Thầy giáo Chung Trường Thành, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Na Mèo, cho biết, điểm trường khu Son - Sa Ná, thuộc Trường Tiểu học xã Na Mèo trước đây là nơi học tập của 71 học sinh ở cả 2 bản. Tuy nhiên, cơn lũ ngày 3/8 đã cuốn trôi và xóa sổ hoàn toàn điểm trường.
Trường học ở Sa Ná tan hoang sau lũ. Ảnh: Hồng Đức |
Đây cũng là nơi chịu thiệt hại nặng nề nhất với 4 phòng học xây cấp 4 cùng toàn bộ cơ sở vật chất; trang thiết bị dạy học, đồ dùng cá nhân của giáo viên, nhà vệ sinh của giáo viên,... Một giáo viên hợp đồng của trường có con trai 3 tháng tuổi bị nước cuốn mất tích, chồng bị nước cuốn trôi gây gãy xương sườn, dập thận nặng, đang cấp cứu tại bệnh viện tỉnh .
Hiện trường vẫn còn 1 học sinh lớp 2 mất liên lạc là em Hà Văn Chấn. Hai học sinh Hà Văn Quỳnh (lớp 4) và Thao Anh Xuân (lớp 3) cũng bị lũ cuốn nhưng đã tìm thấy thi thể.
Trường lớp tan hoang. Ảnh: Hồng Đức |
Để kịp thời có nơi tổ chức dạy học cho học sinh, UBND huyện đã chỉ đạo Phòng GD-ĐT kêu gọi hỗ trợ để thực hiện lắp ghép 4 phòng học hoàn thành trước ngày khai giảng năm học mới.
Hiện tại, cả 4 phòng học đã được đưa vào sử dụng. Nhà trường cũng đưa bàn ghế, sách vở, đổ dùng học tập do một số nhà hảo tâm tài trợ vào phục vụ việc học tập cho các em.
"Trong số 71 học sinh Tiểu học của hai khu Son và Sa Ná, nhà trường sẽ tổ chức dạy thành 4 lớp, trong đó có một lớp học ghép 2 trình độ. Song song với đó, hai điểm trường mới cho học sinh tiểu học và mầm non của khu Son, Sa Ná sẽ được huyện xây dựng mới ở khu tái định cư thuộc đồi Pom Ngồ, bản Sa Ná, cách điểm trường cũ khoảng 1km" - thầy Thành cho biết.
Cách đó 20km, điểm trường lẻ tại bản Cha Khót, xã Na Mèo mặc dù không bị lũ quét qua nhưng cũng bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Để đến được điểm trường, hai cô giáo phải nhờ dân bản đưa xe máy qua suối nước sâu.
Tại khu Chè của Trường Mầm non Trung Tiến cũng đã bị sập hoàn toàn, không thể sử dụng trong năm học mới.
Trong thời gian chờ xây dựng phòng học mới, Phòng GD-ĐT đã chỉ đạo nhà trường trước mắt dồn học sinh khu Chè về học tại Khu chính và khu Lốc. Sau khi có đầy đủ phòng học và cơ sở vật chất sẽ thực hiện dồn học sinh của khu Cum và khu Chè học tại khu Chè.
Đối với các điểm trường bị thiệt hại nhẹ và ảnh hưởng, UBND huyện chỉ đạo các nhà trường cùng với địa phương khắc phục để đảm bảo cơ sở vật chất cho việc dạy và học trước khi bước vào năm học mới.
Đối với các trường hợp giáo viên và gia đình học sinh bị thiệt hại nặng nề, huyện cùng các tổ chức, cá nhân đã đến thăm hỏi, động viên cả về tinh thần và vật chất; kêu gọi các nhà hảo tâm tương thân tương ái hỗ trợ.
Ông Lê Đình Xuân - Trưởng phòng GD-ĐT huyện Quan Sơn cho biết, để có cơ sở vật chất phục vụ cho việc dạy và học ở những điểm trường bị hư hại, Phòng GD-ĐT huyện đã làm văn bản đề nghị hỗ trợ đầu tư kinh phí để xây mới 5 phòng học cho mầm non và 5 phòng học cho tiểu học Na Mèo; 1 bếp ăn bán trú cho học sinh mầm non; 5 phòng nhà ở giáo viên và các công trình phụ trợ (cổng, tường rào, nhà vệ sinh…); trang cấp trang thiết bị, bàn ghế và đồ dùng dạy học.
Tại điểm trường khu Chè của Trường mầm non Trung Tiến đề nghị xây mới 4 phòng học, 1 bếp ăn bán trú cho học sinh và các công trình phụ trợ (cổng, tường rào, nhà vệ sinh…); trang cấp trang thiết bị và đồ dùng dạy học; đồng thời hỗ trợ kinh phí cho các điểm trường còn lại khắc phục các thiệt hại về cơ sở vật chất do thiên cơn bão số 3 gây ra để các nhà trường đảm bảo về cơ sở vật chất, tổ chức tốt các hoạt động dạy và học.
Đến trường với balo, túi nilon và quần đùi |
Vượt suối đến trường. Sau khi điểm trường tại Son - Sa Ná bị sập, học sinh được đưa về học tạm tại 4 phòng học lắp ghép |
Học trò đến lớp với đồng phục và bàn ghế mới của các nhà tài trợ. Đây là lớp học ghép 3 trình độ là ở điểm trường Cha Khót, Điểm trường lẻ của Trường Tiểu học Na Mèo |
Niềm vui đầu năm học |
Thuý Nga - Hạ Anh
Cô giáo mầm non đội mưa, leo nóc trường gia cố lớp học trước bão
Hàng chục nữ giáo viên mầm non ở Hà Tĩnh đã đội mưa bê bì cát, leo nóc trường để gia cố lại lớp học phòng chống bão số 4.