranh đòi công lý, đó là giữa thập niên 1930, nước Mỹ đang trong cơn Đại Suy thoái. Catherine và các bạn bị cộng đồng xa lánh vì đã kiện một trong số ít các công ty còn trụ được.
Khi vụ án của cô được đưa ra tòa năm 1938, dù sắp chết, Catherine quyết phớt lờ lời khuyên của bác sĩ, vẫn cung cấp bằng chứng từ giường bệnh. Nhờ sự giúp đỡ của luật sư Leonard Grossman, cuối cùng Catherine đã thắng kiện, không chỉ cho bản thân mà cho tất cả các lao động ở khắp nơi.
Catherine Wolfe bên giường bệnh. (Ảnh: Chicago Daily Times / Sun-Times Media) |
Di sản
Vụ án của các cô gái radium là một trong những trường hợp đầu tiên mà chủ lao động bị buộc phải chịu trách nhiệm cho sức khỏe của nhân viên công ty. Nó dẫn đến các quy định cứu mạng, và cuối cùng là sự ra đời của Cục Quản lý An toàn và Sức khỏe Nghề nghiệp (OSHA), cơ quan hiện hoạt động trên toàn nước Mỹ để bảo vệ người lao động.
Trước khi OSHA được thành lập, có tới 14.000 người đã chết khi đang làm việc hàng năm. Những người phụ nữ cũng để lại một di sản cho khoa học, được mô tả là "vô giá". Nhưng mọi người sẽ không đọc thấy tên của họ trong các cuốn sách lịch sử, vì ngày nay, các cô gái radium đó gần như đã bị lãng quên.
Thanh Hảo