Chiều 16/12, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính, Trưởng Ban chỉ đạo quốc gia phòng, chống dịch Covid-19 chủ trì họp trực tuyến với 63 tỉnh, thành phố về công tác phòng, chống dịch khi số ca mắc trong cộng đồng tăng; bàn các nhiệm vụ, giải pháp phòng, chống dịch hiệu quả để tiếp tục phục hồi phát triển kinh tế - xã hội.

Tăng tốc tiêm vắc xin

Phát biểu khai mạc cuộc họp, Thủ tướng Phạm Minh Chính cho biết tình hình dịch Covid-19 trên thế giới vẫn đang diễn biến phức tạp, nhất là với chủng Omicron có tốc độ gây lây lan nhanh, độ nguy hiểm chưa xác định, nguy cơ xâm nhập vào Việt Nam cao. Trong khi đó tình hình dịch trong nước số ca mắc Covid-19, nhất là trong cộng đồng và số ca tử vong vẫn tăng; năng lực y tế dự phòng, y tế cơ sở vẫn chưa có nhiều chuyển biến...

{keywords}
Thủ tướng Phạm Minh Chính. Ảnh: Nhật Bắc

"Còn 14 ngày nữa, liệu các tỉnh có hoàn thành được không? Nếu không hoàn thành thì thế nào? Có cần hỗ trợ gì không? Kế hoạch đề ra đến ngày 15/12 là phải hoàn thành tiêm 2 mũi cho người từ 18 tuổi trở lên, nhưng hôm nay đã là ngày 16/12 mà chưa hoàn thành?", Thủ tướng lưu ý.

Người đứng đầu Chính phủ yêu cầu, cuộc họp hôm nay cần tập trung bàn giải pháp tăng tốc tiêm chủng.

Bên cạnh đó, Thủ tướng yêu cầu thúc đẩy tiêm vắc xin cho trẻ em từ 12 - 18 tuổi để cho các em trở lại học bình thường.

Thủ tướng cũng đề nghị các địa phương cần thống kê chi tiêu cho phòng, chống dịch năm nay để tính toán, dự trù nguồn lực phòng, chống dịch cho năm 2022 tránh không bị động, lúng túng, bất ngờ.

Cùng với đó, người đứng đầu Chính phủ nhấn mạnh vẫn phải mở cửa nền kinh tế, thích ứng an toàn, kiểm soát hiệu quả dịch bệnh. Các tỉnh nên đánh giá đúng tình hình một cách thẳng thắn, nêu rõ khó khăn, đề xuất thẳng thắn; phải có giải pháp phù hợp, quyết tâm để bao phủ vắc xin vì số người chuyển nặng chủ yếu do chưa tiêm vắc xin hoặc chống chỉ định tiêm vắc xin.

Theo báo cáo của Bộ Y tế, đến nay tình hình dịch cơ bản được kiểm soát trên phạm vi toàn quốc. Tuy nhiên, số ca mắc cộng đồng và tử vong tiếp tục có xu hướng gia tăng nhanh ở nhiều địa phương trên cả nước

Bên cạnh nguyên nhân khách quan do biến chủng Delta có tốc độ lây lan nhanh, đột ngột dẫn đến số ca mắc tăng cao và tăng số ca bệnh nặng và tử vong, gây quá tải hệ thống y tế của một số địa phương còn có các nguyên nhân chủ quan.

Trong đó có việc các nhân viên y tế phải làm việc trong môi trường có áp lực rất cao, lây nhiễm, sang chấn tâm lý quá tải công việc, stress, nhiều người chịu nhịn ăn uống trong thời gian dài để tránh thay trang phục; áp lực trong việc cách ly sau khi điều trị và áp lực trong công việc phòng chống dịch với thời gian quá dài… dẫn tới xu hướng nghỉ việc và thiếu nhân lực nghiêm trọng.

Thêm vào đó là chế độ dinh dưỡng chưa đáp ứng với người bệnh nặng, nguy kịch trên các khía cạnh như: Chế độ tiền ăn của người bệnh Covid-19 hiện là 80 nghìn đồng/người/ngày không đáp ứng được nhu cầu của người bệnh nặng là ăn qua đường sonde hoặc nuôi dưỡng qua đường tĩnh mạch.

Đảm bảo đủ các thuốc phòng chống dịch

Về thuốc điều trị Covid-19, đến nay, Bộ Y tế cơ bản đã đảm bảo đủ nhu cầu đối với các thuốc phòng chống dịch, đặc biệt là với 46 thuốc quy định. Riêng đối với các thuốc kháng virus SARS-CoV-2, thời gian qua Bộ Y tế đã huy động tối đa các nguồn lực để cung ứng thuốc theo nhu cầu điều trị.

Cụ thể, thuốc Remdesivir, hiện Bộ Y tế đã phân bổ cho các địa phương, đơn vị hơn 514.000 lọ để sử dụng và đang dự trữ hơn 1,1 triệu lọ. Thuốc Favipiravir, Bộ Y tế đã phân bổ cho các địa phương, đơn vị 1.750.000 viên, còn lại 250.000 viên và dự kiến tiếp nhận 1 triệu viên trong năm 2021. Các địa phương, đơn vị có nhu cầu sử dụng 2 loại thuốc này có văn bản đề xuất về Bộ Y tế để được xem xét phân bổ.

{keywords}
Bộ trưởng Nguyễn Thanh Long báo cáo tại cuộc họp. Ảnh: Nhật Bắc

Đối với thuốc Molnupiravir, Bộ Y tế cho biết, hiện đang trong quá trình thử nghiệm tại Việt Nam và nhiều nước trên thế giới. Đến nay, Bộ Y tế đã phân bổ cho chương trình thử nghiệm hơn 6,5 triệu viên, đang dự trữ ở trung ương khoảng 4,5 triệu viên. Các địa phương có nhu cầu tham gia thử nghiệm có thể đăng ký về Bộ Y tế để được xét duyệt bổ sung đề cương nghiên cứu.

Hiện nay, Bộ Y tế đang trình Ủy ban thường vụ Quốc hội, Chính phủ để xin cơ chế cấp phép với các thuốc điều trị Covid-19. Trường hợp được Ủy ban thường vụ Quốc hội thông qua, thì năng lực sản xuất trong nước sẽ cơ bản đáp ứng nhu cầu thuốc kháng vi rút cho nhu cầu điều trị Covid-19.

Trong thời gian tới, Bộ Y tế đề nghị các địa phương triển khai tốt việc quản lý, chăm sóc F0 tại nhà. Theo đó, một nhân viên y tế quản lý khoảng 30-50 F0 (hoặc nhiều hơn) theo địa bàn khu vực, thực hiện đúng theo hướng dẫn phân loại nguy cơ, tỷ lệ đối tượng cần tập trung theo dõi chiếm khoảng 15-25% và ưu tiên quan tâm theo dõi đối tượng này.

Huy động chính quyền cơ sở tham gia rà soát, phân loại nguy cơ người bệnh, tập trung vào các đối tượng nguy cơ cao. Thực hiện “chiến dịch bảo vệ đối tượng nguy cơ” như khẩn trương tiêm vắc xin cho các đối tượng chưa tiêm đủ 2 mũi, nhất là đối tượng người cao tuổi, người mắc bệnh nền.

Các Sở Y tế tăng cường kiểm tra giám sát quản lý F0 tại cộng đồng. Tăng cường đội y tế lưu động, huy động tổ dân phố, tình nguyện viên, khoảng 10.000 dân có một trạm y tế lưu động. Các địa phương bảo đảm chi trả đầy đủ các khoản lương, phụ cấp chống dịch và bổ sung các chế độ chính sách, kinh phí hỗ trợ cho nhân viên y tế.

Thu Hằng

Thủ tướng yêu cầu báo cáo việc đưa vào bình ổn giá thuốc điều trị Covid-19

Thủ tướng yêu cầu báo cáo việc đưa vào bình ổn giá thuốc điều trị Covid-19

Thủ tướng Phạm Minh Chính yêu cầu Bộ trưởng Y tế báo cáo việc triển khai xã hội hóa thuốc điều trị Covid-19 và đưa vào bình ổn giá.