Tỉ lệ bệnh nhân nặng tăng hơn

Tại hội nghị trực tuyến phòng chống Covid-19 và an toàn tiêm chủng sáng 28/4, PGS Lương Ngọc Khuê, Cục trưởng Quản lý Khám, chữa bệnh, Bộ Y tế nhận định, trong bối cảnh thế giới bùng phát làn sóng dịch Covid-19 mới, nguy cơ dịch xâm nhập vào Việt Nam rất lớn.

Xung quanh Việt Nam như Lào, Campuchia đã phải đóng cửa thủ đô, Indonesia, Philippines vượt qua 1 triệu ca mắc.

“Nếu chúng ta lơ là chắc chắn sắp tới sẽ rất khó khăn”, PGS Khuê lo lắng.

Sau hơn 1 năm bùng phát, virus SARS-CoV-2 liên tục biến đổi, tạo hàng nghìn biến thể khác nhau khiến virus có khả năng lây lan mạnh hơn và khó kiểm soát hơn.

{keywords}

PGS Lương Ngọc Khuê cùng các chuyên gia chia sẻ nhiều điều cập nhật trong phác đồ điều trị Covid-19 mới trong sáng 28/4. Ảnh: T.Hạnh

Tại Việt Nam đến nay đã ghi nhận 2.857 bệnh nhân Covid-19, 270 bệnh nhân đang còn điều trị, trong đó có một số bệnh nhân trẻ dễ diễn biến nặng.

Trong bối cảnh các nghiên cứu về virus ngày một rõ ràng hơn, WHO, CDC Mỹ, cộng đồng châu Âu cập nhật nhiều hướng dẫn mới, Việt Nam đã xây dựng lại phác đồ điều trị SARS-CoV-2. Đây là lần cập nhật thứ 5 kể từ tháng 3/2020.

GS Nguyễn Văn Kính, Chủ tịch hội Truyền nhiễm Việt Nam cho biết thêm, so với các đợt dịch trước, số bệnh nhân diễn biến nặng thời gian qua tăng lên 20%. Tỉ lệ này trong phác đồ cũ công bố cuối tháng 2 vừa qua là 16%.

80% bệnh nhân chỉ sốt nhẹ, ho, mệt mỏi, không bị viêm phổi và thường tự hồi phục sau khoảng 1 tuần. Thậm chí, nhiều trường hợp không có biểu hiện triệu chứng.

Tử vong xảy ra nhiều hơn ở nhóm người cao tuổi, người suy giảm miễn dịch và mắc các bệnh mạn tính kèm theo.

“Đáng lưu ý qua theo dõi hơn 1 năm qua, chúng tôi nhận thấy có nhiều trường hợp khỏi Covid-19 nhưng khi về nhà có dấu hiệu trầm cảm, rối loạn tâm lý nên cần theo dõi dài lâu hơn với các bệnh nhân sau hồi phục”, GS Kính thông tin.

Trong phác đồ mới, Bộ Y tế phân loại cụ thể 5 mức độ lâm sàng, từ không triệu chứng, nhẹ, vừa, nặng đến nguy kịch. Nếu bệnh nhân có dấu hiệu viêm phổi được xếp loại ở mức độ vừa.

Theo GS Kính, hầu hết bệnh nhân viêm phổi đều nặng lên ở ngày thứ 5-8. Tuy nhiên để nhìn rõ tổn thương, các cơ sở y tế nên chụp CT thay vì X-quang.

Điều trị đi trước một bước, phải dự trữ oxy

GS Kính nhấn mạnh, trong phác đồ lần 5, điều trị phải đi trước một bước, không đợi bệnh nhân nặng mới xử lý. Vì vậy việc theo dõi sát bệnh nhân được đặt lên hàng đầu.

Khi xét nghiệm cận lâm sàng có rối loạn đông máu, rối loạn điện giải trên nền bệnh nhân có sốt, cần cho bệnh nhân bù dịch sớm để cân bằng kiềm toan, tránh trường hợp bệnh nhân nặng phải lọc máu.

Trong quá trình điều trị, nhân viên y tế phải giúp bệnh nhân có tâm lý thoải mái, tích cực nâng cao thể trạng, đảm bảo dinh dưỡng.

{keywords}

GS Nguyễn Văn Kính lưu ý các cơ sở điều trị phải tích trữ sẵn oxy, tránh trường hợp bị động như Ấn Độ. Ảnh: T.Hạnh

Để giảm tỉ lệ các ca bệnh nặng, Bộ Y tế đề nghị, ngay khi nồng độ oxy trong máu của bệnh nhân xuống dưới 92%, cần cân nhắc chỉ định thở oxy dòng cao qua gọng mũi sớm hoặc thở máy không xâm nhập.

Khi bệnh nhân viêm phổi nặng, thở máy vài giờ không chuyển biến sẽ phải chuyển sang can thiệp ECMO ngay. Khi nghi ngờ có cơn bão cytokin phải lọc thận ngay.

Trường hợp có các yếu tố nguy cơ suy thượng thận cấp, hoặc sốc, có thể dùng corticoid liều thấp sớm.

GS Kính đặc biệt lưu ý, trong bối cảnh hiện nay đã xuất hiện tình trạng lơ là, mất cảnh giác trong sàng lọc, chuẩn bị phương án điều trị tại các cơ sở y tế nên giờ phải siết lại.

“Ấn Độ tử vong nhiều vì không có dự trữ oxy, máy thở, khi bệnh nặng không có oxy không khác gì chết đuối trên cạn. Vì vậy các cơ sở y tế phải lưu ý dự trữ oxy”, GS Kính nhấn mạnh.

Ngoài ra, các cơ sở điều trị cần có các trang thiết bị, dụng cụ cấp cứu tối thiểu như máy theo dõi độ bão hòa oxy, hệ thống/bình cung cấp oxy, thiết bị thở oxy (gọng mũi, mask thông thường, mask có túi dự trữ), bóng, mặt nạ, dụng cụ đặt ống nội khí quản phù hợp các lứa tuổi. Phải có đơn vị hồi sức tích cực để điều trị bệnh nhân nặng.

Về tiêu chuẩn ra viện, các phác đồ trước đây yêu cầu bệnh nhân có 3 lần xét nghiệm âm tính liên tiếp, mỗi lần cách nhau ít nhất 24 giờ. Tuy nhiên trong phác đồ mới nhất, Bộ Y tế thay đổi quy định.

Theo đó, bệnh nhân đủ điều kiện xuất viện khi điều trị ít nhất 14 ngày, có 2 lần xét nghiệm âm tính, mỗi lần cách nhau 48-72 giờ và thời gian lấy mẫu lần cuối cùng cách thời điểm ra viện không quá 24 giờ.

Thúy Hạnh

39 nhân viên y tế Bệnh viện Từ Dũ phải xét nghiệm nCoV vì 2 ca nhập cảnh trái phép

39 nhân viên y tế Bệnh viện Từ Dũ phải xét nghiệm nCoV vì 2 ca nhập cảnh trái phép

Liên quan đến các trường hợp nhập cảnh trái phép từ Campuchia về Việt Nam vào ngày 20/4, có 39 nhân viên Bệnh viện Từ Dũ phải xét nghiệm SARS-CoV-2.