Bộ Y tế đã xác định rõ 8 nhóm nhiệm vụ trọng tâm trong cải cách hành chính, bao gồm: Cải cách thể chế; Cải cách thủ tục hành chính; Cải cách tổ chức bộ máy; Xây dựng và nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức viên chức; Cải cách tài chính công; Hiện đại hóa nền hành chính; Công tác chỉ đạo, điều hành; và thực hiện đo lường sự hài lòng của người dân đối với dịch vụ y tế công.

Bộ Y tế vừa ra quyết định ban hành Kế hoạch cải cách hành chính năm 2018. Kế hoạch hướng tới các mục tiêu đẩy mạnh ứng dụng CNTT trong quản lý hành chính nhà nước và trong các đơn vị sự nghiệp y tế công lập; triển khai thực hiện Chính phủ điện tử theo Nghị quyết 36a của Chính phủ về Chính phủ điện tử; nâng cao tỷ lệ hồ sơ thủ tục hành chính được xử lý trực tuyến mức độ 4; áp dụng hệ thống quản lý chất lượng theo tiêu chuẩn TCVN ISO 9001:2015 vào hoạt động của các đơn vị thuộc Bộ và khuyến khích áp dụng tại các đơn vị sự nghiệp trực thuộc Bộ thay thế hệ thống  tiêu chuẩn  ISO 9001:2008…

Để hiện thực hóa các mục tiêu đã đề ra trong Kế hoạch, Bộ Y tế cũng đã xác định rõ 8 nhóm nhiệm vụ trọng tâm, bao gồm: Cải cách thể chế; Cải cách thủ tục hành chính; Cải cách tổ chức bộ máy; Xây dựng và nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức viên chức; Cải cách tài chính công; Hiện đại hóa nền hành chính; Công tác chỉ đạo, điều hành; và thực hiện đo lường sự hài lòng của người dân đối với dịch vụ y tế công.

Cụ thể, trong năm 2018, thực hiện nhiệm vụ cải cách thủ tục hành chính, Bộ Y tế sẽ tiến hành rà soát và nâng cao chất lượng thủ tục hành chính; kiểm tra chặt chẽ việc ban hành mới các thủ tục hành chính của Bộ; việc thực hiện thủ tục hành chính tại các đơn vị y tế toàn quốc; mở rộng việc thực hiện Cơ chế một cửa quốc gia và Cơ chế một cửa ASEAN nhằm đổi mới phương thức quản lý theo hướng hiện đại, minh bạch, hiệu quả  tạo thuận lợi tối đa cho doanh nghiệp và tổ chức trong lĩnh vực thương mại, xuất nhập khẩu y tế…

Đối với nhiệm vụ hiện đại hóa nền hành chính, trong năm nay, Bộ Y tế dự định đầu tư, nâng cấp hạ tầng CNTT tạo nền tảng phát triển Chính phủ điện tử đồng bộ, kết nối, bảo đảm an toàn, an ninh thông tin.

Đồng thời, tiếp tục triển khai Nghị quyết 36a của Chính phủ về Chính phủ điện tử, thực hiện các hoạt động ứng dụng CNTT phục vụ công tác quản lý và điều hành, trong đó hầu hết các văn bản, tài liệu chính thức (trừ tài liệu mật) được trao đổi với các cơ quan, đơn vị dưới dạng điện tử; cán bộ viên chức thường xuyên sử dụng hệ thống thư điện tử trong công việc; xây dựng dữ liệu điện tử phục vụ hoạt động trong cơ quan đơn vị y tế.

Cùng với đó, tiếp tục triển khai thực hiện hệ thống quản lý chất lượng theo tiêu chuẩn TCVN ISO 9000:2015 trong năm 2018 trong khối các đơn vị thuộc Bộ Y tế và khuyến khích thực hiện trong khối các đơn vị sự nghiệp thuộc Bộ.

Đặc biệt, trong năm 2018, Bộ Y tế cũng tiếp tục đẩy mạnh triển khai dịch vụ công trực tuyến, đảm bảo 100% thủ tục hành chính công của Bộ Y tế được trực tuyến hóa mức độ 2; duy trì, đảm bảo hoạt động ổn định đối với dịch vụ công mức độ 3, 4 đã xây dựng; tăng thêm ít nhất 20 dịch vụ công trực tuyến mức độ 4 trong năm 2018.

Năm 2017, Bộ Y tế đã kết nối kỹ thuật hệ thống dịch vụ công trực tuyến mức độ 4 thực hiện 9 nhóm thủ tục hành chính của Nghị định 36/2016/NĐ-CP của Chính phủ về quản lý trang thiết bị y tế (Nghị định 36). Ngày 15/5/2016, Thủ tướng Chính phủ đã ký ban hành Nghị định 36, văn bản pháp lý quan trọng quy định riêng về việc quản lý trang thiết bị y tế. Tại Nghị định này, Chính phủ quy định 9 nhóm thủ tục hành chính bao trùm lên các lĩnh vực sản xuất, kinh doanh, mua bán, xuất nhập khẩu, kiểm định, hiệu chuẩn…. quản lý chất lượng hàng hóa trang thiết bị y tế lưu thông tại Việt Nam.

Các thủ tục hành chính này đều được thực hiện dưới hình thức dịch vụ công trực tuyến, ứng dụng CNTT nhằm cải cách thủ tục hành chính, tạo điều kiện thông thoáng, công khai, minh bạch cho các tổ chức, cá nhân trong việc sản xuất, kinh doanh mua bán, lưu thông hàng hóa thuận lợi và chặt chẽ trong quản lý nhà nước về trang thiết bị y tế theo chủ trương của Chính phủ.