Nữ hoàng vũ trường
Gái làng chơi Sài Gòn xưa những năm 50-60 của thế kỷ 20 xuất hiện bóng hồng Cẩm Nhung làm khuynh đảo các tay chơi giàu có. Tài liệu xưa ghi lại, Cẩm Nhung sinh năm 1940 là người miền Bắc.
15 tuổi, Cẩm Nhung đã được nhận định có nhan sắc hơn người. Sở hữu làn da trắng hồng cùng nụ cười duyên dáng, thân hình gợi cảm, Cẩm Nhung được người xung quanh đặt cho biệt danh “bông hồng đất Bắc”.
Sau đó, Cẩm Nhung cùng gia đình Nam tiến và dừng chân tại Sài Gòn. Tại đây, cha bà không may lâm bệnh, qua đời. Ít lâu sau, mẹ bà đi bước nữa với người đàn ông khác. Để mưu sinh, Cẩm Nhung bỏ học để tìm việc làm. Bà nhanh chóng được nhận vào làm tiếp viên tại một nhà hàng có tiếng.
Công việc giúp Cẩm Nhung được tiếp xúc với các bản nhạc, những điệu nhảy cuốn hút cùng ánh đèn chớp nháy xanh đỏ mỗi đêm. Nhiều tài liệu cho rằng, Cẩm Nhung sớm nhận biết trở thành vũ nữ sẽ đem lại cho mình tiền tài, danh vọng.
Thế nên, bà lén đi học khiêu vũ với vũ sư Nguyễn Tình, Nguyễn Thống, người đứng sau, đào tạo hàng chục vũ nữ cho các vũ trường Sài Gòn thời đó. Có năng khiếu, chịu học, chỉ một thời gian ngắn, Cẩm Nhung đã khiến thầy của mình nhận định: “Rồi đây sẽ có khối đàn ông ngã rạp dưới chân”.
19 tuổi, Cẩm Nhung đạt đến độ chín về nhan sắc lẫn kỹ năng khiêu vũ.
Lúc này, cô gái trẻ sở hữu gương mặt cực đẹp, làn da trắng hồng cùng thân hình quyến rũ với ngực nở, mông cong, eo con kiến. Thêm đôi chân dài miên man, đôi mắt ươn ướt lẳng lơ, mỗi khi lên sân khấu thực hiện những vũ điệu cuồng say, Cẩm Nhung khiến người xem ngây dại, đắm đuối.
Thời điểm ấy, để cạnh tranh, các vũ trường phải có vũ nữ vừa đẹp vừa nhảy giỏi. Gần như chỉ có Cẩm Nhung thỏa mãn 2 điều kiện trên. Do đó, bà rất được săn đón, cung phụng.
Sau thời gian tích lũy kinh nghiệm, năm 23 tuổi, Cẩm Nhung xô ngã danh tiếng của mọi gái nhảy cùng thời. Cẩm Nhung độc chiếm vị trí số một vũ nữ Sài Gòn và được mệnh danh “nữ hoàng vũ trường”.
Trong thời kỳ đỉnh cao nhan sắc, Cẩm Nhung khiến không biết bao nhiêu đại gia đất Sài Gòn xưa mê đắm, tung tiền săn đuổi, lấy lòng. Thậm chí sắc đẹp của vũ nữ này cũng khiến dân trí thức như nhà văn, nhà thơ mê đắm tìm đến chiều chuộng, cung phụng.
Điển hình cho nhận định này là đoạn hồi ký của nhà thơ Nguyên Sa. Trong hồi ký Đời của mình, ông thuật lại việc ngày ấy ông và nhà văn Mai Thảo thường đến nhà chở Cẩm Nhung đi vũ trường Arc en Ciel ăn kem và hóng mát ở bến Bạch Đằng.
Được săn đón từ mọi đối tượng khách làng chơi, vũ nữ Cẩm Nhung có mức cát-sê cao ngất hàng đêm. Nhiều tài liệu cho rằng, để có một đêm vui trọn vẹn với mỹ nữ này, khách phải tiêu tốn không dưới 1.000 USD.
Thời điểm ấy, bất cứ người đàn ông nào dìu được Cẩm Nhung ra sàn nhảy, mời được cô đi chơi cùng nghĩa là có đẳng cấp, hơn người. Thế nên, thời hoàng kim của mình, Cẩm Nhung luôn có vô số đàn ông sẵn sàng trải thảm tiền dưới chân.
Với mức thu nhập khủng, nữ hoàng vũ trường Sài Gòn sớm tạo được cơ ngơi đáng nể. Bà mua nhà ở trung tâm Sài Gòn cho mẹ và bà vú sinh sống. Còn mình chọn sống trong khách sạn cao cấp để dễ di chuyển, làm việc.
Mỗi đêm, khoảng 22h, người ta thấy Cẩm Nhung có xe ô tô hạng sang đến đón đi nhảy tại các vũ trường nổi tiếng. Sau một thời gian làm việc cho một số vũ trường, Cẩm Nhung đầu quân cho vũ trường Kim Sơn.
Tan nát vì một cuộc tình
Thời điểm ấy, Kim Sơn vốn đã thu hút nhiều dân chơi bởi sở hữu vũ nữ trẻ, đẹp. Sau khi có thêm Cẩm Nhung, nơi đây càng thêm nổi tiếng, quy tụ khách làng chơi thuộc tầng lớp giàu có, quyền chức.
Một trong những khách hàng đặc biệt, cao cấp của vũ trường này là Trần Ngọc Thức (còn được biết đến với biệt danh Thức công binh). Dù mới ngoài 30 tuổi nhưng Thức công binh đã có gia đình và nổi tiếng giàu có, biết đủ món ăn chơi. Đặc biệt, người này rất thích nhảy đầm nên thường đến vũ trường Kim Sơn giải trí.
Trong một lần như vậy, ông bắt gặp và lập tức mê đắm nhan sắc cũng như những điệu nhảy gợi cảm đầy mê hoặc của Cẩm Nhung. Ông dễ dàng tiếp cận, chiếm được cảm tình người đẹp. Sau nhiều đêm cùng nhau nhảy đầm, đi chơi, hẹn hò, Thức công binh đã chiếm trọn trái tim nữ hoàng vũ trường.
Dù biết ông Thức đã có vợ, Cẩm Nhung vẫn chấp nhận làm kẻ thứ ba. Từ đó, mỗi đêm, dân chơi Sài Gòn luôn thấy nữ hoàng vũ trường cùng nhảy, cùng đi chơi, tay trong tay với ông Thức.
Mối tình vụng trộm của cặp đôi đến tai bà vợ của ông Thức. Bà này tên là Lâm Thị Nguyệt (biệt danh Năm Ra đô). Sau nhiều lần khuyên nhủ chồng bất thành, bà tìm đến vũ trường cảnh cáo Cẩm Nhung tránh xa chồng mình. Tuy vậy, Cẩm Nhung bỏ ngoài tai những lời cảnh cáo thậm chí đe dọa từ vợ nhân tình.
Sau này, bà tiết lộ với một số tờ báo cùng thời rằng, khi làm người tình của ông Thức, bà từng nghĩ mình có thể trở thành vợ bé của ông ta. Tuy nhiên, suy nghĩ và sự tự tin ấy đã đem đến cho bà kết cục bi thương.
Không thể giành lại chồng bằng những lời đe dọa, bà Nguyệt quyết định hủy hoại nhan sắc nữ hoàng vũ trường.
Bỏ ra 2 lượng vàng, bà Nguyệt thuê 2 tay giang hồ đón đường, tạt ca axít đậm đặc vào mặt cô vũ nữ xinh đẹp, tạo nên vụ đánh ghen chấn động Sài Gòn một thời. Vụ việc không chỉ hủy hoại toàn bộ nhan sắc mỹ miều của mỹ nữ Cẩm Nhung, mà còn khiến bà mù lòa suốt đời.
Vụ đánh ghen rùng rợn khiến cuộc đời vũ nữ xinh đẹp bậc nhất Sài Gòn trượt dốc không phanh. Bà đau khổ, oán hận cuộc đời, đập phá, hút thuốc rồi ngập chìm trong rượu chè để quên đời. Tài sản cũng theo đó dần tan biến.
Sau những nữ trang, xe hơi đời mới, bà bán nốt căn nhà từng mua cho mẹ trước kia để lấy tiền tiêu xài. Đến cuối cùng, số tiền hơn 200 lượng vàng từ việc bán nhà cũng bị tiêu sạch.
Sau khi người thân cuối cùng là bà vú qua đời, Cẩm Nhung không còn ai nương tựa. Không còn nhan sắc, không thể lên sàn nhảy và cũng chẳng còn tình nhân bao nuôi, nữ hoàng vũ trường một thời đành cay đắng ra đường ăn xin để có tiền ăn qua bữa.
Cuối thập niên 1960, người dân Sài Gòn vẫn thấy vũ nữ Cẩm Nhung trong bộ dạng xấu xí, tiều tụy, trên ngực đeo bức ảnh chụp chung với Trần Ngọc Thức lê lết ăn xin trước chợ Bến Thành. Sau này, khi người dân ở chợ đã quen với hình ảnh của bà và không còn cho tiền nữa, bà đành đến chợ Bình Tây, chợ Bà Chiểu, cuối cùng là ngã tư Trần Quốc Thảo – Lý Chính Thắng đứng xin.
Trong hồi ký Đời của mình, nhà thơ Nguyên Sa kể lại lần gặp gỡ vũ nữ Cẩm Nhung khi bà lê lết ăn xin trên đường Pasteur. Lúc ấy, ông không còn nhận ra cô gái vẫn thường “thay quần áo sau tấm bình phong” mỗi lần nhà văn Mai Thảo và ông đến đón bà đi làm, đi ăn hay ra Pointe des Blageurs hóng mát nữa.
Thay vào đó, ông chỉ thấy người phụ nữ “mặt loang lổ những vết cháy”.
Nhiều tài liệu cũ viết rằng, vì đeo tấm ảnh chụp chung với ông Thức đi ăn xin nên bà nhiều lần bị người lạ đánh đập. Những người này yêu cầu bà không đeo ảnh nữa thì sẽ cho một số tiền. Tuy nhiên, bà không đồng ý, tiếp tục phóng ảnh ấy lớn hơn rồi treo trước ngực. Sự việc khiến bà bị những người này lao đến giật ảnh.
Mỗi lần như vậy, bà cố giằng lại nên xảy ra xô xát và bị đánh. Việc này tiếp tục tái diễn khi bà rời bỏ Sài Gòn để ăn xin ở phà Mỹ Thuận. Sau cùng, bà bị giật mất tấm ảnh. Các ảnh cũ bà chụp chung với nhân tình Thức công binh cũng bị người lạ lục tung, lấy đi hết.
Từ đó, không ai thấy bà đeo ảnh trên ngực đi ăn xin nữa. Cuộc đời vũ nữ nổi tiếng bậc nhất Sài Gòn một thời như cánh bèo nổi, trôi theo dòng nước. Bà lang bạt qua nhiều nơi rồi qua đời tại một xóm trọ nghèo ở Kiên Giang.