Bối cảnh khẩn cấp, lo thiếu gạo
Đó là cụm từ được Bộ Công Thương sử dụng trong văn bản khi đề cập đến việc tạm dừng xuất khẩu gạo từ cuối tháng 3 (đến tháng 5 việc xuất khẩu gạo trở lại bình thường).
Theo Bộ Công Thương, 2 tháng đầu năm xuất khẩu tăng tới 31,7% so với cùng kỳ 2019. Đến ngày 15/3, xuất khẩu đạt 1,3 triệu tấn, tăng 370.000 tấn so với cuối tháng 2/2020. Như vậy bình quân mỗi ngày trong 15 ngày đầu tháng 3, xuất khẩu khoảng 25.000 tấn.
“Nếu xuất khẩu vẫn giữ nguyên tốc độ như 15 ngày đầu tháng 3, quý I/2020 sẽ xuất khẩu gần 1,7 triệu tấn, tăng gần 21% so với cùng kỳ năm 2019. Quý II có thể đạt trên 2 triệu tấn. Tổng cộng 6 tháng đầu năm có thể sẽ xuất khẩu trên 3,7 triệu tấn, lớn hơn nhiều so với lượng gạo hàng hóa có thể dành cho xuất khẩu là 3 triệu tấn”, Bộ Công Thương cho biết.
Bộ Công Thương lo thiếu gạo nên đã phải đề nghị tạm dừng xuất khẩu. |
Cùng với giá gạo liên tục tăng cao, diễn biến dịch bệnh Covid-19 và tâm lý người dân, Bộ Công Thương nhận định “khả năng thiếu gạo cho tiêu dùng trong nước là có thể xảy ra”.
Vì thế, ngày 23/3, Bộ Công Thương đã có văn bản mời lãnh đạo Bộ NN-PTNT, Hiệp hội Lương thực Việt Nam và các thương nhân kinh doanh xuất khẩu gạo tham dự cuộc họp bàn về điều hành xuất khẩu gạo trong bối cảnh dịch bệnh. Tuy nhiên, cuộc họp phải hoãn sau khi có Thông báo 121 của Văn phòng Chính phủ (thông báo việc tạm dừng xuất khẩu gạo).
Diễn biến việc tạm dừng xuất khẩu gạo đã trở thành vấn đề nóng đã được báo chí đề cập khá nhiều. (xem diễn biến chi tiết tại đây).
Nhắc đến việc điều hành hạn ngạch xuất khẩu gạo 400.000 tấn và những lùm xùm sau đó, Bộ Công Thương cho rằng: Tất cả các phương thức điều hành hạn ngạch đều có mặt thuận và mặt không thuận. Trong bối cảnh phải áp dụng hạn ngạch để bảo đảm tuyệt đối an ninh lương thực, theo Bộ này, là tương đối công bằng, có tính công khai, minh bạch, dễ thực hiện, dễ giám sát, khó phát sinh các rủi ro về đạo đức cũng như tham nhũng, lợi ích nhóm,...
Bộ Công Thương cũng nhìn nhận thực tế nguyên tắc quản lý hạn ngạch xuất khẩu 400.000 tấn là “cơ chế lần đầu tiên áp dụng” khi thực hiện thủ tục hải quan điện tử tại cơ quan hải quan, cho nên Bộ Tài chính và Bộ Công Thương “còn có chỗ phối hợp chưa được đồng bộ”. Vấn đề này sau đó cũng đã được phối hợp chặt chẽ, kịp thời hơn.
Thời điểm này không còn lo thiếu gạo. Ảnh: Lương Bằng |
Tiếp tục cho xuất khẩu gạo vì không lo thiếu
Nói về lý do tiếp tục xuất khẩu gạo sau thời gian tạm dừng và cấp hạn ngạch, Bộ Công Thương cho biết đến cuối tháng 4/2020, các yếu tố quan trọng nhất dẫn đến quyết định giãn tiến độ xuất khẩu gạo vào cuối tháng 3 đã có sự thay đổi đáng kể theo hướng tốt lên.
Báo cáo kết quả sản xuất gạo 6 tháng đầu năm và kế hoạch 6 tháng cuối năm, Bộ Công Thương cho hay dự kiến sản lượng lúa năm 2020 đạt hơn 7,4 triệu ha. Sản lượng thóc dự kiến đạt 43,4 triệu tấn năm 2020. Con số này sẽ bảo đảm cung ứng đầy đủ nhu cầu lúa gạo trong nước và một phần cho xuất khẩu. |
Cụ thể công tác phòng chống dịch Covid-19 đạt kết quả tích cực; nới lỏng việc giãn cách xã hội; nguồn cung hàng thiết yếu trong nước đảm bảo; tâm lý người dân ổn định trở lại; vụ Đông Xuân tại khu vực Bắc Bộ và Bắc Trung Bộ đã ổn định và thu hoạch thuận lợi; vụ Đông Xuân tại khu vực Duyên Hải Nam Trung Bộ và Tây Nguyên được mùa,... Lượng hạo hàng hóa có thể xuất khẩu là khoảng 3,2 triệu tấn (tính cả lượng gạo “gối đầu” từ năm trước chuyển qua).
Theo Bộ Công Thương, với lượng gạo có thể xuất khẩu là 3,2 triệu tấn, trừ đi con số xuất khẩu của 4 tháng đầu năm, lượng gạo còn lại có thể xuất khẩu từ đầu tháng 5 tới giữa tháng 6 là khoảng 1,3 triệu tấn. Con số này chưa tính lượng gạo hàng hóa được bổ sung từ thu hoạch sớm tại một số vùng trong nửa cuối tháng 5, dự kiến khoảng 100.000 ha.
Qua theo dõi của Bộ Công Thương, trong vòng 5 năm trở lại đây, Việt Nam chưa khi nào xuất khẩu được 700.000 tấn gạo/tháng.
“Như vậy, kể cả trong trường hợp tháng 5 xuất khẩu được 700.000 tấn, vẫn còn tồn ít nhất 600.000 tấn trong nửa đầu tháng 6, trước khi được bổ sung nguồn cung từ vụ Hè Thu thu hoạch rộ. Đây là điểm khác biệt cơ bản về cung - cầu gạo so với thời điểm cuối tháng 3/2020”, Bộ Công Thương nhận định.
Vì thế, từ ngày 1/5, Thủ tướng đồng ý với đề xuất của Bộ Công Thương cho phép xuất khẩu gạo trở lại bình thường.
Kết quả đấu thầu lại hơn 182.000 tấn gạo, có hơn 151.000 tấn đã phê duyệt kết quả trúng thầu và đã ký hợp đồng; hơn 31.000 tấn không có nhà thầu trúng thầu.
Lương Bằng
Kiểm tra xong, Bộ Công thương muốn xuất khẩu gạo 'có kiểm soát'
Bộ Công Thương từng kiến nghị tạm dừng xuất khẩu gạo hết tháng 5; ngay sau đó 1 ngày lại xin cho xuất khẩu trở lại. Sau khi đi kiểm tra, rà soát, Bộ lại muốn cho xuất khẩu "có kiểm soát".