Theo Tổ chức Y tế Thế giới, trong thập kỷ vừa qua, đuối nước đã cướp đi sinh mạng của hơn 2,5 triệu người trên toàn cầu. Ước tính, mỗi năm có khoảng 236.000 người tử vong do đuối nước. Đây là một trong những nguyên nhân hàng đầu gây tử vong ở trẻ em từ 5 đến 14 tuổi.

Tại Việt Nam, theo số liệu của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, mỗi năm có gần 2.000 trẻ dưới 16 tuổi tử vong do đuối nước. 

Phòng tránh tử vong do đuối nước, theo Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP.HCM, cần lưu ý những cách phòng tránh đuối nước ở trẻ em và sơ cứu, cấp cứu trẻ bị đuối nước. 

Thứ nhất, nguy cơ tiềm ẩn gây đuối nước ngay tại gia đình như xô, chậu, chum, vại chứa nước; phòng tắm không có chốt cửa, bồn tắm, xô chậu chưa đổ nước; giếng nước không có nắp đậy hoặc tường bao chưa đủ cao; bể bơi tại nhà không có rào chắn.

Nguy cơ tiềm ẩn gây đuối nước trong môi trường tự nhiên gồm: sông, kênh rạch; suối; ao, hồ; hố ga không đậy nắp; công trình xây dựng; thiên tai, bão lũ.

Thứ hai, trẻ em cần được giám sát bởi người lớn có đủ năng lực hành vi khi ở gần nguồn nước mở. Cha mẹ, người chăm sóc trẻ luôn ở bên cạnh trẻ em, luôn để trẻ em trong tầm quan sát của mình, đặc biệt là trẻ em dưới 3 tuổi.

hocboi-vnn-1.jpeg
Trẻ cần được trang bị những kỹ năng cơ bản như làm thế nào để cứu được bạn bị đuối nước, hay chẳng may đuối nước thì sẽ xử lý ra sao... 

Tại gia đình, nếu cha mẹ, người chăm sóc trẻ phải ra ngoài và nhờ người trông giúp, cần xem xét những yếu tố sau:

- Họ có đủ năng lực hành vi không?

- Khả năng giám sát trẻ em của họ thế nào?

- Trong gia đình đó và khu vực xung quanh có nguy cơ đuối nước không?

- Luôn cẩn trọng với các khu vực ao, hồ, sông, suối xung quanh nơi sống.

Thứ ba, hãy dạy trẻ em về nguyên nhân và những nguy cơ đuối nước. Trẻ cần được giáo dục rằng không chơi hoặc đến gần các nguồn nước mở, trừ khi được người lớn giám sát. Nếu thấy ai đó gặp đuối nước, trẻ em cần gọi người lớn ngay lập lức. Nếu không, giúp đỡ bằng cách đưa sào, gậy hoặc quăng dây, vật nổi như chai nước rỗng cho người gặp nạn. Tuyệt đối không xuống nước để cứu người bị nạn.

Thứ tư, làm rào chắn an toàn là lưu ý quan trọng. Rào chắn hoặc nắp đậy an toàn giúp ngăn trẻ em tiếp cận các nguồn nước mở (như ao, mương, hồ nước, giếng nước, lu nước, …); Rào chắn, nắp đậy có thể làm từ các vật liệu sẵn có như tre, gỗ, … nhưng phải an toàn, không gây thương tích, phù hợp với lứa tuổi và chiều cao của trẻ em.

Bên cạnh đó, luôn đóng cửa, khóa an toàn và rào chắn ở khu vực xung quanh nhà, khu vực trẻ chơi, nhà tắm, khu vệ sinh hoặc bể bơi trong khuôn viên.

Đối với trẻ em dưới 3 tuổi, để trẻ trong cũi an toàn là biện pháp hiệu quả, không chỉ giúp trẻ phòng tránh đuối nước mà còn các nguy cơ thương tích khác như bỏng, ngã, hóc dị vật.

Đối với các khu vực như sông, suối, ao, hồ khó có thể làm rào chắn thì phải chắc chắn khi trẻ chơi các địa điểm này bắt buộc phải có người lớn kế bên.

Liên quan đến sơ cứu, cấp cứu trẻ đuối nước, Bệnh viện Nhi Trung ương và nhiều cơ sở y tế vào mùa hè liên tiếp tiếp nhận các trường hợp nguy kịch vì tai nạn đuối nước tại bể bơi, ao hồ...

Điều đáng nói, rất ít trẻ được sơ cấp cứu ban đầu đúng cách, nhiều trường hợp được cấp cứu ngừng tuần hoàn sai cách. Nhiều trường hợp dù không tỉnh, không thở nhưng vẫn không được cấp cứu ngừng tim ngay, thay vào đó là bế dốc chạy vòng quanh, làm chậm trễ cấp cứu, tăng nguy cơ trào ngược và trẻ hít phải các chất dịch từ dạ dày vào phổi.

Theo Tiến sĩ Phan Hữu Phúc, Viện trưởng Viện Đào tạo và Nghiên cứu Sức khoẻ Trẻ em, Bệnh viện Nhi Trung ương, sơ cấp cứu ban đầu cho trẻ đuối nước rất quan trọng vì nguyên nhân chính gây tử vong ở trẻ đuối nước là tổn thương não do thiếu oxy.

Thời gian chịu đựng thiếu oxy của não tối đa chỉ khoảng từ 3-5 phút, nếu quá thời gian này sẽ dẫn tới tổn thương não không hồi phục, gây tử vong hoặc di chứng thần kinh. Do đó, khi thấy một trẻ bị đuối nước không tỉnh, không thở, ngừng tim thì cần phải hồi sức tim phổi (thổi ngạt, ép tim) ngay vì đây là thời điểm vàng để cứu sống trẻ.

Võ Thu và nhóm PV, BTV