Món ăn xa xỉ được ưa chuộng ở Trung Quốc

Được coi là một món ăn ngon và bổ dưỡng, ở Trung Quốc, bong bóng cá được bán với mức giá từ 450-1.000 USD/kg. Thậm chí, riêng ở Hồng Kông (Trung Quốc), giá có thể lên tới 7.700 USD/kg.

Bong bóng cá thường được coi là biểu tượng của sự giàu có và thịnh vượng, được dùng làm quà tặng tại các sự kiện quan trọng và được dự trữ như một khoản đầu tư mang tính chất đầu cơ. Bong bóng cá là một trong “tứ bảo” của ẩm thực Quảng Đông, cùng với bào ngư, hải sâmvi cá mập

Lý do chính khiến bóng cá được ưa chuộng đến vậy là vì giá trị y học của nó. Do có hàm lượng collagen và chất xơ cao, bong bóng cá được cho là có công dụng giúp duy trì làn da khỏe mạnh, tăng cường hệ thống miễn dịch và hỗ trợ tiêu hóa. Bong bóng cá ở Trung Quốc cũng thường được khuyên dùng để phục hồi sức khỏe cho phụ nữ sau sinh và giảm đau sau phẫu thuật, thậm chí được dùng để tăng cường khả năng sinh lý cho đàn ông. 

chinese demand for fish maw swim.jpg
Bong bóng cá sấy khô - món ăn xa xỉ trong ẩm thực Trung Quốc.

Do tình trạng đánh bắt quá mức ở Đông Á và các khu vực khác, Trung Quốc hiện phải nhập khẩu phần lớn bong bóng cá từ châu Phi. Đặc biệt, ở Uganda, ngành công nghiệp khai thác bong bóng cá triệu đô đang phát triển nhanh chóng nhằm đáp ứng nhu cầu ẩm thực cao cấp ở Trung Quốc.

Hiện nay, mỗi năm Uganda sản xuất ít nhất 520 tấn bong bóng cá và đã xuất khẩu 51% tổng sản lượng đánh bắt được sang Hồng Kông trong khoảng thời gian từ 2012-2019. Chỉ riêng năm 2018, Uganda đã ghi nhận lượng giao dịch bong bóng cá với thị trường Trung Quốc đạt trị giá tới 52,1 triệu USD.

Tác động sinh thái và sự hình thành ngành công nghiệp triệu đô

Thị trường Trung Quốc trước đây ưa chuộng bong bóng từ Mexico, nhưng do nguy cơ tuyệt chủng một số loài cá đặc hữu, việc buôn bán bị chính quyền sở tại quản lý chặt chẽ. Kết quả là thị trường Trung Quốc đã chuyển trọng tâm chú ý tới cá ở hồ Victoria (châu Phi).

Những năm gần đây, nhu cầu ngày càng tăng từ Trung Quốc đã thúc đẩy tình trạng khai thác cạn kiệt nhiều loài cá ở hồ Victoria, gây ra hệ lụy về sinh thái và ảnh hưởng tới đời sống người dân bản địa.

Nhu cầu tăng lên quá nhanh đã dẫn đến hoạt động khai thác bất hợp pháp cả nguồn cá giống và cá chưa đủ tuổi khai thác, khiến quần thể cá ở hồ Victoria bị giảm nhanh chóng, cướp đi sinh kế của người dân. Do nguồn cá ngày càng khan hiếm, ngư dân đang dần chuyển sang hình thức đánh bắt bất hợp pháp, khai thác loại cá nặng từ 1kg trở xuống. Việc đánh bắt cá chưa trưởng thành đe dọa sự bền vững của các loài cá ở hồ Victoria.

Nhu cầu về bong bóng cá đã dẫn đến việc chỉ chú trọng mổ lấy nội tạng. Sau khi loại bỏ bong bóng, hàng tấn xác cá sẽ bị đổ bừa bãi xuống hồ, gây ra tình trạng ô nhiễm môi trường trầm trọng, phá hủy môi trường sống của các loài khác. 

Đặc biệt, dù nguồn lợi thu được từ hoạt động buôn bán bong bóng cá là rất đáng kể, phần lớn số tiền thu được không thuộc về người dân bản địa. Một nghiên cứu năm 2020 về buôn bán bóng cá cho thấy, người dân địa phương chủ yếu chỉ khai thác và bán sản phẩm thô cho những người trung gian nước ngoài (phần lớn từ Trung Quốc và Ấn Độ). Sau khi được bán cho những người trung gian, bong bóng cá được cung cấp cho các nhà máy chế biến thuộc sở hữu của thương nhân Trung Quốc.

Vì vậy, vào năm 2020, Uganda đã ký biên bản ghi nhớ chính thức với Trung Quốc trong lĩnh vực này, hình thành ngành công nghiệp khai thác bong bóng cá được kiểm soát chặt chẽ, bảo đảm lợi ích của người dân Uganda. Giới chức Uganda cảnh báo rằng thỏa thuận này đồng nghĩa với việc các nhà chế biến bóng cá sẽ phải đáp ứng các tiêu chuẩn nghiêm ngặt hơn, đặc biệt là trong việc bảo tồn nguồn lợi thủy sản và bảo vệ môi trường.

(Theo Fishsite)