Theo New York Times, chiến dịch được thống nhất bởi Liên đoàn Bóng đá Anh, giải Ngoại hạng Anh, hạng Nhất Anh (nam và nữ), Hiệp hội Cầu thủ Chuyên nghiệp Anh cùng trọng tài, cầu thủ và nhân vật bóng đá.
Các câu lạc bộ (CLB), tài khoản mạng xã hội thuộc những tổ chức trên sẽ không sử dụng Facebook, Twitter và Instagram từ 15h 30/4 đến hết ngày 3/5 (giờ Anh).
Đây được xem là động thái quyết liệt nhất của các tổ chức thể thao nhằm phản đối, gây áp lực lên các "ông lớn" Internet trước tình trạng phân biệt đối xử, bắt nạt ngày càng nghiêm trọng. Suốt mùa giải qua, các cầu thủ, CLB, trọng tài, bình luận viên tại Anh đã trở thành nạn nhân của bắt nạt trực tuyến.
Bóng đá Anh sẽ không sử dụng mạng xã hội trong 3 ngày để phản đối bắt nạt trên Internet. Ảnh: Sky Sports. |
"Bắt nạt cầu thủ trên Internet phải chấm dứt"
Hồi tháng 2, các lãnh đạo Liên đoàn Bóng đá Anh, giải Ngoại hạng Anh và một số tổ chức đã viết thư kêu gọi Jack Dorsey, CEO Twitter và Mark Zuckerberg, CEO Facebook chấm dứt "sự lạm dụng độc hại, khó chịu" đến từ người dùng các nền tảng.
"Trên thực tế, nền tảng của các bạn vẫn là thiên đường cho sự lạm dụng", bức thư nêu rằng hành động của Facebook, Twitter quá lỏng lẻo, không đủ sức răn đe những kẻ bắt nạt trên Internet. Dù đưa ra chính sách xử lý, tình trạng vẫn không chấm dứt.
Trong thông báo tẩy chay mạng xã hội, các tổ chức bóng đá Anh cũng kêu gọi chính phủ "ban hành luật pháp nghiêm ngặt, khiến các mạng xã hội có trách nhiệm hơn với nội dung trên nền tảng của họ".
Richard Masters, Giám đốc điều hành Premier League cho biết giải đấu sẽ tiếp tục gây sức ép với các mạng xã hội thay đổi nhằm ngăn chặn bắt nạt trực tuyến.
"Hành vi phân biệt chủng tộc là không thể chấp nhận dưới mọi hình thức. Sự bắt nạt kinh khủng với các cầu thủ của chúng tôi trên Internet phải chấm dứt... Bóng đá là môn thể thao đa dạng, tập hợp cộng đồng và văn hóa từ khắp nơi", Masters cho biết.
Các lãnh đạo Liên đoàn Bóng đá Anh đã kêu gọi Facebook, Twitter chấm dứt nạn phân biệt chủng tộc trên Internet. Ảnh: Premier League. |
Cầu thủ, bình luận viên bị bắt nạt trên mạng
Tại bóng đá Anh, Son Heung-min là một trong những nạn nhân mới nhất của bắt nạt trực tuyến. Sự việc xuất phát từ tình huống trọng tài tước bàn thắng của Edinson Cavani bên phía Man United ở phút 33 (do phạm lỗi với Son) trong trận đấu với Man United, thuộc vòng 31 Premier League ngày 11/4.
Sau trận đấu, hàng loạt bình luận phân biệt chủng tộc với cầu thủ người Hàn Quốc xuất hiện khiến Tottenham phải lên tiếng, trong khi Twitter cũng xóa những bình luận không phù hợp.
"Một trong các cầu thủ của chúng tôi trở thành nạn nhân của sự phân biệt chủng tộc ghê tởm này. Sự việc đã được báo cáo trên các nền tảng mạng xã hội. Chúng tôi sẽ đánh giá tình hình với ban tổ chức Premier League để đưa ra biện pháp hiệu quả nhất trong tương lai", đại diện CLB chia sẻ.
Tháng 2 vừa qua, tiền đạo Eddie Nketiah của Arsenal đăng bức ảnh chân dung lên Twitter với nội dung: “Làm việc với một nụ cười”. Ngay sau đó, hàng loạt bình luận phân biệt chủng tộc xuất hiện bên dưới, đòi Nketiah rời đội bóng. Theo Sky Sports, Twitter đã xử lý bằng cách khóa vĩnh viễn các tài khoản vi phạm chính sách.
Tiền đạo Eddie Nketiah của Arsenal là nạn nhân của phân biệt chủng tộc trên Internet. Ảnh: Twitter. |
Trước đó vào tháng 12/2020, nữ bình luận viên kiêm cựu cầu thủ Karen Carney phải khóa tài khoản Twitter do làn sóng bắt nạt từ công chúng. Sau chiến thắng 5-0 của Leeds United trước West Brom thuộc vòng 16 Ngoại hạng Anh, Carney đưa ra bình luận trên Amazon Prime Video Sport, bày tỏ hoài nghi về khả năng thực sự của đội bóng.
Lời bình luận của Carney được chia sẻ trên Twitter của Leeds United. Nội dung bài đăng từ đội bóng được cho đã "khiêu khích" hàng loạt bình luận chửi bới, xúc phạm Carney.
Rio Ferdinand kêu gọi Leeds xóa tweet. Trong khi đó, tiền đạo Bethany England của Chelsea gọi đội ngũ truyền thông của Leeds có "hành vi tàn độc".
Theo Sky Sports, nhiều cầu thủ như Marcus Rashford, Trent Alexander-Arnold, Raheem Sterling hay Tyrone Mings cũng là nạn nhân của bắt nạt trên mạng.
Các mạng xã hội phải chịu trách nhiệm nếu không thể giải quyết nạn bắt nạt trên nền tảng. Ảnh: Newcastle United. |
Đây không phải lần đầu các tổ chức bóng đá phản đối nạn phân biệt chủng tộc. Cầu thủ, ban huấn luyện Ngoại hạng Anh và một số giải châu Âu đã quỳ gối trước các trận đấu để ủng hộ phong trào Black Lives Matter. Tuy nhiên, một số cầu thủ phản đối vì cho rằng đây chỉ là hình thức, không có tác dụng thay đổi tình trạng bắt nạt.
Chiến dịch tẩy chay mạng xã hội của bóng đá Anh sẽ diễn ra khi các giải đấu vẫn tiếp tục trong cuối tuần sau, bao gồm trận đấu được chờ đón giữa Man United và Liverpool, đương kim vô địch Premier League.
Edleen John, Giám đốc Quan hệ Quốc tế của Liên đoàn bóng đá Anh, cho biết sẽ tiếp tục gây sức ép lên các mạng xã hội sau khi chiến dịch tẩy chay kết thúc.
"Không thể chấp nhận việc các nhân vật bóng đá Anh và xã hội nói chung bị phân biệt đối xử trên Internet hàng ngày, trong khi thủ phạm không bị trừng phạt. Các mạng xã hội phải chịu trách nhiệm nếu vẫn không giải quyết vấn đề", John cho biết.
(Theo Zing)
Người dân Australia kêu gọi tẩy chay Facebook
Hành động của Facebook gây chia rẽ trên toàn bộ Australia, một số thờ ơ, trong khi số khác tỏ ra giận dữ. Từ khóa #deletefacebook đã lọt top xu hướng Twitter tại đây.