Trong một thị trường thanh khoản thấp, mức giá của mặt hàng có thể sụt giảm mà không ai nhận ra. Đó là sự thật với thị trường những sản phẩm nghệ thuật độc quyền thông qua công nghệ blockchain, còn gọi là NFT.
Vài tháng qua, thế giới như phát cuồng với những sản phẩm NFT. Một bức tranh ghép từ hàng nghìn tấm ảnh khác nhau được bán với giá 69 triệu USD. Tấm ảnh chụp bài báo của New York Times được mua với giá hơn nửa triệu USD. Tuy nhiên, bong bóng NFT dường như đang hạ nhiệt.
Thị trường NFT đang đi xuống
Theo Coin Telegraph, do đặc trưng tính thanh khoản rất thấp, không dễ để nắm bắt mức độ sôi động của thị trường NFT. Tuy nhiên, tổ chức đánh giá về tiền mã hoá eGirl Capital cho rằng NFT đang hạ nhiệt theo cách "sụp đổ thầm lặng".
Hai chủ sở hữu của bức hình NFT đắt nhất thế giới, với giá 69 triệu USD. Ảnh: The Richest. |
Khái niệm này để chỉ những thị trường mà trong đó người quan sát rất khó nhận ra rằng sản phẩm đang mất giá. Dấu chỉ của nó có thể là không còn người mua, hoặc người bán rao mãi nhưng không khớp được như đơn mua. Đôi khi, giá sàn và tổng khối lượng giao dịch cũng được dùng để chỉ ra thị trường đang âm thầm sụp đổ.
Số liệu của CryptoPunks, một trong những sàn giao dịch NFT hoạt động sớm và sôi động nhất, cho thấy mức giá sàn của các sản phẩm liệt kê đã giảm tới 40%, chỉ còn 14 Ethereum (tương đương khoảng 28.000 USD). Nhiều người mua tác phẩm nghệ thuật NFT trên sàn này đã phải chấp nhận lỗ vốn khi bán lại.
Đây không phải sàn giao dịch duy nhất ghi nhận sự điều chỉnh thị trường. Những dữ liệu phân tích cho thấy mức giá các bức ảnh trong bộ sưu tập NBA Top Shot đã giảm giá rất nhanh từ mức đỉnh thiết lập ngày 22/2.
"Thị trường đã đi xuống từ ngày 22/2. Có vẻ như có 2 loại người bán. Đầu tiên là những nhà đầu tư mua từ sớm và giờ muốn kiếm lợi nhuận khủng. Thứ hai là những người đu đỉnh và không thể chịu cảnh sản phẩm mình mua cứ mất giá hàng ngày", Jordan, một nhà đầu tư các thẻ NBA Top Shot chia sẻ nhận xét của mình với Coin Telegraph.
Nhiều người nổi tiếng như YouTuber Logan Paul cũng tận dụng cơ hội từ NFT để ra mắt những tấm thẻ mang tên và hình ảnh của mình. |
Theo trang web theo dõi thị trường Nonfungible, toàn bộ thị trường NFT đang chịu sự điều chỉnh. Số tác phẩm bán ra, doanh thu và tổng số ví hiện hành giảm ở cả khung theo dõi 7 ngày lẫn 30 ngày.
"Tôi nghĩ đây là một sự điều chỉnh tốt và ngắn hạn. Tốc độ tăng giá trong khoảng thời gian từ đầu năm đến 22/2 sẽ không thể duy trì mãi. Trong vài tháng tới, tôi nghĩ thị trường vẫn có nhiều thách thức, nhưng tôi tin vào triển vọng lâu dài", Jordan chia sẻ.
Lý do NFT thường bị coi là bong bóng đầu cơ
Một số nhận định cho rằng NFT chỉ là bong bóng đầu cơ giống những tác phẩm nghệ thuật ngoài đời. Đối với NFT, khả năng đầu cơ còn cao hơn khi tác giả thường phát hành những phiên bản khác nhau của một tác phẩm, mở bán chúng trong thời gian rất ngắn.
Theo Vladislav Ginzburg, CEO sàn giao dịch tài sản kỹ thuật số Blockparty, các phiên bản này thường có giá rẻ, người mua trước sẽ bán lại chúng trên các sàn NFT với giá cao hơn để kiếm lời. Do đó, sự khan hiếm của NFT không dựa trên số lượng bản được phát hành, mà là thời gian chúng được mở bán.
Cách sở hữu NFT đáng giá là chọn mua tác phẩm nguyên bản, xuất xứ rõ ràng bởi chúng sẽ ít mất giá hơn. Trong một bộ sưu tập chất lượng, sẽ có một số tác phẩm tăng giá nhanh, còn lại vẫn duy trì giá ban đầu của chúng.
NFT có thể coi là cơn sốt mới của giới đầu tư tiền mã hoá. Ảnh: CNN. |
Tác phẩm nghệ thuật kỹ thuật số đã tồn tại từ hàng chục năm nhưng không được chú ý nhiều. Sự phổ biến của NFT giúp nhiều người biết đến tác phẩm nghệ thuật số, làm tăng giá trị cho chúng và thu hút nhiều nghệ sĩ tham gia kinh doanh.
Một trong những vấn đề của tài sản kỹ thuật số là tính nguyên bản. Đó là lý do NFT gắn với blockchain, chuỗi giao dịch công khai được duy trì bởi mạng lưới máy tính. Chúng sẽ giám sát, đảm bảo các giao dịch được xác thực và không bị nhầm lẫn. Blockchain gắn với NFT là các chuỗi duy nhất, chứng minh rằng NFT là bản gốc, được tạo ra bởi chính tác giả.
Giống những tác phẩm ngoài đời, kẻ xấu có thể tạo ra bản sao của tác phẩm, gắn token bất kỳ rồi bán chúng trên sàn NFT với giá bằng bản gốc để lừa những người không chú ý. Do đó nếu muốn mua NFT, bạn nên lựa chọn các sàn uy tín, tìm hiểu cách đọc dữ liệu từ blockchain để đảm bảo không mua tác phẩm NFT giả.
Theo Zing/Coin Telegraph
Tác giả NFT đắt nhất thế giới phải đóng thuế “khủng”
Không chỉ phải trả thuế thu nhập, cả người bán và người mua đều bị đánh thuế trên số tiền điện tử được sử dụng trong giao dịch này.