Bộ GD-ĐT vừa công bố dự thảo Thông tư sửa đổi, bổ sung Quy chế tuyển sinh THCS và tuyển sinh THPT thay thế thông tư hiện hành, trong đó dự kiến quy định thi 3 môn vào lớp 10.
Dự thảo nêu 2 phương thức tuyển sinh vào lớp 10 là xét tuyển hoặc thi tuyển. Về thi tuyển, dự thảo quy định số lượng môn thi là 3 môn, gồm: Toán, Ngữ văn và một môn thi do sở GD-ĐT tổ chức bốc thăm ngẫu nhiên trong số các môn học còn lại thuộc chương trình giáo dục phổ thông cấp THCS.
Thông tin này đang thu hút sự quan tâm của nhiều người. Chị Nguyễn Thị Hà (quận Đống Đa, Hà Nội) có con đang học lớp 9 tỏ ra rất bất ngờ trước dự thảo và cho rằng việc công bố môn thi thứ 3 trước ngày 31/3 là quá muộn khiến học sinh và cả phụ huynh áp lực vì lo lắng không đủ thời gian chuẩn bị tốt nhất cho kỳ thi.
“Kỳ thi lớp 10 tại Hà Nội lâu nay vốn đã rất căng thẳng. Tôi mong muốn địa phương công bố môn thi sớm hơn để các con có thêm thời gian hệ thống kiến thức, luyện đề để bài thi thực sự phản ánh được năng lực của học sinh, tránh việc học tủ. Công bố quá muộn làm học sinh là lo lắng, hồi hộp khiến kỳ thi rất mệt mỏi”.
Về vấn đề này, trao đổi với VietNamNet, bà Trần Thị Minh Hải - Phó Hiệu trưởng Trường THCS Dịch Vọng Hậu (Hà Nội) cho hay: “Thi vào lớp 10 với ba môn, bao gồm Toán, Ngữ văn và một môn ngẫu nhiên có thể hiểu được trong bối cảnh hiện nay. Bộ GD-ĐT mong muốn tạo ra một kỳ thi vừa mang tính công bằng, vừa giúp học sinh nắm vững kiến thức toàn diện từ chương trình học. Tuy nhiên, việc bốc thăm một môn ngẫu nhiên có thể tạo ra áp lực cho học sinh và phụ huynh”.
Bà Hải phân tích phương án của Bộ GD-ĐT có thể khiến học sinh học đều các môn, tránh tình trạng học lệch, chỉ tập trung vào những môn chính như Toán và Ngữ văn. Bằng cách này có thể khuyến khích học sinh có cái nhìn toàn diện về chương trình học.
Tuy nhiên, theo bà Hải, phương án bốc thăm ngẫu nhiên có thể gây ra căng thẳng cho học sinh và phụ huynh, vì học sinh phải chuẩn bị cho tất cả các môn dù chỉ thi một môn ngẫu nhiên. Điều này có thể dẫn đến việc học dàn trải, thiếu trọng tâm.
“Phụ huynh cho rằng thời điểm bốc thăm trước ngày 31/3 là quá muộn cũng có lý do, vì học sinh sẽ chỉ có khoảng hơn hai tháng để tập trung ôn luyện môn thứ ba. Điều này có thể không đủ thời gian nếu học sinh cần phải cải thiện kiến thức trong một môn nào đó.
Cá nhân tôi cho rằng, nếu Bộ GD-ĐT có thể công bố môn thi sớm hơn, ví dụ vào đầu học kỳ I (tháng 9 hoặc tháng 10) điều này sẽ giúp giảm áp lực cho học sinh và phụ huynh. Học sinh có thêm thời gian để ôn tập một cách kỹ lưỡng và cũng dễ dàng sắp xếp lịch học hơn”, bà Hải nói.
Phó Hiệu trưởng Trường THCS Dịch Vọng Hậu kiến nghị Bộ GD-ĐT có thể xem xét việc công bố môn thi thứ ba sớm hơn để học sinh có thể tập trung hơn vào môn này trong học kỳ II. Điều này vừa đảm bảo sự chuẩn bị kỹ càng mà vẫn giữ được tính công bằng trong kỳ thi.
Thêm vào đó, thay vì chỉ bốc thăm một môn, Bộ có thể xây dựng các kỳ thi tích hợp nhiều môn trong cùng một bài thi để đánh giá kiến thức liên môn, giúp học sinh phát triển kỹ năng tư duy toàn diện.
Còn ông Phạm Đức Ngọc - Hiệu trưởng THPT An Lão (Hải Phòng) cũng ủng hộ phương án của Bộ GD-ĐT là thi 3 môn vào lớp 10 bởi lẽ, với lứa tuổi THCS, ba môn thi lớp 10 là “vừa sức”.
Tuy nhiên, theo ông, nên để các địa phương chủ động về thời gian cũng như cấu trúc đề thi vì tùy từng địa phương sẽ có những đặc trưng riêng .
“Tôi nghĩ rằng thời gian bốc thăm môn thi thứ 3 nên đẩy sớm lên khoảng cuối kỳ 1 của năm lớp 9 tức là khoảng cuối tháng 1 để học sinh có thêm thời gian chuẩn bị tốt nhất sẽ hợp lý hơn”, ông Ngọc nói.
Cô Nguyễn Hương Trà - giáo viên tại một trường THCS tại Hà Nội không đồng tình với dự thảo của Bộ GD-ĐT. Theo giáo vien này, việc bốc thăm giống như trò may rủi, đỏ đen và nên công bố ngay từ đầu năm học.
“Theo tôi có 2 cách: thi vào lớp 10 với 3 môn Văn, Toán, Ngoại ngữ công bố luôn từ đầu năm cho học sinh chuẩn bị. Hoặc thi 2 môn Văn, Toán và cũng công bố môn thứ 3 từ đầu năm. Chúng ta không nên để tận cuối tháng 3 mới bốc thăm, như thế học sinh sẽ bị động, áp lực.
Ngoài ra, Bộ GD-ĐT cũng nên cân nhắc giao cho địa phương lựa chọn, quyết định phương thức tuyển sinh vào lớp 10 phù hợp với mục tiêu và điều kiện thực tế”, nữ giáo viên cho hay.