Họa trên trời rơi xuống
Chị L.T.T.B vốn là một lãnh đạo, một nhà văn của một tờ báo có tiếng của ngành Công an bỗng một ngày cũng dở khóc dở cười vì bị bêu ảnh trên zalo để đòi nợ, dù chị không biết người vay, kẻ đòi nợ là ai. Đối tượng đòi nợ dùng nick ảo tên là “NỢ LÀ PHẢI TRẢ” gửi cho chị một bức ảnh chế trong đó có lấy ảnh trên zalo của chị ghép cùng ảnh với một phụ nữ và một người đàn ông khác rồi chú thích “Mọi người cẩn thận gia đình này nhé, chuyên đi vay xong giựt nợ”, “đối tượng cùng đồng bọn lừa đảo tiền nhiều công ty tài chính”. “Mọi người cẩn thận gia đình con này nhé, chuyên lừa đảo, số tiền không bao nhiêu đi lừa đảo”.
Thậm chí trong bức ảnh chế còn cắt ghép cả banner của Công an Thành phố Hồ Chí Minh, trang thông tin truy nã với chú thích “gia đình này đang bị Công an truy nã vì tội lừa đảo, chiếm đoạt tài sản”. Hỏi chị có biết người phụ nữ và người đàn ông trong ảnh không thì chị B. bảo không hề quen biết. Đối tượng này gửi ảnh qua tin nhắn zalo cho chị và chị cũng không biết chắc đối tượng có còn gửi cả cho bạn bè của chị trên zalo và Facebook không. Dù chị B. đã chặn facebook và zalo nhưng vẫn lo sợ đối tượng xấu sử dụng hình ảnh của mình tiếp tục đi bêu riếu trên mạng và gửi cho nhiều người bạn khác, làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến danh dự, uy tín của mình.
Chị N.T.K.L, lãnh đạo một tờ báo lớn ở Hà Nội cũng gặp tình trạng bị khủng bố như chị L.T.T.B. Một đối tượng nữ liên tục quấy nhiễu, ghép ảnh chị với đối tượng nữ khác vu khống chị là đồng phạm với kẻ lừa đảo chiếm đoạt tiền, rồi gửi một loạt cho bạn bè chị, đăng vào status của người khác, bôi nhọ chị là kẻ lừa đảo. Bức xúc, chị L. đã làm đơn tố cáo lên cơ quan Công an, đồng thời kêu gọi bạn bè, người thân nếu nhận được tin nhắn, hình ảnh bôi nhọ chị thì chụp ảnh màn hình, lưu lại bằng chứng để chị cung cấp thêm cho Công an.
Trường hợp của chị N.K.L (Hà Nội) không khá khẩm hơn là mấy. Người vay nợ là chồng cũ của chị. Hai người đã ly hôn hai năm nay, nhưng vì trên facebook của chồng chị vẫn để ảnh vợ con từ khi gia đình vẫn còn đang đầm ấm, hạnh phúc nên các đối tượng đòi nợ đã lấy ảnh của ba mẹ con chị ghép với ảnh chồng, đưa cả số điện thoại của chị lên rồi gửi khắp nơi cho bạn bè, người thân của hai người với chú thích là “Người thân, biết phạm tội mà không tố giác, gia đình không biết giáo dục, cha mẹ hoàn toàn không có khả năng dạy dỗ”.
Không chỉ bị bêu riếu trên facebook, chị L còn bị rất nhiều cuộc điện thoại gọi điện khủng bố, đe dọa phải trả nợ thay cho chồng. Bức xúc, nhiều lần chị còn phải chửi thề ngay trong điện thoại khi các đối tượng đòi nợ tiếp tục dùng nhiều sim rác để gọi. Ngoài chị L. thì cả hai người em họ của chồng chị cũng bị spam tin nhắn và gọi điện đòi nợ. Nhưng hai người này đều tỉnh táo cho biết không quen biết người bị đòi nợ nên sau một vài lần không còn bị làm phiền nữa.
Anh Vũ Trọng Thinh (Hoàng Mai, Hà Nội) còn gặp vận đen hơn cả khi thông tin của anh bị lấy cắp và trở thành con nợ của một app vay tiền. Các đối tượng đòi nợ nhiều lần gọi điện đe dọa anh và gia đình khiến chị vợ nhiều lần phải xin nghỉ việc và đưa con về quê trốn chạy. Dù anh đã làm việc với các cơ quan chức năng và các bên có liên quan chứng minh mình không phải là đối tượng vay vợ, nhưng các đối tượng đòi nợ vẫn cho rằng, anh tự dựng bằng chứng giả để trốn nợ với số tiền lên đến 100 triệu đồng. Hình ảnh của anh và vợ con bị bêu riếu khắp facebook, zalo của bạn bè. Cuộc sống bị đảo lộn, ban đầu vợ chồng còn nghi kị nhau, bạn bè người thân đều nghĩ anh vay nợ rồi chối bỏ, nhưng khi mọi việc được sáng tỏ thì anh vẫn tiếp tục bị các đối tượng đòi nợ khủng bố.
Hành vi vi phạm pháp luật
Bỗng dưng bị bêu ảnh lên facebook để đòi nợ là tình trạng khá phổ biến hiện nay, hầu hết những kiểu đòi nợ trên facebook này diễn ra với những nick ảo, các đối tượng đòi nợ trên facebook thường lập rất nhiều nick ảo, sau đó đi bình luận, nhắn tin, tag facebook để đòi nợ.
Trường hợp tự nhiên bị người khác lấy ảnh đi bêu riếu để đòi nợ trên Facebook có thể xuất phát từ trường hợp nạn nhân có người thân vay tiền nhưng đã quá hạn mà chưa thanh toán, hoặc có thể do nạn nhân bị đánh cắp thông tin cá nhân để vay tiền, hoặc cũng có thể do người đi đòi nợ bị nhầm người.
Theo tìm hiểu của phóng viên, khi người nào đó vay tiền của các tổ chức tài chính hoặc qua app tài chính thì đều được yêu cầu phải cung cấp thông tin và số điện thoại của một người thân nào đó để liên lạc trong trường hợp khẩn cấp. Đây cũng chính là căn nguyên dẫn tới việc nhiều người không hề vay, nhưng bỗng dưng… mắc nợ.
Hoặc có tình trạng đánh cắp thông tin cá nhân của người khác để đi vay tiền, hầu hết các app vay tiền online hiện nay có phương thức cho vay rất đơn giản, chỉ cần ảnh chứng minh nhân dân (hoặc căn cước công dân) và số điện thoại là có thể đăng ký vay tiền và được giải ngân nhanh chóng.
Xuất phát từ sự dễ dãi và lỗ hổng này, nhiều đối tượng đã lợi dụng để đánh cắp thông tin của người khác, sau đó đăng ký vay tiền online trên những ứng dụng cho vay tiền, từ đó vô tình người bị đánh cắp thông tin bỗng dưng bị bêu ảnh lên facebook để đòi nợ mặc dù chưa từng vay tiền của người khác.
Theo Luật sư Giáp Quang Khải, Đoàn luật sư Bắc Giang, hành vi đăng ảnh với nội dung sai sự thật như vậy là hành vi vi phạm pháp luật. Đây là hành vi bịa đặt, xúc phạm nghiêm trọng danh dự, nhân phẩm của người bị hại. Tùy vào tính chất, mức độ hành vi mà người đăng thông tin trên facebook bị xử phạt hành chính về hành vi lợi dụng mạng xã hội để cung cấp, chia sẻ thông tin giả mạo, thông tin sai sự thật, xuyên tạc, vu khống, xúc phạm uy tín của cơ quan, tổ chức, danh dự, nhân phẩm của cá nhân theo điểm a khoản 1 Điều 101 Nghị định 15/2020. Mức phạt tiền cho hành vi này là từ 5 triệu đến 10 triệu đồng đối với cá nhân, còn với tổ chức thì mức phạt tiền từ 10 triệu đến 20 triệu đồng. Về trách nhiệm hình sự thì người thực hiện hành vi bịa đặt hoặc loan truyền những điều biết rõ là sai sự thật nhằm xúc phạm nghiêm trọng nhân phẩm, danh dự của cá nhân có dấu hiệu của tội vu khống.
Khung hình phạt nhẹ nhất thì bị phạt tiền từ 10 triệu đến 50 triệu đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 2 năm hoặc phạt tù từ 3 tháng đến 1 năm theo điểm a khoản 1 Điều 156 BLHS 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017)...
Theo Đại úy Trịnh Công Anh, cán bộ Phòng An ninh mạng và phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao, Công an Hà Nội, tình trạng những người không vay nợ, không liên quan đến người vay bị khủng bố bằng điện thoại, tin nhắn hiện đang diễn ra khá phổ biến và rất khó để giải quyết triệt để. Nó xuất phát từ việc nhiều người có nhu cầu vay vốn qua các app nên khi đăng ký đã để app có quyền truy cập vào danh bạ, vì thế mới có việc nhiều người không liên quan bị vạ lây.
Các đối tượng đi đòi nợ thường sử dụng facebook ảo, sim rác để gọi điện, spam tin nhắn, nếu truy đến cùng cũng không có thêm thông tin về đối tượng. Cơ quan Công an cũng khuyến khích những người có liên quan đến người vay nợ hãy tìm hiểu, cung cấp thông tin cũng như hồ sơ vay vốn của người vay nợ để gửi lên cơ quan Công an trong trường hợp bị khủng bố, bôi nhọ, làm cơ sở để cơ quan Công an rà soát, điều tra các app vay vốn và các đối tượng đòi nợ.
Cơ quan Công an đề nghị người dân cảnh giác khi cài “app” vay tiền trên mạng, bởi một là phải chịu lãi suất cao cùng việc đòi nợ theo kiểu “tín dụng đen”, hai là dính vào những “đường link” cài “app” lừa đảo. Người dân nên tìm hiểu, lựa chọn đơn vị cung cấp dịch vụ uy tín, thể hiện đầy đủ các thông tin trên website như tên công ty, mã số doanh nghiệp, địa chỉ, các chính sách cụ thể về lãi suất vay (trả nợ trước hạn, chậm trả…). Đồng thời cần phải tìm hiểu kỹ thông tin điều khoản, dịch vụ, các quy định về lãi, phí, hạn mức trả nợ… trước khi quyết định vay tiền qua app, web. Nếu phát hiện app có dấu hiệu cho vay nặng lãi, cần sớm tất toán các khoản nợ; nếu bị các đối tượng đe dọa, cần trình báo ngay cho cơ quan Công an để được can thiệp, giúp đỡ.
(Theo An Ninh Thế Giới)
Thảm cảnh của nữ sinh viên rơi vào bẫy tín dụng đen với lãi suất 'siêu cắt cổ'
Không chỉ bán laptop, xe máy, nữ sinh viên một trường ĐH ở TP.HCM còn vay mượn bạn bè, người thân, thậm chí vay cả trăm triệu đồng từ app cho vay nặng lãi để trả khoản vay của bạn học cũ với lãi suất lên đến 750%/năm.