Bộ Y tế vừa ban hành quyết định 4815, phê duyệt tài liệu “Chuẩn năng lực cơ bản của dược sĩ Việt Nam”.
Đây sẽ là ăn cứ để đánh giá chất lượng nguồn nhân lực, kiểm soát chất lượng nguồn nhân lực, xây dựng chế độ lương, thưởng, đánh giá hiệu suất làm việc, xác định các lỗ hổng kỹ năng, năng lực để có chiến lược bồi dưỡng, đào tạo lại phù hợp.
Đồng thời, đây cũng là căn cứ quan trọng để có thể triển khai thực hiện kỳ thi quốc gia cấp chứng chỉ hành nghề dược sĩ theo xu hướng hội nhập với các nước trong khu vực và trên thế giới.
Đối với cơ sở đào tạo và người học, bộ tài liệu là căn cứ quan trọng để các cơ sở giáo dục đào tạo nhân lực dược xây dựng chuẩn đầu ra, đổi mới chương trình đào tạo, tổ chức đào tạo đáp ứng tiêu chuẩn nghề nghiệp và nhu cầu xã hội. Đồng thời nó cũng là cơ sở để đối sánh chất lượng nguồn nhân lực dược, thúc đẩy quá trình hội nhập, công nhận văn bằng giữa các cơ sở đào tạo dược của Việt Nam với các cơ sở đào tạo dược của các nước trong khu vực và trên thế giới.
Bộ Y tế đánh giá, chuẩn đầu ra dược sĩ tại Việt Nam còn khác nhau giữa các cơ sở đào tạo, do đó rất cần có Chuẩn năng lực nghề nghiệp để đánh giá |
Theo Bộ Y tế, Trong những năm gần đây số lượng các cơ sở đào tạo nhân lực dược trình độ đại học ngày càng gia tăng, bao gồm các cơ sở giáo dục đại học công lập và ngoài công lập. Tuy nhiên, về chương trình đào tạo, cơ sở vật chất, chất lượng đội ngũ giảng viên, chất lượng đầu vào của sinh viên và đặc biệt là cách thức triển khai chương trình đào tạo, năng lực tổ chức đào tạo, phương thức lượng giá, đánh giá người học của mỗi cơ sở là có sự khác biệt.
Vì vậy, chất lượng sản phẩm đào tạo, chất lượng hành nghề của dược sĩ sau khi ra trường cũng khác nhau.
Để có một mốc chuẩn cho các cơ sở đào tạo có căn cứ hướng tới việc đào tạo đáp ứng tiêu chuẩn nghề nghiệp, nhu cầu xã hội; người học có cơ sở để phấn đấu hoàn thiện bản thân đáp ứng yêu cầu công việc; các đơn vị sử dụng nhân lực dược có căn cứ đánh giá, kiểm soát, xây dựng đội ngũ nhân lực cũng như xây dựng cơ cấu, chế độ lương thưởng phù hợp thì cần có chuẩn năng lực cơ bản dành cho dược sĩ ở Việt Nam.
Mặt khác, trước nhu cầu hội nhập khu vực và quốc tế sâu rộng, các nhà quản lý, người sử dụng lao động cần phải có một bộ công cụ để kiểm soát, đánh giá, chuẩn hóa chất lượng nguồn nhân lực.
Nhận thức được thực tế đó, Bộ Y tế đã chỉ đạo xây dựng Chuẩn năng lực cơ bản của dược sĩ Việt Nam với sự tham gia của tất cả các bên liên quan bao gồm các chuyên gia trong lĩnh vực đào tạo, người tuyển dụng, sử dụng lao động, nhà quản lý, nhà chuyên môn, các tổ chức xã hội.
Trong quá trình xây dựng, Ban soạn thảo đã tham khảo chuẩn năng lực của dược sĩ các nước trong khu vực và trên thế giới để điều chỉnh cho phù hợp với hoàn cảnh Việt Nam, đồng thời, cũng hướng tới sự hội nhập thị trường lao động nhân lực dược của các nước trong khu vực và trên thế giới.
Chuẩn năng lực cơ bản của dược sĩ Việt Nam được sắp xếp theo 7 lĩnh vực, trong mỗi lĩnh vực có những tiêu chuẩn, trong mỗi tiêu chuẩn có các tiêu chí, tổng cộng có 84 tiêu chí.
7 lĩnh vực gồm: Hành nghề chuyên nghiệp và có đạo đức; năng lực giao tiếp, cộng tác; năng lực tổ chức và quản lý; có kiến thức đảm bảo chất lượng thuốc, nguyên liệu làm thuốc; bào chế thuốc và nguyên liệu làm thuốc; cung ứng thuốc; sử dụng thuốc hợp lý.
Trong lĩnh vực đảm bảo chất lượng thuốc, nguyên liệu làm thuốc, dược sĩ cần có kiến thức tổng quát về hệ thống quản lý chất lượng thuốc, các nguyên tắc và chuẩn mực áp dụng trong hệ thống quản lý chất lượng thuốc hay như có kiến thức và áp dụng được các nguyên tắc thực hành tốt trong sản xuất và cung ứng…
Trong lĩnh vực sử dụng thuốc hợp lý, người dược sĩ cần có khả năng phân loại người bệnh và lập kế hoạch điều trị bằng các thuốc không kê đơn trong trường hợp bệnh lý/triệu chứng thông thường. Đồng thời phải đánh giá được đơn thuốc điều trị ngoại trú của người bệnh và tư vấn, trao đổi được với người kê đơn trong trường hợp phát hiện việc kê đơn thuốc không hợp lý.
T.Thư