Theo thông tin từ Cục CNTT Bộ Y tế, dù mới thành lập được 5 năm Cục CNTT đã tham mưu cho Bộ trưởng Bộ Y tế ban hành nhiều văn bản để quản lý, điều hành, hướng dẫn hoạt động CNTT y tế. Một số văn bản quan trọng như Thông tư quy định hoạt động y tế trên môi trường mạng số 53/2014/TT-BYT ngày 29/12/2014; danh mục kỹ thuật về CNTT trong lĩnh vực y tế ban hành theo Quyết định số 2035/QĐ-BYT ngày 12/06/2013, Kiến trúc Chính phủ điện tử Bộ Y tế phiên bản 1.0, các quy định của Bộ Y tế về đảm bảo an toàn thông tin y tế điện tử… và nhiều quy định khác làm cơ sở thúc đẩy phát triển y tế điện tử Việt Nam. Cục CNTT triển khai thành công và có hiệu quả nhiều dịch vụ công trực tuyến của Bộ Y tế, kết nối Cổng thông tin một cửa quốc gia, thực hiện Cơ chế một cửa quốc gia và một cửa ASEAN: 100% dịch vụ công trực tuyến thuộc thẩm quyền Bộ Y tế được cung cấp trực tuyến ở mức độ 2, 6 dịch vụ công trực thuyến mức độ 3, 33 dịch vụ công trực tuyến mức độ 4 (tích hợp ứng dụng chữ ký số), hoàn thành giai đoạn I việc thực hiện Cơ chế một cửa quốc gia, một cửa ASEAN. Ứng dụng CNTT thành công trong kết nối, liên thông dữ liệu khám, chữa bệnh bảo hiểm y tế giữa các bệnh viện với cơ quan giám định BHYT đạt 99%.

Tại Hội thảo hướng tới sự liên thông trong hệ thống thông tin y tế tại Việt Nam được tổ chức tại Hà Nội mới đây, ông Trần Quý Tường, Cục trưởng Cục CNTT, Bộ Y tế đang triển khai thực hiện 3 chương trình y tế điện tử đến năm 2020. Trong đó, Chương trình 1 xây dựng cơ sở hạ tầng, triển khai thống kê y tế điện tử để từng bước hình thành trung tâm dữ liệu quốc gia về y tế. Chương trình 2 thực hiện hồ sơ sức khỏe điện tử (y bạ điện tử), bệnh án điện tử và phần mềm quản lý trạm y tế xã theo tiêu chuẩn chung để bảo đảm kết nối liên thông các phần mềm này với nhau và với giám định khám chữa bệnh BHYT. Chương trình 3 xây dựng và vận hành hệ thống dịch vụ công trực tuyến một cửa Bộ Y tế, thực hiện cơ chế một cửa quốc gia và cơ chế một cửa ASEAN nhằm phục vụ người dân và doanh nghiệp, góp phần minh bạch hóa hoạt động của cơ quan nhà nước.

Ông Tường cũng cho biết, trong thời gian tới, Cục CNTT tiếp tục đào tạo nâng cao trình độ của cán bộ về chuyên môn và quản lý; xây dựng kiến trúc y tế điện tử Việt Nam, báo cáo Bộ trưởng ban hành, xây dựng các văn bản quy định về các tiêu chuẩn CNTT y tế, sử dụng tiêu chuẩn HL7 quốc tế, xây dựng triển khai hồ sơ sức khỏe điện tử, bệnh án điện tử, tin học hóa quản lý trạm y tế xã, bảo đảm kết nối liên thông thông tin y tế.

Ông Trần Quý Tường đề nghị Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) tiếp tục giúp đỡ, hỗ trợ Việt Nam trong phát triển y tế điện tử thông qua các hoạt động đào tạo, biên dịch tài liệu, cử chuyên gia giỏi về quản lý CNTT đến Việt Nam để tư vấn, đào tạo cán bộ, giúp Việt Nam dự án về CNTT y tế. Bà Susann Roth, đại diện cho ADB đã ghi nhận các kiến nghị đề xuất của Cục CNTT về hợp tác giữa hai bên để giúp Việt Nam đẩy mạnh ứng dụng CNTT y tế theo kịp các nước tiên tiến.