Việt Nam đang phải đối mặt với làn sóng của đợt dịch thứ 4 (từ 27/4 đến nay), gây hậu quả nghiêm trọng. Số ca nhiễm ghi nhận trong nước là 332.626 ca, trong đó có 137.313 bệnh nhân đã được công bố khỏi bệnh. Oxy luôn là yếu tố then chốt trong công tác điều trị hồi sức bệnh nhân Covid-19 nặng.
Theo thông tin tại cuộc làm việc trực tuyến với 26 đơn vị sản xuất oxy y tế, ngày 21/8, của Bộ Y tế, trung bình hiện tại tổng công suất, cung ứng oxy trên cả nước đạt khoảng gần 1.200 tấn oxy lỏng/ngày.
Các doanh nghiệp sản xuất, cung ứng oxy trên cả nước cũng cam kết có thể nâng thêm 50% - 100% công suất khi cần. Tuy lượng oxy phục vụ điều trị không thiếu vì nhiều nhà máy có thể chuyển đổi sản xuất nhưng có thời điểm xảy ra quá tải cung ứng ở một số đơn vị do nhiều bệnh viện đến lấy cùng một lúc và thiếu thiết bị chiết.
Những bình oxy được mang đến Bệnh viện dã chiến thu dung Covid-19 số 6, chuẩn bị cho tình huống có ca F0 chuyển nặng. Ảnh: Thanh Tùng. |
Đặc biệt vấn đề cấp thiết hiện nay là vấn đề cung cấp đủ chai, bình chứa oxy đến từng bệnh nhân vì vậy Bộ Y tế đã lên kế hoạch nhập khẩu cũng như đề nghị các đơn vị chủ động sản xuất để trang bị thêm cho các bệnh viện.
Theo ông Nguyễn Minh Tuấn- Vụ trưởng Vụ Trang thiết bị và công trình y tế, Bộ Y tế, việc vận chuyển, cung ứng oxy là một yếu tố quan trọng. Nếu không chuẩn bị tốt, có phương án sẵn sàng, khả thi sẽ có nguy cơ thiếu hụt, gián đoạn cung ứng oxy y tế trong điều trị bệnh nhân Covid-19 tại các thời điểm khi số bệnh nhân tăng cao.
Vì thế tại cuộc họp, Bộ Y tế tiếp tục đề nghị các nhà sản xuất, cung ứng oxy y tế tăng cường năng lực sản xuất, rà soát chuẩn bị, sẵn sàng các điều kiện cung ứng oxy y tế đáp ứng yêu cầu, mức độ phòng chống dịch Covid-19 đang có chiều hướng diễn biến phức tạp.
Đối với các đơn vị sản xuất, cung ứng đã và đang cung ứng oxy y tế cho các tỉnh phía Nam, TP.HCM, tuyệt đối không được để đứt gẫy nguồn cung. Các đơn vị phải tập trung ưu tiên cho công tác phòng chống Covid-19, nếu có khó khăn, vướng mắc cần báo ngay về Tổ công tác điều phối oxy y tế- Bộ Y tế.
Ngành Y tế cũng yêu cầu các cơ sở sản xuất, bệnh viện không để thiếu oxy cho điều trị Covid-19. Khu vực điều trị bệnh nhân Covid-19 nhẹ phải chuẩn bị sẵn oxy phòng trường hợp chuyển nặng.
Đồng thời, Bộ Y tế đã yêu cầu các đơn vị cung ứng, vận chuyển cung cấp oxy y tế rà soát, sẵn sàng các phương tiện vận chuyển (xe bồn chở oxy lỏng; xe chở chai/Cylinder oxy y tế khí…), tăng cường phục vụ cung ứng cho các Bệnh viện, cơ sở y tế khi có yêu cầu.
Bên cạnh đó, phối hợp kiểm tra, bảo trì sửa chữa Hệ thống khí y tế tại Bệnh viện và lên phương án cung ứng, dự trữ, sử dụng oxy y tế không để thiếu (quy hợp đồng nguyên tắc, có cam kết,…).
"Các đơn vị cung ứng chủ động nhập khẩu thêm bồn oxy lỏng, chai chứa oxy y tế (loại 8, 10, 40 Lit) và lên phương án đảm bảo sản xuất trong điều kiện dịch bùng phát và khi cơ sở sản xuất có ca nhiễm F0/ F1"- ông Tuấn nhấn mạnh.
Trước đó, vào ngày 31/7, thành viên Tổ công tác Bộ Y tế cũng đã có cuộc khảo sát, nắm kỹ tình hình cung cấp oxy tại một công ty ở Đồng Nai. Đây là công ty cung cấp oxy lâu năm trên địa bàn phía Nam đóng tại TP.Biên Hòa.
TS. Nguyễn Đức Sơn, Phó Viện trưởng Viện Sức khỏe Nghề nghiệp và Môi trường (Bộ Y tế), khuyến cáo, do lượng oxy cho các cơ sở y tế đang được đáp ứng tốt, nên người dân không nên mua và tích trữ oxy để tự sử dụng.
Việc sử dụng không đúng cách có thể dẫn đến ngộ độc oxy, gây lãng phí cá nhân và ảnh hưởng sức khỏe. Việc dùng oxy an toàn phải theo chỉ định và hướng dẫn của nhân viên y tế, có sự giám sát kỹ càng.
Ngọc Trang
Số F0 khỏi bệnh ở Bình Dương lập kỷ lục, nhiều hơn ca mắc mới
"Bệnh nhân Covid-19 ở Bình Dương được công bố khỏi bệnh tăng kỷ lục, đây là một tín hiệu rất mừng, chứng tỏ chúng ta đang đi đúng hướng", PGS.TS Nguyễn Lân Hiếu nhấn mạnh.