Gần 1 tuần Nghị định 100 về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ và đường sắt (thay thế Nghị định 46 năm 2016) có hiệu lực, có nhiều ý kiến lo ngại ăn hoa quả cũng có nồng độ cồn, dẫn tới bị xử phạt oan, do đó đề nghị khung nồng độ cồn xử phạt cần nới rộng hơn.
Trao đổi với VietNamNet, TS Nguyễn Huy Quang, Vụ trưởng Vụ Pháp chế, Bộ Y tế cho biết, khi Quốc hội bỏ phiếu thông qua luật Phòng chống tác hại của rượu, bia, trong đó quy định đã uống rượu bia là không lái xe (xe máy, ô tô...) đã tính đến các yếu tố khoa học, thực tiễn cũng như phản ứng của người dân về vấn đề này.
Luật này đã mất tới 8 năm xây dựng, khi ban hành thể hiện quan điểm nhất quán của Quốc hội, thể hiện tính nghiêm minh muốn lập lại trật tự kỷ cương trong lĩnh vực an toàn giao thông trước thực trạng có tới 40% vụ tai nạn giao thông liên quan đến rượu, bia khiến rất nhiều người tử vong, bị thương.
TS Nguyễn Huy Quang
“Đối với một số loại hoa quả như nho, sầu riêng, chuối hay siro, socola rượu... khi ăn vào sẽ chỉ có rất ít trường hợp có nồng độ cồn trong hơi thở do cơ địa, bệnh tật, do mắc hội chứng tự lên men rượu tại ruột. Tuy nhiên, lượng cồn này cũng phân rã rất nhanh, không mất vài giờ như khi uống rượu, bia”, TS Quang nói.
TS Quang cũng cho biết, trong số rất ít trường hợp ăn hoa quả có nồng độ cồn, chỉ số lượng rất rất nhỏ bị lực lượng CSGT dừng xe để kiểm tra khi nghi ngờ có dấu hiệu vi phạm.
“Những trường hợp này nếu bị yêu cầu dừng xe thổi nồng độ cồn, theo Luật xử lý vi phạm hành chính, công dân hoàn toàn có quyền phản hồi, giải thích, thắc mắc. Lực lượng CSGT cũng đã có quán triệt, với những trường hợp như vậy xác định là vô tình chứ không phải do uống rượu bia, khi đó người vi phạm có thể ngồi nghỉ, đợi thổi lại nồng độ cồn trong khí thở hoặc có thể đề nghị chuyển sang đo nồng độ cồn trong máu. Với những trường hợp ăn hoa quả bị lên men, lượng cồn rất thấp, khó thể hiện khi xét nghiệm máu. Tùy từng trường hợp cụ thể, lực lượng CSGT sẽ xem xét kĩ, tránh xử lý oan sai”, TS Quang phân tích.
Do đó, Vụ trưởng Vụ Pháp chế cho rằng, những quan điểm lo ngại ăn hoa quả bị xử phạt oan và đề nghị nới rộng khung nồng độ cồn xử phạt chỉ là biện luận, làm sai lệch nhận thức về tính nghiêm minh của pháp luật về xử phạt hành chính trong lĩnh vực an toàn giao thông đường bộ.
“Tại sao bây giờ nhiều người mới đặt vấn đề này vì Luật giao thông đường bộ từ lâu đã có quy định cấm tuyệt đối nồng độ cồn trong máu và khí thở với lái xe ô tô, giờ Nghị định 100 chỉ quy định thêm phương tiện xe máy thì lại có ý kiến”, TS Quang nêu quan điểm.
Ông Quang cũng cho biết thêm, hiện trên mạng chia sẻ rất nhiều thông tin về việc uống rượu bia bao lâu thì được lái xe, song thực tế, không có ngưỡng phân rã rượu bia chung cho tất cả mọi người, tuỳ thuộc vào cơ địa, sức khoẻ của mỗi người.
Ở người khoẻ mạnh, trung bình mất 2-3 giờ để chuyển hoá hết hoàn toàn 1 đơn vị cồn. Tuy nhiên cũng lượng cồn đó, có người mất cả ngày.
Mức xử phạt hành chính với người uống rượu bia điều khiển phương tiện giao thông tăng mạnh theo Nghị định 100
Theo khuyến cáo của WHO, một lá gan dù khoẻ cũng chỉ có thể thải được 2 đơn vị cồn/ngày với nam, 1 đơn vị cồn/ngày đối với nữ và không uống quá 5 ngày/tuần.
Theo quy định của WHO, 1 đơn vị cồn tương đương 10g cồn nguyên chất chứa trong dung dịch uống, tức khoảng 3/4 lon bia 330 ml (5%) hoặc 1 cốc bia hơi 330 ml (4%), 1 ly rượu vang 100 ml (13,5%) hoặc một chén rượu mạnh 30 ml (40%).
Thúy Hạnh
Lỡ uống lon bia, nghỉ bao lâu mới được lái xe theo luật mới?
- Người dân quan tâm nếu lỡ uống 1-2 chén rượu, 1 lon bia thì cần nghỉ ngơi bao lâu để không còn nồng độ cồn trong máu.