Đây có thể nói là bộ sưu tập đồ sộ nhất về lĩnh vực này ở Việt Nam tính đến thời điểm hiện tại. Anh Nguyễn Đương cho biết anh bắt đầu "nhặt nhạnh" những cuốn vở đầu tiên vào năm 2010.
"Tôi sinh ra tại Thái Bình. Lúc đầu, tôi cũng chỉ muốn tìm mua lại những cuốn vở thời mình đi học để lưu giữ lại một chút kỷ niệm tuổi thơ. Nhưng về sau, tôi nhận ra đây là một đề tài rất hay và ý nghĩa nên quyết định đầu tư thêm nhiều thời gian và tiền bạc để sưu tầm. Kết quả là đã hình thành một bộ sưu tập trải dài qua nhiều thời kỳ của giáo dục Việt Nam từ đầu thế kỉ 20 đến nay".
Thời gian đầu, anh Đương chủ yếu mua vở từ các hiệu sách cũ và thông qua diễn đàn về sách xưa, đồ xưa. Từ những năm 2014, khi mạng xã hội phát triển mạnh ở Việt Nam, nhiều người chuyên mua bán sách cũ bắt đầu bán sách trên facebook, zalo, anh cũng dần chuyển sang sưu tầm online, đặt mua ở các shop buôn bán trên các trang mạng xã hội.
"Những quyển vở tôi sưu tập trải dài trên nhiều giai đoạn trong suốt 100 năm qua, đa phần là từ đầu những năm 2000 trở về đầu thế kỉ trước.
Trong số đó có một số quyển rất hiếm, bao nhiêu năm qua tôi chỉ gặp duy nhất có một lần và đã kịp mua về, sau đó trở đi chưa từng nhìn thấy thêm lần nào nữa. Hiếm nhất là các cuốn đầu thế kỉ 20 và những cuốn vở học sinh ngoài miền Bắc những năm 1930 đến đầu những năm 1960" - anh Đương chia sẻ.
Vở học sinh không giống như sách giáo khoa có ghi cụ thể năm in ấn, nên theo anh Đương, thường muốn biết niên đại chỉ có cách là xem nội dung viết bên trong ghi chú vào năm nào. Thế nhưng ngay cả khi trong vở có ghi chú ngày tháng năm thì cũng chưa chắc đã chính xác, bởi cuốn vở hoàn toàn có thể đã được in và bày bán từ cách đó rất lâu.
"Trong bộ sưu tập có nhiều cuốn vở mà theo tôi, được in từ đầu thế kỉ 20 cách đây đã hơn 100 năm. Một vài cuốn bên trong ghi chú ngày tháng rất lâu đời như 1920, 1924, 1925, 1936… Có vài cuốn vở kiểu học sinh tự mua bìa và giấy về đóng có lẽ cũng đã từ rất lâu rồi mà theo như mình suy đoán có thể niên đại vào cuối thế kỉ 19".
Trong bộ sưu tập khổng lồ này, cuốn vở anh Đương đặc biệt yêu quý chính là quyển vở đầu tiên trong cuộc đời học sinh của anh.
"Đó là cuốn vở ở kỳ học đầu tiên lớp 1 (năm 1990) sau bao năm tôi vẫn còn nhớ như in, với bìa vở hình con thỏ đang ngồi học viết dưới tán cây.
Thời đó, tụi học sinh lớp 1 ở làng quê vẫn dùng cây bút ngòi tre, còn mực tím thì được pha ra từ những viên mực đã đóng gói sẵn. Loại bút này khá bất tiện, chỉ viết được dăm ba chữ đã lại phải chấm vào lọ mực để viết tiếp, đã thế còn hay bị tắc. Mấy cô cậu mới vào lớp 1 vẫn còn khá hậu đậu, sử dụng bút chưa quen nên cứ khi bị tắc là vẩy bút, khiến mực văng bắn tứ tung vào sách vở, áo quần, thậm chí lấm lem lên cả mặt mày. Lên lớp 2, chúng tôi chuyển sang dùng bút bi và bút máy" - anh Đương nhớ lại.
Trong khi đó, khiến anh tốn công và tốn tiền nhất để sưu tầm là quyển vở bên trong ghi lại những dòng lưu bút của một nữ sinh tên là Trịnh Băng Tâm, học tại trường nữ trung học Gia Long niên khóa 1938-1942 (ngày nay là Trường PTTH Nguyễn Thị Minh Khai, TP.HCM).
Đây cũng là cuốn lưu bút học trò có tuổi đời lâu nhất trong bộ sưu tập lưu bút của anh Đương và phải mất thời gian rất lâu, hơn 10 năm, anh mới sưu tầm được.
Anh Đương cho biết hiện tại, bộ sưu tập đã đạt đến số lượng lớn với gần 5.000 cuốn, trải qua rất nhiều giai đoạn lịch sử của nền giáo dục Việt Nam.
Sắp tới, anh dự định sẽ giới thiệu tới mọi người hình ảnh và nội dung của các cuốn vở đặc sắc với đầy hoài niệm này thông qua website thuongmaitruongxua cũng như các đoạn phim ngắn Vlog, Tiktok về chủ đề này.