Liên tiếp phá các kho hàng lậu "khủng"
Mới đây, vụ việc kho hàng lậu rộng 10.000m2 tại Lào Cai bị phát hiện gây “sốt” dư luận. Lực lượng quản lý thị trường (QLTT) ghi nhận kho này có 237 chủng loại hàng hóa, với hơn 158.000 sản phẩm là giày dép, kính mắt, đồng hồ, hàng tiêu dùng,... Toàn bộ hàng hóa tại đây là hàng lậu, giả mạo nhãn hiệu của các thương hiệu nổi tiếng, không có hóa đơn chứng từ.
Chủ kho hàng là Trần Thành Phú, sinh năm 1992 tại Lào Cai. Nhóm của Phú thuê trên 70 nhân viên để vận hành kho hàng và kinh doanh thương mại điện tử (TMĐT) bán lẻ bằng hình thức phát hình trực tiếp (livestream) trên Facebook. Mỗi ngày, nhóm này bán được trên 1.000 đơn hàng, doanh thu bán lẻ là hơn 10 tỷ đồng/tháng.
Tổng lũy kế giao dịch của kho hàng này từ tháng 10/2018 đến khi bị phát hiện là hơn 649 tỷ đồng. Theo Tổng cục QLTT, đây là vụ kinh doanh hàng lậu, hàng giả thông qua TMĐT lớn nhất tới nay.
Các mặt hàng tại kho hàng lậu ở Lào Cai. |
Vụ việc trên 100.000 sản phẩm hàng lậu, hàng giả, hàng cấm bị phát hiện ngày 16/7 tại cơ sở dịch vụ bưu chính nằm trong khuôn viên cảng ICD Mỹ Đình (Hà Nội) - nơi đặt trụ sở của cơ quan hải quan - cũng gây xôn xao. Cơ sở này do một người quốc tịch Trung Quốc đứng đầu. Sản phẩm tại đây gồm chăn ga, quần áo, mỹ phẩm, đồ gia dụng các loại,... Doanh nghiệp chỉ cung cấp được 1 hóa đơn giá trị gia tăng kèm tờ khai hải quan nhưng đối chiếu với hàng hóa cụ thể thì không phù hợp về chủng loại, kích thước.
Trước đó, vào ngày 16/6, cơ quan chức năng kiểm tra cơ sở kinh doanh tại Thanh Oai, Hà Nội, do ông Đào Xuân Sơn làm chủ và phát hiện 10.987 sản phẩm, gồm: nước hoa, dầu gội, bột ngũ cốc... không có hóa đơn chứng từ chứng minh nguồn gốc xuất xứ, có dấu hiệu là hàng lậu và giả mạo nhãn hiệu Gucci và Sensodyne.
Ngày 4/6, lực lượng QLTT kiểm tra 7 điểm kinh doanh quần áo, phụ kiện thời trang tại 2 chợ Phú Điền và Sơn Long, thuộc xã Ninh Hiệp, Gia Lâm, Hà Nội. Đoàn kiểm tra đã thu giữ gần 4.700 sản phẩm quần áo, dây lưng có dấu hiệu giả, nhái nhãn hiệu nổi tiếng và hàng lậu tại đây.
Lực lượng chức năng kiểm tra khu chợ vải Ninh Hiệp. |
Vào ngày 6/5, cơ quan chức năng phát hiện một kho hàng chứa hàng nhập lậu lớn tại quận Tân Phú, TP.HCM chứa gần 600 sản phẩm thuộc 5 nhóm mặt hàng: máy lạnh đã qua sử dụng, bếp gas, bếp điện, máy lọc không khí, dàn loa amply. Khu vực kho bãi này là một trong những điểm nóng phức tạp về trung chuyển hàng lậu từ biên giới Tây Nam thẩm lậu vào sâu thị trường nội địa.
Từ đầu năm đến nay, tình trạng vận chuyển, kinh doanh hàng giả, hàng nhái, gian lận thương mại “nóng” trên tất cả các tuyến: đường bộ, đường biển, đường hàng không và cả kênh bán hàng trực tuyến.
Tổng cục QLTT cho biết, tính đến tháng 6/2020, cơ quan này đã phát hiện, xử lý trên 26.000 vụ vi phạm, thu nộp ngân sách nhà nước hơn 173 tỷ đồng. Năm 2019, Tổng cục QLTT đã phát hiện, xử lý trên 90.000 vụ vi phạm về hàng giả, hàng lậu, ước thu nộp ngân sách gần 670 tỷ đồng.
Thủ đoạn tinh vi
Hàng giả, hàng nhái tồn tại và hoạt động ngày càng phức tạp. Các đối tượng vi phạm sử dụng thủ đoạn rất tinh vi từ khâu chọn địa điểm tập kết, vận chuyển đến khâu bán hàng.
Ở khâu tập kết, trước đây, hàng lậu, hàng giả thường được đưa về các kho sau đó xé lẻ đến cơ sở kinh doanh rồi mới bán. Gần đây, hàng hóa được tập kết tại các tổng kho, các kho hàng lớn rồi được xé lẻ ngay tại kho, tổng kho và thông qua dịch vụ vận chuyển, chuyển phát và chuyển đến tay người tiêu dùng.
Các đối tượng buôn lậu cũng chọn những nơi đắc địa, tiện lợi để làm kho hàng. Chẳng hạn, với vụ kho hàng lậu ở Lào Cai, lực lượng chức năng nhận định, nhóm của Phú đã tính toán kỹ khi đặt tổng kho ở đây vì tiếp giáp cửa khẩu quốc tế, chỉ cần tuồn được hàng qua biên giới là có thể nhập kho số lượng lớn, tránh được sự giám sát của các đơn vị. Ngoài ra, chi phí thuê mặt bằng, nhân công ở đây cũng rẻ hơn nhiều các thành phố lớn.
Ngoài đường bộ, đường thủy, các đối tượng buôn lậu còn vận chuyển hàng lậu bằng đường hàng không. Điển hình là vụ lô hàng lậu 1.877 sản phẩm được vận chuyển từ sân bay Tân Sơn Nhất đến sân bay Nội Bài được phát hiện vào ngày 2/6. Thực tế, không ít vụ vận chuyển hàng lậu, hàng cấm bằng đường hàng không đã bị phát hiện, bắt giữ. Điều đó dấy lên lo ngại hàng không sẽ trở thành con đường vận chuyển hàng lậu.
Lô hàng lậu "khủng" vừa "lọt" cửa khẩu sân bay Nội Bài. |
Vận chuyển hàng cấm, hàng lậu qua đường bưu chính cũng là một thủ đoạn mới, tinh vi của các đối tượng. Nhiều trường hợp hàng hóa, bưu kiện được kẹp chì, dán niêm phong, gây khó khăn cho lực lượng chức năng trong việc kiểm tra.
Các đối tượng buôn lậu còn lợi dụng công nghệ số, TMĐT để tiêu thụ hàng lậu, hàng giả. Họ sử dụng hình thức livestream trên Facebook để tiếp cận với khách hàng và bán sản phẩm. Hình thức này vô cùng hiệu quả vì bán được nhiều hàng mà không cần đầu tư showroom, không cần mặt phố hoành tráng. Điều đáng nói, các đối tượng vi phạm thường giới thiệu trên website là mẫu hàng chính hãng nhưng khi giao hàng thì giao hàng giả hoặc không rõ nguồn gốc xuất xứ, không bảo đảm chất lượng.
Việc truy xuất, lưu trữ các giao dịch TMĐT còn gặp nhiều khó khăn. Bởi các giao dịch, thanh toán trên mạng đều chớp nhoáng, hàng hóa không có địa điểm kinh doanh rõ ràng.
Có một thực tế là khi lực lượng chức năng phát hiện, bắt giữ hàng lậu thì chỉ thấy những người vận chuyển thuê mà không tìm được chủ hàng. Cũng vì thế, số đối tượng bị truy cứu trách nhiệm hình sự về hành vi buôn lậu không nhiều, không đủ sức răn đe.
Trước thực trạng hàng lậu, hàng giả hiện nay, Tổng cục QLTT khuyến cáo người tiêu dùng cần thận trọng khi mua hàng qua mạng xã hội. Và chỉ khi người tiêu dùng kiên quyết tẩy chay, quay lưng với hàng giả, hàng nhái thì tệ nạn này mới dần được kiểm soát và chấm dứt.
Hạnh Nguyên