Ông H.V.V, 60 tuổi, ở thị trấn Quảng Hà, huyện Hải Hà, Quảng Ninh, mắc tăng huyết áp, đái tháo đường từ 10 năm nay. Trung tâm Y tế huyện Hải Hà, nơi ông V. đến khám và lĩnh thuốc hàng tháng, mỗi ngày khám ngoại trú và điều trị nội trú cho khoảng 600 bệnh nhân, khá đông cho lượng nhân lực chỉ có 42 bác sĩ.
Nhiều năm trước, cơ sở y tế này đã bố trí nhiều nhân lực hướng dẫn người bệnh từ cửa khu khám bệnh, nhưng rất nhiều thời gian trong ngày xảy ra quá tải cục bộ tại khu vực này do các thủ tục hành chính nhiều giấy tờ. Dù đã “quen mặt” với các thầy thuốc tại đây nhưng ông V. cũng có lúc phải chờ rất lâu mới được khám, trong khi trên tay cầm rất nhiều hồ sơ cũ.
Hiện nay, ông đi viện không cần tìm thẻ BHYT, không phải mang theo hồ sơ lưu trữ bằng giấy, hay phim chụp cồng kềnh của những lần đi viện trước, thậm chí không cần mang tiền mặt. Đến viện, ông cũng không phải chờ đợi lâu như trước.
Bệnh viện không sử dụng giấy
Bác sĩ chuyên khoa II Bùi Mạnh Hùng, Giám đốc Trung tâm, chia sẻ hiện nay các hoạt động khám chữa bệnh của cơ sở đều không sử dụng giấy. Chỉ với điện thoại thông minh, người dân có thể đăng ký và nhận kết quả khám, xét nghiệm, chẩn đoán hình ảnh. Khi đến khám chỉ cần mang căn cước công dân có gắn chíp, thanh toán viện phí bằng mã QR tĩnh hoặc động.
“Kết quả xét nghiệm của người dân được lưu trữ suốt đời trên tài khoản có mã số, mật khẩu riêng. Những người mắc bệnh mạn tính như ông V. có thể theo dõi tình hình sức khỏe của cá nhân liên tục, suốt đời”, bác sĩ Hùng cho biết.
Đặc biệt, với các bệnh nhân cấp cứu, nếu phải chuyển tuyến, bệnh nhân cũng có thể “đi tay không” lên tuyến trên. Do phần mềm quản lý bệnh viện (HIS) và hệ thống lưu trữ hình ảnh (PACS) của Trung tâm Y tế Hải Hà “tương thích” với các bệnh viện tuyến tỉnh trên địa bàn (như Bệnh viện đa khoa tỉnh, Bệnh viện Bãi Cháy, hay Bệnh viện Sản Nhi tỉnh), bác sĩ tuyến trên không cần chỉ định bệnh nhân làm lại các kết quả xét nghiệm, chụp chiếu cận lâm sàng. Tiền sử bệnh tật và quá trình điều trị cũng được cung cấp ngay qua bệnh án điện tử trong quá trình bệnh nhân chuyển tuyến.
Một trường hợp khác, bệnh nhân nam, 39 tuổi, sau khi chụp CT tại Trung tâm Y tế huyện Hải Hà cách đây vài tháng, thầy thuốc nghi ngờ có nang màng nhện ở não. Sáng 3/8, bệnh nhân Bệnh viện Bãi Cháy khám, không cần mang theo hồ sơ, phim chụp, giấy tờ từ lần khám trước ở gần nhà.
Thầy thuốc tại Bệnh viện Bãi Cháy liên hệ về Trung tâm Y tế Hải Hà và được cung cấp toàn bộ hồ sơ, bệnh án, lịch sử các kết quả cận lâm sàng liên quan của nam bệnh nhân, chỉ thông qua một địa chỉ đường dẫn hoặc mã QR.
Tháng 3 năm nay, Trung tâm Y tế Hải Hà trở thành là cơ sở y tế tuyến huyện đầu tiên của Quảng Ninh công bố triển khai bệnh án điện tử thay thế hoàn toàn bệnh án giấy. Ba tháng sau, Trung tâm Y tế huyện Tiên Yên “gia nhập” đường đua chuyển đổi số y tế, trở thành cơ sở y tế thứ 5 của tỉnh Quảng Ninh sử dụng bệnh án điện tử.
“Hiện Trung tâm Y tế Hải Hà không in bất kỳ loại phim nào, tất cả đều lưu trữ trên hệ thống. Nhờ vậy, chúng tôi ước tính tiết kiệm khoảng 1 tỷ đồng/năm”, bác sĩ Hùng cho hay. Ngoài ra, mỗi năm, hơn 100 triệu đồng lưu trữ giấy tờ liên quan cũng được tiết kiệm.
Gần một nửa số bệnh viện đã chuyển sang bệnh án điện tử thuộc tuyến huyện
Theo dữ liệu cải cách hành chính từ website Bộ Y tế, đến đầu tháng 8, cả nước mới có khoảng 50 cơ sở y tế (gồm cả công lập và tư nhân) chính thức công bố chuyển từ bệnh án giấy sang bệnh án điện tử. Quảng Ninh thuộc top 2 địa phương có số cơ sở công lập dùng bệnh án điện tử nhiều nhất cả nước, chỉ sau Phú Thọ (17 cơ sở).
Trong số gần 50 cơ sở y tế này, khoảng một nửa là cơ sở tuyến huyện, riêng tỉnh Phú Thọ “đóng góp” 11 trung tâm y tế huyện. Một số trung tâm y tế tuyến huyện khác đã hoàn tất quá trình nghiệm thu, xác định đủ điều kiện triển khai bệnh án điện tử, chờ ngày công bố.
Tại Phú Thọ, nhiều trung tâm y tế đã chính thức sử dụng hệ thống truyền tải hình ảnh PACS; kết nối phần mềm quản lý nhà thuốc bệnh viện, quầy thuốc trạm y tế với phần mềm quản lý nhà thuốc của Bộ Y tế; sử dụng căn cước công dân trong đăng ký khám, chữa bệnh BHYT; thanh toán viện phí không dùng tiền mặt...
Bác sĩ Nguyễn Thế Đoàn, Giám đốc Trung tâm Y tế huyện Thanh Thủy, Phú Thọ, cho hay cơ sở này đã chuyển sang dùng bệnh án điện tử từ cuối năm 2021. Với khoảng 1.000 bệnh nhân ngoại trú và nội trú khám và điều trị mỗi ngày, trong khi có chưa đến 100 bác sĩ, chuyển đổi số là yêu cầu cần thiết để đảm đương việc chăm sóc sức khỏe cho người dân.
“Thuận tiện, chính xác, rõ ràng minh bạch” là hiệu quả lớn nhất với người dân và thầy thuốc mà bác sĩ Đoàn nhắc đến khi đề cập hiệu quả của bệnh án điện tử. Bệnh nhân không phải mang nhiều giấy tờ, tất cả đều được xử lý qua điện thoại.
Bệnh viện huyện gặp khó gì với bệnh án điện tử?
Theo bác sĩ Bùi Mạnh Hùng, khi thực hiện hồ sơ bệnh án điện tử cũng gặp nhiều khó khăn. Trong đó, việc nhân viên y tế, đặc biệt là với đối tượng “có tuổi”, việc thay đổi lề lối làm việc, việc ứng dụng CNTT tương đối khó khăn. Thậm chí, có ý kiến lo lắng vì trước đây hồ sơ giấy có thể “tẩy, viết, tẩy, viết”, nhưng nay, các hoạt động trên nền tảng hồ sơ được thể hiện theo thời gian thực, lưu trữ “dấu vết”, nên nhân viên y tế phải thực sự nghiêm túc, kịp thời, chính xác.
Với người dân, đặc biệt tại các cơ sở y tế tuyến huyện vùng xa, người dân cao tuổi, dân tộc thiểu số, thậm chí không dám mạnh dạn dùng điện thoại nên không ít người ban đầu khá bỡ ngỡ, với việc ứng dụng việc khám chữa bệnh không giấy tờ.
Liên quan đến chuyển đổi số y tế, nhiều cơ sở y tế phàn nàn khó khăn trong nhân lực công nghệ thông tin, vừa khó tuyển dụng lại khó “giữ chân”. Theo bác sĩ Hùng, khó khăn này xuất hiện từ khi cơ sở này thực hiện phần mềm quản lý bệnh viện. Hiện cơ sở này có 2 kỹ sư CNTT, 1 trình độ thạc sỹ, 1 trình độ cao đẳng, thường xuyên đào tạo, tập huấn để đáp ứng nhu cầu nhiệm vụ. Để “níu chân” lực lượng này, đơn vị có cơ chế hỗ trợ hàng tháng, bình xét nguồn nhân lực chất lượng cao để bổ sung thu nhập cho kỹ sư CNTT làm việc hiệu quả.
Ngoài nhân lực, hạ tầng CNTT, điều kiện cần thiết đầu tiên khi muốn triển khai hồ sơ bệnh án điện tử, cũng là khó khăn. Việc mua sắm tốn kém kinh phí và thời gian do hình thức mua sắm tập trung, thủ tục phê duyệt qua nhiều bước, trong khi hiện nay CNTT chưa được cơ cấu vào giá dịch vụ y tế.