- Trước thông tin các loại rác thải y tế như ống tiêm, chai truyền vẫn còn vương dịch máu được tái chế thành ống hút, hộp sữa chua khiến dư luận hết sức hoang mang, Bộ Y tế đã chỉ đạo lấy 63 mẫu để kiểm tra.
Ông Nguyễn Thanh Phong, Cục trưởng Cục An toàn thực phẩm, Bộ Y tế cho biết, ngay sau khi có thông tin phản ánh, Cục đã chỉ đạo lấy gấp 63 mẫu vỏ xốp đựng cơm và ống hút tại Hà Nội và TP.HCM để xét nghiệm.
Chai truyền còn nguyên dịch được tập kết tại một cơ sở tái chế nhựa tại Hà Nội để nghiền thành hạt nhựa bán cho các cơ sở sản xuất đồ đựng thực phẩm. Ảnh cắt từ clip |
Kết quả cho thấy, 52 mẫu không phát hiện chất thôi nhiễm độc hại, 9 mẫu còn lại đang tiếp tục được kiểm tra.
Theo ông Phong, Cục vẫn đang chỉ đạo các đơn vị liên quan lấy thêm mẫu để kiểm nghiệm.
Hành động rốt ráo của Bộ Y tế bắt nguồn từ thông tin cho rằng các loại rác thải y tế như chai truyền còn nguyên dịch, ống tiêm và dây truyền đã qua sử dụng, được tập kết về các xưởng tái chế nhựa tại Hà Nội rồi được nấu chảy, xử lý hoá chất thành các hạt nhựa để bán cho các cơ sở sản xuất cốc, hộp đựng cơm và ống hút.
Rác thải y tế gồm 5 loại, trong đó bơm kim tiêm, dây truyền dịch dính máu thuộc nhóm chất thải nguy hại, việc dùng những loại nhựa trên để tái chế, sản xuất ra những đồ dùng cho ngành thực phẩm bị cấm tuyệt đối.
Theo giải thích của các chuyên gia công nghệ thực phẩm, nhựa này có thể thôi nhiễm ra thực phẩm, gây nguy hại cho sức khoẻ và có thể là nguồn phát tán, làm lây nhiễm những mầm bệnh ra môi trường.
Đây không phải là lần đầu tiên bài toán rác thải y tế làm dấy lên những hoang mang trong dư luận. Đã nhiều năm nay, câu chuyện rác thải y tế độc hại được tuồn ra ngoài để tái chế thành các vật dụng đựng thực phẩm từng được phản ánh, tuy nhiên vấn nạn này vẫn chưa được giải quyết triệt để.
Thúy Hạnh