Vợ chồng chị Liên (quê gốc Ninh Bình) lên Hà Nội lập nghiệp năm 2015.
Vì không có bằng cấp lẫn kinh nghiệm nên qua trung tâm giới thiệu việc làm, chị xin đi giúp việc theo giờ. Một tháng chịu khó, chị cũng kiếm được 6-7 triệu đồng. Còn chồng chị làm kế toán cho một doanh nghiệp có thu nhập mỗi tháng là 9 triệu đồng.
Vì mới lên Thủ đô, công việc vất vả phải chạy đi chạy lại nhiều chỗ mà đường xá không thuộc nên chị Liên nghỉ việc. Được một người quen giới thiệu, anh chị bàn bạc và quyết định mở cửa hàng giặt là ở trong ngõ phố Định Công, quận Hoàng Mai.
“Ở quê lên phố, mình còn chưa định hình được công việc giặt là như thế nào. Được người quen mách là khu phố này chưa có cửa hàng giặt khô nào mà nhu cầu của người dân ngày càng nhiều. Họ còn nhiệt tình tìm giúp vợ chồng mình một cửa hàng ở đó, rộng 60m2 với giá 15 triệu đồng/tháng. Nếu thuê thì phải thanh toán 6 tháng/lần.
Ban đầu mình hoang mang lắm, bàn với chồng thôi không thuê, nghĩ hướng làm ăn khác vì giá thuê cao quá. Nhưng chồng mình thấy công việc có tiềm năng nên quyết làm bằng được”, chị Liên chia sẻ.
Vợ chồng chị bán hết vàng cưới, tiền cưới và thêm khoản tiền tiết kiệm nhỏ vào cũng chỉ đủ để trả tiền thuê mặt bằng. Anh chị đánh liều về quê vay thêm bố mẹ hai bên được 100 triệu đồng để đầu tư máy móc, thiết bị.
Kinh doanh cửa hàng giặt là đòi hỏi vốn đầu tư ban đầu khá lớn. (Ảnh minh họa) |
Vì mới kinh doanh, hạn hẹp về tài chính, lại hướng đến đối tượng là khách lẻ, cư dân trong phố, học sinh, sinh viên nên anh chị chọn mua những loại máy đã qua sử dụng, công suất nhỏ chỉ từ 7-9kg để tiết kiệm chi phí.
Tổng cộng riêng tiền đầu tư vào máy móc hết là 65 triệu đồng (6 máy giặt sấy).
Trong tháng đầu hoạt động, tuy cũng có nhiều khách đến giặt là nhưng anh chị chưa có lãi vì còn mất phí bảo trì máy móc.
Sang tháng thứ 2, cửa hàng bắt đầu thu lời. Đúng như dự đoán ban đầu, vì nhà chị là cửa hàng giặt là đầu tiên trong khu phố nên lượng khách đông và đều. 3 tháng đầu, trừ mọi chi phí, anh chị thu lại được khoảng 8 - 9 triệu đồng.
Thấy công việc có chiều hướng đi lên, vợ chồng chị mạnh dạn quảng cáo bằng nhiều hình thức để thu hút khách, gia tăng lợi nhuận cho cửa hàng. Từ tháng thứ 4 kinh doanh trở đi, dù có tháng ít, tháng nhiều nhưng trung bình mỗi tháng, anh chị lãi khoảng 20 triệu đồng. Có đợt cao điểm, cửa hàng thu về gần 30 triệu đồng.
Lúc cao điểm, cửa hàng nhà anh chị chật kín đồ khách mang đến giặt là. (Ảnh minh họa) |
Công việc kinh doanh ổn định nhưng phải thanh toán tiền nhà 6 tháng/ lần lại luôn nơm nớp sợ bị đòi mặt bằng bất cứ lúc nào nên anh chị càng mong ước được sở hữu một cửa hàng riêng để làm ăn. Vì kế hoạch, chưa tính chuyện sinh con nên hai vợ chồng thêm quyết tâm cày cuốc, chi tiêu tiết kiệm.
Với thu nhập của chồng là 9 triệu đồng/tháng, tiền lời từ cửa hàng là 20-25 triệu đồng, tổng khoảng 29- 34 triệu đồng/tháng, chị Liên lập kế hoạch chi tiêu rõ ràng. Mỗi tháng, anh chị gói gọn chi phí sinh hoạt trong 7 triệu đồng, còn lại để tiết kiệm.
Trong vòng 2 năm, vợ chồng chị trả hết nợ bố mẹ hai bên và để dư được gần 700 triệu đồng.
Số tiền này, anh chị tìm hiểu và quyết định đầu tư vào mua đất. Được một người bạn giới thiệu, hai vợ chồng về Đông Anh mua 2 mảnh đất nhỏ, mỗi mảnh 35m2 với giá 10 triệu/m2.
Gần 2 năm sau, khu đất anh chị mua có dự án làm đường đi qua nên giá đất tăng gấp đôi. Ban đầu, hai vợ chồng chưa tính bán vì chưa có kế hoạch lớn nhưng sau vài tháng, có khách hỏi mua với giá 24 triệu đồng/m2, anh chị bán ngay, thu về gần 1,7 tỷ đồng.
Giữa năm 2019, chủ nhà có việc cần tiền nên đăng bán mặt bằng mà vợ chồng chị Liên thuê với giá 2,8 tỷ đồng. Thấy vậy, anh chị nhanh chóng hỏi mua vì vừa tiện công việc kinh doanh giặt là đang thuận lợi mà lại không tốn thời gian, công sức đi tìm mua mặt bằng chỗ khác.
Có 1,7 tỷ đồng tiền bán đất trước đó, thêm gần 500 triệu đồng tiền tiết kiệm được trong 2 năm vừa qua, anh chị vay thêm ngân hàng 600 triệu đồng để mua đứt mặt bằng kinh doanh hiện tại.
Dù phải mang thêm một khoản nợ không nhỏ nhưng vợ chồng chị Liên cảm thấy hài lòng vì cuối cùng cũng được sở hữu cửa hàng riêng như mong muốn. Gia đình, bạn bè khi biết tin đều gửi lời chúc mừng khiến anh chị càng có thêm động lực cày cuốc để trả nợ ngân hàng.
Đến thời điểm hiện tại, sau hơn 1 năm mua mặt bằng, anh chị đã thanh toán được 3/4 khoản nợ. Chẳng mấy mà tất toán xong với phía ngân hàng. Từ giờ, anh chị càng yên tâm làm ăn, không còn nơm nớp lo người ta đòi lại mặt bằng. Tiền lãi hàng tháng lại được tiết kiệm để phục vụ những mục đích to lớn hơn trong tương lai.
(Theo Dân Trí)