Theo đó, để đảm bảo sử dụng vắc xin an toàn và hiệu quả; hỗ trợ phòng, chống dịch tại TP.HCM, Bộ Y tế đề nghị các đơn vị thực hiện một số nội dung sau:
Lập kế hoạch chi tiết để triển khai tiêm chủng cho tất cả đối tượng theo Quyết định số 3355/QĐ-BYT của Bộ Y tế với nhiều loại vắc xin khác nhau; ưu tiên tiêm chủng sớm cho người tham gia hỗ trợ phòng, chống dịch tại TP.HCM.
Căn cứ Nghị quyết số 21/NQ-CP ngày 26/2 của Chính phủ, Quyết định số 3355/QĐ-BYT ngày 8/7 và văn bản hướng dẫn của Bộ Y tế để sắp xếp ưu tiên tiêm cho các đối tượng, bao gồm cả người nước ngoài trên địa bàn nếu thuộc diện ưu tiên.
Bộ Y tế cũng yêu cầu các đơn vị, địa phương đẩy nhanh tiến độ tiêm chủng và thực hiện báo cáo theo quy định.
Sau hơn 4 tháng triển khai tiêm chủng vắc xin phòng Covid-19, cả nước đã tiêm được 4.156.140 liều vắc xin, trong đó 3.556.332 người tiêm 1 liều và 299.904 người tiêm đủ 2 liều. Đến nay, các nơi cơ bản hoàn thành kế hoạch tiêm chủng.
Ngày 8/7, Bộ Y tế ban hành Quyết định về Kế hoạch triển khai chiến dịch tiêm vắc xin Covid-19 năm 2021-2022, bổ sung các đối tượng ưu tiên tiêm vắc xin. Thời gian tới, Bộ Y tế cho biết sẽ cung ứng vắc xin và hướng dẫn tổ chức tiêm sử dụng đồng thời nhiều loại vắc xin từ các nguồn cung ứng, có điều kiện bảo quản khác nhau.
Bộ cũng vừa có những sửa đổi, bổ sung cho hướng dẫn khám sàng lọc trước tiêm chủng vắc xin phòng Covid-19. Mẫu phiếu sàng lọc mới có thêm 3 nội dung, gồm: tiền sử dị ứng với bất kỳ dị nguyên nào; tiền sử bệnh nền, bệnh mạn tính được điều trị ổn định; đã tiêm mũi 1 vắc xin phòng Covid-19 hay chưa.
Ngoài nhấn mạnh người có tiền sử phản vệ độ 2 trở lên nằm trong diện chống chỉ định tiêm chủng vắc xin, Bộ cũng nêu rõ các nhóm đối tượng buộc trì hoãn tiêm và nhóm người phải chuyển tiêm chủng, theo dõi tại bệnh viện.
Nguyễn Liên (Theo VietNamNet)