Trưa ngày 11/8, gia đình ông Hàng Hữu Nghĩa, 66 tuổi, và bà Phùng Tú Lan, 65 tuổi, ở phường 10, quận 6, TPHCM có bữa cơm trưa hiếm hoi cùng nhau. Ngày thường, ông Nghĩa làm shipper giao đồ ăn, đi làm từ sáng sớm đến 20-21h đêm mới về tới nhà.
"Sắp đến ngày Vu Lan, vợ chồng tôi muốn dành một buổi, chở 3 đứa cháu ngoại vào chùa, nơi đang đặt hũ tro của mẹ chúng nó, để sắp nhỏ thắp cho mẹ nén nhang", bà Lan ngậm ngùi nói.
Con gái của vợ chồng ông Nghĩa tên Ngọc Bích, làm giáo viên dạy tiếng Anh tự do. Cô có ba con, cả ba đều mang họ mẹ. Đứa lớn 10 tuổi, sắp lên lớp 5, hai đứa nhỏ đang tuổi đi mẫu giáo nhưng vì không có tiền nên giờ vẫn chưa được đến trường. Nhiều năm nay, vợ chồng ông Nghĩa không biết cha những đứa cháu ngoại của mình là ai, đang ở đâu.
Tháng 7 năm ngoái, Bích qua đời vì Covid -19 trong bệnh viện, trong lúc đang điều trị bệnh lao, khi mới 28 tuổi.
Sau khi con gái qua đời, ba cháu ngoại do một tay vợ chồng ông Nghĩa chăm sóc.
Trước đây, ông bà bán đồ ăn vỉa hè mưu sinh. Sau dịch Covid -19, ông Nghĩa chuyển sang làm nghề shipper, mỗi ngày kiếm được hơn 100.000 nghìn đồng, còn bà Lan ở nhà chăm các cháu. Gánh nặng kinh tế đè lên vai đôi vợ chồng già yếu. Ông Nghĩa gần đây thường hay chóng mặt khi lái xe giữa trời nắng, có hôm phải tấp vào vỉa hè nghỉ, nhờ người lạ đưa mình về nhà.
Căn trọ chừng 30m2 ông bà đang thuê giá 2 triệu đồng/tháng có sẵn tủ lạnh, máy giặt của chủ nhà cho mượn. Hiện tại, gia đình 5 người vẫn còn nợ chủ nhà 2 tháng tiền trọ chưa trả.
Sau bữa cơm, bà Lan tắm cho các cháu, chọn những bộ đồ tươm tất nhất mặc cho bọn nhỏ để đi chùa viếng mẹ.
"Phải chi tôi được chết thay con gái. Con còn sức khỏe để làm việc kiếm tiền nuôi các cháu, còn thời gian dài có thể ở bên bọn nhỏ chứ bây giờ tôi muốn làm gì cũng không được, muốn chăm lo cho cháu đến tuổi trưởng thành cũng khó", bà Lan lén lau nước mắt.
Trước khi ra chùa, thằng cu út Q.H, 4 tuổi, bị té từ trên ghế xuống, trán sưng to cứ than đau và chỉ nằm một chỗ. Sợ cháu mệt, bà Lan định hủy kế hoạch, ở nhà theo dõi cháu nhưng thằng bé một mực lắc đầu bảo: "Con muốn đi thăm mẹ".
Gần 13h, ông Nghĩa chở vợ và các cháu trên chiếc xe máy, cả nhà cùng đi chùa.
"Vợ chồng tôi cũng thường chở nhau đi như thế đến trung tâm thương mại, công viên, mua cho mỗi đứa một cây kem ăn rồi đi về", bà Lan tần ngần kể.
Trên đường đi, cả nhà ghé vào một cửa hàng hoa trên đường Hậu Giang, quận 6 mua hoa. Bà Lan mua một bó bông cúc trắng cúng Phật, còn cô cháu gái lớn Ngọc Thảo chọn thêm một bó hồng trắng.
"Em không biết ngày Vu Lan có ý nghĩa gì, chỉ nghe bà ngoại nói hôm nay em phải nhớ đến mẹ nhiều hơn. Ngoại bảo người còn mẹ được mang hồng đỏ, mất mẹ như chị em em thì mang hồng trắng để tưởng nhớ mẹ", cô bé sắp lên lớp 5 nói, cười ngây ngô.
Hũ tro của con gái bà Lan đang nằm ở một ngôi chùa trên đường Hậu Giang, quận 6. Ba đứa trẻ phụ ông bà ngoại sắp táo lên dĩa và đặt hoa hồng bên cạnh mẹ mình.
Ông Nghĩa lẳng lặng đi hỏi mượn một cái bình để cắm hoa cạnh hũ tro của con gái. Người cha trầm tính, ít nói chia sẻ: "May mắn tôi còn có các cháu, nhìn chúng tôi cũng vơi nỗi nhớ con".
Bà Lan đốt nhang đưa cho ba cháu ngoại. Trái với cảnh hồn nhiên vui cười, đùa giỡn với nhau như lúc ở nhà, khi ngồi trước hũ tro cốt của mẹ, ba đứa trẻ con mặt buồn thiu, chắp tay giữ cây nhang rồi nhắm mắt thì thầm những lời nói không thành tiếng một hồi lâu.
Bà Lan cho biết, trước đây, vì lo làm ăn nên ít bận tâm đến ngày lễ Vu Lan. Nhưng năm nay, sau biến cố mất con gái, biết đây là dịp để hướng các cháu nhớ về công lao dưỡng dục của cha mẹ nên năm nay bà dẫn tụi nhỏ vào chùa để thăm, tưởng nhớ đến mẹ.
"Các cháu còn nhỏ, không biết sau này lớn lên còn nhớ được nhiều kỷ niệm về mẹ chúng hay không?", bà nói, rồi bật khóc.
Giữa lúc đó, ông Nghĩa lại gần hũ tro của cô con gái, đôi bàn tay đen sạm, hằn dấu vết tuổi tác, thời gian vỗ về bình cốt. Ông kể, cứ mỗi lần chạy xe ngang qua chùa, ông vẫn thường hay lẩm bẩm một mình: "Bích ơi, ba đây nè, ra đây ba chở về thăm con mày, chở mày đi chơi!".
Vợ chồng ông Nghĩa, bà Lan cho biết, hơn một năm nay ông bà không có nổi một đêm tròn giấc. Đặt lưng xuống sàn nhà là nước mắt đôi vợ chồng già lại trào ra khó cưỡng, vì nhớ cô con gái duy nhất, vì thương 3 đứa trẻ thiệt thòi không cha còn mất luôn cả mẹ. Điều lo lắng thẳm sâu trong lòng ông bà là sợ không đủ sức lực, tiền bạc, không còn đủ thời gian để nuôi các cháu ăn học, trưởng thành.
"Không có cha mẹ bên cạnh, đôi lúc vợ chồng tôi nói bọn nhỏ cũng khó, không biết nghe", bà Lan thở dài, nặng trĩu.
Theo Dân trí