Bốn yếu tố cốt lõi không thể thiếu khi sáp nhập tỉnh

Việc sáp nhập tỉnh không chỉ là bài toán địa giới, mà còn là thách thức trong sắp xếp nhân sự. Nếu không tổ chức tốt đội ngũ cán bộ giữa các địa phương, quá trình hợp nhất có thể gây xáo trộn và giảm hiệu quả quản lý.

Đó là chia sẻ của ĐBQH Hoàng Văn Cường (đoàn đại biểu TP Hà Nội) trong cuộc trao đổi với VietNamNet về chủ trương sáp nhập tỉnh mà Hội nghị Trung ương 11 đang thảo luận.

Càng cảm nhận sâu sắc hơn quyết định có tính lịch sử

Thưa ĐBQH Hoàng Văn Cường, giữa lúc việc sắp xếp các đơn vị hành chính đang trong bối cảnh “vừa chạy vừa xếp hàng”, nhiều nhà nghiên cứu nhìn lại câu chuyện mở rộng địa giới hành chính Hà Nội để chắt lọc bài học được - mất sau 17 năm. Với cá nhân ông thì sao? 

Hà Nội đã trải qua nhiều lần điều chỉnh địa giới, nhưng năm 2008, khi Hà Tây và một phần Hòa Bình được nhập vào là thay đổi lớn nhất. Theo tôi, hai tư duy cốt lõi của lần mở rộng đó là:

Thứ nhất, mở rộng không gian phát triển cho Thủ đô là điều mà các nhà quản trị, hoạch định chính sách đã theo đuổi qua nhiều thời kỳ, mang theo khát vọng và tầm nhìn lớn của quốc gia. 

Thứ hai, trong quá trình thực thi cũng phát sinh rất nhiều vấn đề. Đã có những lần nhập rồi lại tách ra, như một sự điều chỉnh sau quá trình thực hiện.

Tháng 12/1978, Hà Nội mở rộng bằng việc sáp nhập một số đơn vị hành chính của các tỉnh Hà Sơn Bình, Vĩnh Phú. Tháng 8/1991, Quốc hội quyết định thu hẹp địa giới hành chính, diện tích Hà Nội còn 921,8km2. 

Đến tháng 5/2008, địa giới hành chính Hà Nội một lần nữa được điều chỉnh, hợp nhất toàn bộ tỉnh Hà Tây, toàn bộ huyện Mê Linh (tỉnh Vĩnh Phúc) và một phần tỉnh Hòa Bình. Diện tích Hà Nội là gần 3.350 km2.

Càng có chiều sâu về thời gian và trải nghiệm, chúng ta càng cảm nhận rõ ràng hơn, sâu sắc hơn quyết định có tính lịch sử này.

Với một quyết định có tầm vóc và ý nghĩa rất lớn như điều chỉnh địa giới hành chính Hà Nội thì 17 năm có lẽ đã đủ để đưa ra đánh giá tổng quan có căn cứ thực tiễn cho lần sáp nhập đơn vị hành chính cấp tỉnh lần này, thưa ông?

Năm 2008, dù Quốc hội đã thông qua, trong xã hội vẫn còn nhiều băn khoăn, lo lắng. Ngay cả đội ngũ cán bộ cũng có những trăn trở. Trong dân gian thậm chí còn tồn tại cách gọi “Hà Nội 2”, phản ánh tâm lý chưa thật sự hoà nhập.

Đặc biệt, một số chính sách của Hà Tây, Vĩnh Phúc trước đây khác với Hà Nội để lại những hậu quả mà về sau phải vất vả giải quyết. Ví dụ, Hà Tây trước đây có chính sách cấp đất dịch vụ khi thu hồi đất nông nghiệp - điều mà Hà Nội không áp dụng. Khi sáp nhập, chính sách này không còn được duy trì. Những hộ dân được cấp trước và những hộ sau không được hưởng quyền lợi tương tự, dẫn đến có khiếu kiện kéo dài. 

Trước khi sáp nhập, Hà Tây đã có quy hoạch và giao đất cho nhà đầu tư. Nhiều dự án mới chỉ dừng ở việc “nhận phần, nhận tên” chứ chưa triển khai. Sau khi sáp nhập, điều chỉnh quy hoạch diễn ra, một số nhà đầu tư không đồng thuận và bỏ cuộc. Đó là lý do vì sao ta thấy có những dự án dở dang.

Bản đồ hành chính thành phố Hà Nội. Ảnh: Bản đồ Hà Nội

Nhưng nhìn một cách tổng thể, cuộc sáp nhập này đã đạt được những thành quả đáng kể. Chúng ta thấy rõ Thủ đô có không gian rộng lớn để phát triển. Hệ thống hạ tầng giao thông phát triển nhanh chóng và đồng bộ hơn nhờ các khu vực đã thuộc cùng một địa phương. Công tác giải phóng mặt bằng ở đường vành đai 4 diễn ra nhanh chóng là một minh chứng cụ thể.

Nhiều vùng sâu, vùng xa trước kia thuộc Hà Tây nay đã thay da đổi thịt. Hà Nội có điều kiện huy động nguồn lực lớn hơn, quy mô đầu tư rộng hơn. 

Dù chúng ta chưa làm được điều mong muốn là phủ kín đô thị theo quy hoạch (1 đô thị trung tâm và 5 đô thị vệ tinh Hoà Lạc, Xuân Mai, Sơn Tây, Sóc Sơn, Phú Xuyên) nhưng tiềm năng đã bộc lộ rõ. Những khu vực như Hoài Đức, Hòa Lạc, Mê Linh nay đã trở thành các vùng phát triển mạnh.

Nếu không có sự hội nhập đó, sẽ không có dư địa để hình thành một Thủ đô văn minh, hiện đại, xứng tầm với các đô thị lớn trên thế giới.

Hiện nay, Hà Nội định hướng là có 1 trung tâm và các khu vực phát triển như thành phố (không coi là đô thị vệ tinh). Thành phố thì có cả vùng về đô thị và nông thôn. Trước đây, chúng ta không có quy hoạch về hạ tầng giao thông tới các khu vực đó, điển hình là đường sắt đô thị. Trong quy hoạch hiện nay đã quy hoạch mạng lưới đường sắt kết nối giữa đô thị trung tâm với các khu vực như Hoà Lạc, Sơn Tây, sân bay Nội Bài... Khi có kết nối về giao thông, nó sẽ tạo ra sức sống cho các đô thị.

Cơ hội phát triển đồng đều sẽ xóa mọi rào cản ban đầu

Nhìn từ câu chuyện sáp nhập Hà Tây - Hà Nội, theo ông, đâu là bài học lớn nhất cho việc sáp nhập tỉnh, thành hiện nay?

Quan trọng nhất phải xác định mục tiêu là gì. Sáp nhập không đơn thuần là cắt giảm đầu mối hành chính mà nó phải tạo ra một không gian mới cho phát triển. Không gian này phải dựa vào nguồn lực, tiềm lực, mối quan hệ kinh tế xã hội; tập trung lại để kết nối với nhau, tạo nên một không gian phát triển đồng nhất. 

Việc hợp nhất phải giúp tập trung nguồn lực để khai thác những lợi thế đặc thù - điều rất khó thực hiệnkhi các địa phương còn rời rạc . 

Nhìn từ câu chuyện sáp nhập Hà Tây và Hà Nội, mục tiêu không chỉ là để Thủ đô phát triển hay để vực dậy trung tâm hành chính cũ của Hà Tây, mà là tạo ra động lực mới từ mỗi khu vực, thông qua sự kết nối và bổ trợ lẫn nhau.

Sáp nhập luôn khởi đầu bằng tâm lý e ngại, nhưng nếu biết khơi thông nguồn lực, nắm bắt thời cơ và phân bổ hợp lý, mọi vùng đất đều có thể bứt phá. Khi ấy, cơ hội phát triển đồng đều sẽ xóa tan mọi rào cản ban đầu.

Phía Tây Hà Nội phát triển mạnh mẽ.

Đừng xem nhẹ yếu tố con người và tổ chức bộ máy

Hiện nay, khi đứng trước cuộc cách mạng lớn về sắp xếp đơn vị hành chính các cấp, đâu đó vẫn có tâm lý “anh giàu hơn, tôi là gánh nặng cho anh”. Góc nhìn của ông về vấn đề này như thế nào?

Việc sáp nhập đơn vị hành chính, nỗi lo về sự "chia sẻ nguồn lực" từ một đơn vị phát triển hơn sang một đơn vị có phần yếu hơn, dẫn đến lo ngại về tốc độ phát triển chung chậm lại, đó là tâm lý dễ hiểu. Chắc chắn, quá trình này đòi hỏi sự điều phối nhịp nhàng.

Tuy nhiên, cần nhìn nhận ở một khía cạnh khác. Trước khi sáp nhập, cả Hà Nội và Hà Tây đều phải tự đầu tư phát triển trên mọi lĩnh vực, ở mọi khu vực. Nguồn lực vì thế bị phân tán, hiệu quả đầu tư chưa chắc đã tối ưu.

Vấn đề không chỉ là đầu tư bao nhiêu, mà quan trọng hơn là cách xác định đúng vai, đúng hướng đi và tạo điều kiện để nguồn lực xã hội hoá cùng tham gia.

Vậy nếu rút ra một vài điều cốt lõi từ kinh nghiệm của Hà Nội cho việc sáp nhập tỉnh hiện nay, ông sẽ nhấn mạnh điều gì?

Thứ nhất, phải đánh giá thực chất tiềm năng và đặc điểm của từng địa phương, từ con người, văn hóa đến tài nguyên và hệ sinh thái kinh tế để có chiến lược phát triển phù hợp sau sáp nhập.

Thứ hai, cần nhìn mọi vùng, mọi địa phương đều có cơ hội và tiềm năng riêng, thay vì áp tư duy “trung tâm - ngoại vi” hay “gánh nặng - chia sẻ”.

Thứ ba, đừng xem nhẹ yếu tố con người và tổ chức bộ máy. Nếu Hà Nội khi xưa không tiếp thu, hòa nhập được đội ngũ của Hà Tây - vốn có kinh nghiệm điều hành ở nông thôn và vùng bán sơn địa thì sẽ rất khó quản lý hiệu quả các khu vực ngoại thành mới được mở rộng.

Và cuối cùng, phải có tư duy dài hạn, cách làm bài bản, không chỉ trong quy hoạch mà cả trong truyền thông và quản trị sự thay đổi. Chỉ khi ấy, sáp nhập mới thực sự là đòn bẩy để tạo ra những vùng động lực mới, chứ không phải là gánh nặng cho bất kỳ bên nào.

Ảnh: Hoàng Hà, Lê Anh Dũng

Sáp nhập tỉnh: Đất nước không còn thời gian để chần chừ

Sáp nhập tỉnh: Đất nước không còn thời gian để chần chừ

Đất nước ta không còn thời gian để chần chừ. Năm năm tới mang ý nghĩa quyết định đến vận mệnh của dân tộc. Công nghệ số, chuyển đổi số đã đi trước cuộc cách mạng tinh gọn bộ máy và thể chế, đó là điều kiện không thể tuyệt hơn để sáp nhập tỉnh.